Bảy kiến nghị tài chính cho giáo dục

08/06/2009 05:02

GS Phạm Phụ, thầy giáo ở ĐHQG TP.HCM, vừa gửi thư với "7 kiến nghị về đề án cơ chế tài chính" tới Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu. Mở đầu thư, ông viết: "Ba bốn năm qua, tôi luôn theo dõi câu chuyện tăng học phí và cũng đã chú trọng tìm hiểu những vấn đề về tài chính cho giáo duc ĐH Việt Nam cũng như trên thế giới".

Bảy kiến nghị tài chính cho giáo dục

GS Phạm Phụ, thầy giáo ở ĐHQG TP.HCM, vừa gửi thư với "7 kiến nghị về đề án cơ chế tài chính" tới Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu. Mở đầu thư, ông viết: "Ba bốn năm qua, tôi luôn theo dõi câu chuyện tăng học phí và cũng đã chú trọng tìm hiểu những vấn đề về tài chính cho giáo duc ĐH Việt Nam cũng như trên thế giới".

Tiếp theo, ông kiến nghị Quốc hội xem xét cả đề án tài chính chứ không chỉ riêng chuyện học phí. Riêng về mức tăng học phí cho khu vực đào tạo đại học ngay trong năm học 2009-2010, ông đề nghị Quốc hội chấp thuận mức tăng 50% theo đề nghị của Bộ GD-ĐT mà không cần hạ xuống 33%.

 Ngoài ra, cần xét lại 3 nguyên tắc để xác định mức học phí. Thậm chí, trong việc phân chia cái “bánh” ngân sách Nhà nước (NSNN) trong giáo dục cũng như để cho công bằng xã hội (CBXH) tốt hơn, vị GS nguyên là uỷ viên Hội đồng quốc gia giáodục cho rằng cần ưu tiên tối đa cho giáo dục phổ cập, ở đại học chủ yếu người học gánh chịu (khoảng 70 - 80% thay vì 50% như đề án đề xuất).

Một đề nghị quan trọng khác của vị GS từng có giai đoạn làm đại biểu Quốc hội là: từng bước minh bạch hóa tài chính giáo dục, minh bạch rồi sẽ có hiệu quả, có chất lượng và hạn chế được tham nhũng; trước mắt, minh bạch ở 5 khâu.

Nhằm rộng đường dư luận để có thông tin đa chiều trong các ý kiến gửi về diễn đàn, VietNamNet trích đăng bức thư này để bạn đọc tham khảo.

Kiến nghị 1: Mong rằng Quốc hội xem xét cả Đề án Tài chính chứ không chỉ riêng chuyện học phí

Học phí tuy là vấn đề nhạy cảm nhưng chỉ là một mảng của tài chính, tài chính liên quan đến hầu hết các cơ chế và chính sách lớn trong GD. Cho dù Quốc hội có chấp thuận mức học phí từ Đề án của Bộ GD&ĐT đề nghị đi nữa thì GD Việt Nam cũng chỉ đủ sức để tồn tại như vốn có và từng bước suy thoái thêm một cách lặng lẽ - tinh vi cả về chất lượng cũng như đạo lý trong GD. Và có lẽ, hiệu quả tài chính trong GD hiện nay còn khá yếu kém, thiếu minh bạch, nên xã hội sẽ càng thiếu lòng tin đối với GD nếu như chúng ta chỉ nói chuyện học phí.

Vấn đề tài chính trong giáo dục không chỉ là sự quan tâm của các học sinh... Ảnh: Lê Anh Dũng

Kiến nghị 2: Mức tăng học phí cho khu vực đào tạo đại học ngay trong năm học 2009 - 2010, đề nghị Quốc hội chấp thuận mức tăng 50% theo đề nghị của Bộ GD&ĐT mà không cần hạ xuống 33%.

Nguyên nhân là sự chênh lệch giữa 2 mức này chỉ khoảng 20.000 – 40.000 đồng/tháng, mà đối tượng chủ yếu lại là sinh viên con em các gia đình có thu nhập trung bình và khá giả chứ không phải con em các gia đình nghèo.

Một nguyên nhân nữa là ở đại học cũng đã có đến 23% sinh viên được miễn, giảm học phí, cộng với việc có quỹ cho sinh viên nghèo vay vốn và cầu trong GD đại học gần như không thay đổi khi tăng giá.

Việc tăng học phí đại học cũng chỉ là chuyện khắc phục hệ lụy của “học phí cố định”, để bù lại một phần của việc đồng tiền mất giá sau gần 10 năm.

Kiến nghị 3: Xét lại ba nguyên tắc để xác định mức học phí

Trước hết là con số 6%. Không thể nói con số 5% hay 6% là hợp lý. Vả lại, chênh nhau cũng chỉ 20%. Quan trọng hơn là % của “thu nhập hộ gia đình”, mà việc xác định nó có thể có sai số đến 200%, 300%,… và thiếu tính khả thi, tốn kém, dễ sinh ra tiêu cực. Sau nữa là nguyên tắc “đảm bảo chi phí thường xuyên tối thiểu… tiến tới đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo”.

Chi phí thường xuyên chiếm trên 80%, còn chi phí đào tạo gần đúng là 100% chi phí cho 1 sinh viên trong 1 năm.

Như vậy, mâu thuẫn với mức chia sẻ giữa Nhà nước và người học được Đề án đề nghị là 50/50. Và cũng không có trường công lập nào như vậy trên thế giới.

Cuối cùng, là không để cho GD ngoài công lập tự xây dựng mức thu học phí, cho dù có “ba công khai”. Chất lượng GD rất “mờ ảo” và cơ bản chỉ dựa vào lòng tin với nhau.

Hơn nữa, cung GD còn rất thấp so với cầu, còn độc quyền. Thực tiễn 15 năm qua cũng đã cho thấy, nhiều cơ sở GD đã có siêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận 25 - 30%. Do vậy, Nhà nước vẫn cần kiểm soát chặt chẽ chuẩn mực học thuật và tài chính.

Kiến nghị 4: Ưu tiên tối đa cho giáo dục phổ cập

Trong việc phân chia cái “bánh” ngân sách Nhà nước (NSNN) trong GD cũng như để cho công bằng xã hội (CBXH) tốt hơn, cần theo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, ưu tiên tối đa cho GD phổ cập, ở đại học chủ yếu người học gánh chịu (khoảng 70 – 80% chi phí - Đề án đang đề nghị ở mức 50%).

Khi đó, sẽ hoàn toàn miễn phí cả ở trung học cơ sở. Hơn nữa, theo số liệu năm 2006, thu học phí ở trung học cơ sở chỉ có 573 tỷ đồng, chiếm chỉ có 4,6% của tổng chi. Nếu chỉ cần giảm bớt 21% “tiền chi cho bồi dưỡng cán bộ cơ quan trung ương” (2.775 tỷ đồng) thì đã có thể miễn phí ở trung học cơ sở.

HS Trường tiểu học Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai). Ảnh: Lê Anh Dũng

Kiến nghị 5: Hướng tới xu thế “học phí cao, tài trợ nhiều”

Mất CBXH trong GD, nhất là GD đại học đã ở mức khá cao. Thế nhưng, Đề án vẫn tiếp tục theo xu thế “học phí thấp” ở GD đại học. Khi đó tài trợ từ NSNN phải cao. Phần tài trợ này một mặt tranh bớt đi một phần NSNN cho GD phổ cập, là cấp GD mà con em gia đình nghèo tương đối đông, mặt khác lại chủ yếu chảy vào chỗ người giàu trong GD đại học vì ở đây có rất ít con em của gia đình nghèo. Do vậy, mất CBXH sẽ xấu hơn.

Đặc biệt, khi phải tăng mức chi phí hàng năm cho 1 sinh viên lên để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền GD đại học, mất CBXH sẽ trở nên rất trầm trọng. Mức chi phí này, theo ước tính qua “GD so sánh” có thể cao hơn 2 lần con số hiện nay, nghĩa là khoảng 1.200 USD. (Đề án hiện nay chưa tính đến khả năng cạnh tranh của nền GD cũng như của chất lượng nguồn nhân lực trong khi Việt Nam đã vào WTO).

Do đó, đề nghị Quốc hội nên theo xu thế chung trên thế giới hiện nay là “Học phí cao – Tài trợ nhiều” kết hợp với quỹ cho sinh viên nghèo vay vốn có trợ cấp và đúng đối tượng.

Kiến nghị 6: Minh bạch hóa tài chính giáo dục

Có kế hoạch từng bước minh bạch hóa tài chính GD, minh bạch rồi sẽ có hiệu quả, có chất lượng và hạn chế được tham nhũng. Trước mắt đề nghị minh bạch 5 khâu:

- Quy trình cấp NSNN cho các cơ sở GD (Hiện nay có quá nhiều đầu mối, gần như không ai kiểm soát nổi, kể cả Bộ GD&ĐT).
- Các dự án vốn vay ODA
- Quy trình cấp phép lập trường và nâng cấp trường.
- Về xuất bản sách GD.
- Công khai tài chính ở tất cả các cơ sở GD.

- GS Phạm Phụ: nghiên cứu và giảng dạy ngành Thuỷ điện.

- Từng làm đại biểu Quốc hội

- Nguyên là thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục (thuộc Văn phòng Chính phủ).

- Nguyên Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp (ĐH Bách khoa TP.HCM).

Hiện nay, tiềm năng đầu tư của xã hội để cung cấp dịch vụ GD rất lớn. Nhưng có lẽ có nhiều “thủ tục” nên nhiều người đã từ bỏ ý định. Mặt khác cơ chế “vì lợi nhuận”, “không vì lợi nhuận” đến nay vẫn chưa có, mặc dù Chính phủ đã có Chỉ thị 193 từ năm 2005 yêu cầu làm rõ cơ chế này. Chính vì vậy, đã có kế hoạch tăng sinh viên đại học ngoài công lập lên đến 40% vào năm 2020, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ này vẫn chỉ luẩn quẩn ở con số 11 – 13%.

Kiến nghị 7: Thêm chuyên gia ngoài Bộ GD-ĐT

Việc soạn thảo Đề án vừa qua còn có một số nhược điểm.

Thứ nhất, Đề án Tài chính đặt áp lực “minh bạch và hiệu quả” của xã hội lên Bộ GD&ĐT, chuyện tăng học phí là chuyện xã hội thêm nguồn kinh phí cho chính ngành GD…, nhưng Đề án lại chỉ do Bộ soạn thảo. (Và có lẽ cũng vì vậy nên tuy nói là Đề án Tài chính nhưng nội dung chủ yếu vẫn là các vấn đề liên quan đến học phí. Đổi mới cơ chế tài chính chỉ được định hướng trong 4 trang của Đề án 150 trang).

Thứ hai, khi lấy ý kiến công chúng thì chủ yếu lại là giám đốc các sở GD và hiệu trưởng ĐH, những người liên quan đến việc chi tiêu nguồn lực đó, nếu được tăng lên.

Vì vậy, cần có thêm nhiều chuyên gia ngoài Bộ GD-ĐT tham gia soạn thảo Đề án và tổ chức lấy ý kiến công chúng một cách rộng rãi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảy kiến nghị tài chính cho giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO