Ai giúp doanh nghiệp hiểu luật?

TÔ HOÀI NAM - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (TRÌNH TIÊU ghi)| 14/04/2015 03:56

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc nắm được các quy định pháp luật, thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong kinh doanh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN).

Ai giúp doanh nghiệp hiểu luật?

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc nắm được các quy định pháp luật, thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong kinh doanh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam, khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thì nền tảng tri thức pháp lý của DN lại tương đối thấp, nên việc hỗ trợ pháp lý cho DN là rất cần thiết.

Đọc E-paper

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho DN, các hiệp hội cần đội ngũ chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm, am hiểu luật pháp. Nhưng thực tế, hầu hết các hiệp hội chưa hình thành được bộ phận chuyên trách, việc liên kết giữa hội với các tổ chức tư vấn pháp luật, các luật sư, luật gia chưa gắn kết.

Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ các ban, ngành về Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý DN và Chương trình hỗ trợ pháp lý DN của Chính phủ chưa đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, sự quan tâm cũng như đầu tư cho hỗ trợ pháp lý DN còn hạn chế.

Theo số liệu Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, có trên 30 tỉnh - thành và 12 bộ, ngành ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý DN nhưng các hiệp hội địa phương chưa chủ động đề xuất với các Sở Tư pháp về việc làm đầu mối triển khai hỗ trợ pháp lý cho DN. Hiện nay, các hiệp hội không có kinh phí cho trợ giúp pháp luật và bảo vệ hội viên.

Kinh phí hỗ trợ pháp lý cho DN theo Thông tư 157/TTLT ngày 20/10/2010 Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp có định mức quá thấp, không phù hợp với thực tiễn, trong khi thủ tục xin kinh phí hỗ trợ pháp lý cho DN lại quá rườm rà, chưa tạo điều kiện cho DN tham gia.

Trong bối cảnh đó, sự quan tâm đến pháp luật của khối DN vừa và nhỏ khá mờ nhạt. Lãnh đạo các DN chỉ giải quyết các vấn đề pháp lý khi xảy ra các sự vụ như tranh chấp thương mại, tai nạn lao động, thanh kiểm tra...

Ý thức pháp luật không tốt, không có biện pháp phòng ngừa, nên DN rất lúng túng khi phải xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật; việc dùng quan hệ "cửa sau" thường khiến DN bị thua kiện.

Hầu hết đội ngũ quản lý DN vừa và nhỏ không được đào tạo pháp luật. Vì vậy, kết quả nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đều cho thấy, DN thiếu sót và vi phạm hầu hết các vấn đề liên quan đến pháp luật về lao động, bảo hiểm, vệ sinh môi trường, thuế, an toàn lao động, hợp đồng thương mại quốc tế...

Các DN chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của các hiệp hội trong việc bảo vệ hội viên. Khi xảy ra vụ việc, DN vẫn "đơn thương độc mã” xử lý mà không biết rằng, có tiếng nói cộng đồng, quyền lợi hợp pháp của DN sẽ được bảo vệ.

Vai trò, vị trí của doanh nhân, DN và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Điều đó cho thấy công tác hỗ trợ pháp luật cho DN đặt ra những thách thức mới cần được giải quyết. Làm sao để DN được tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách là rất quan trọng.

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách không quan tâm đến việc lấy ý kiến, hoặc có thì cũng chỉ mang tính hình thức. Ví dụ, nhiều chính sách về người lao động khi xây dựng không được lấy ý kiến một cách xác đáng, cụ thể.

Cho nên, khi chính sách được ban hành không phù hợp với thực tế, khiến người lao động phản ứng dữ dội. Thứ hai, cần giúp DN giải đáp thông tin pháp luật. Thực tế, vấn đề giải đáp thông tin pháp luật cho DN hiện nay mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau, địa phương bảo hết hiệu lực, trung ương bảo còn.

Trong bối cảnh đó, DN vẫn "đơn thương độc mã” trong vấn đề hỏi đáp pháp luật. Điều này dẫn đến không ít vấn đề, vụ việc DN làm đúng, nhưng công chức cơ quan nhà nước bảo sai, gây bức xúc cho DN và xã hội.

Đổi mới kinh tế thị trường, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và một loạt các đạo luật được ban hành, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Bảo hiểm xã hội... được ban hành, đặt ra cho DN áp lực phải nắm bắt các quy định của luật pháp.

Nhưng để đảm bảo tính thống nhất trong cách thực thi pháp luật, DN phải chủ động gắn kết với các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội DN, để thông qua tiếng nói của hiệp hội, đề nghị các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời những vấn đề DN quan tâm.

Cùng với đó, DN cần tăng cường hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thực thi pháp luật, trong khi các hiệp hội cũng cần sớm hình thành bộ máy chuyên trách về hỗ trợ pháp lý cho DN.

>Chính thức luật hóa trần lãi suất huy động VND 
>Siết chặt thị trường bằng luật
> Phải tính chuyện sửa luật
>Văn bản pháp luật lượng đã nhiều còn chất ...?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai giúp doanh nghiệp hiểu luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO