15 năm kiếm tìm niềm tin và những lời hứa dở dang

Chính Trực| 25/11/2020 09:34

Cải cách hành chính của TP.HCM trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và giúp Thành phố hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, qua câu chuyện tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM cách nay 15 năm cho chúng ta thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Ngày 18/11/2020 qua, trong cuộc họp kiểm tra tiến độ thực hiện các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn thành phố do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp than phiền đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí hối hận vì quyết định năm xưa của mình mà nay muốn dừng cũng không được. Có doanh nghiệp còn chia sẻ muốn nhảy lầu, vì tất cả vốn liếng hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào dự án, giờ không thể rút ra được.

Câu chuyện bắt đầu từ khi một số doanh nghiệp đã tham gia đầu tư theo quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 17/2/2005 của UBND TP.HCM về phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM đến năm 2010. Đây được xem là một chương trình trọng điểm và mang tính đột phá của Thành phố về chỉnh trang đô thị và an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước. 

Để thực hiện quy hoạch này, Thành phố khi đó quy định rõ "các ngành và quận, huyện có liên quan cần tập trung chỉ đạo và hỗ trợ tích cực cho các chủ đầu tư sớm thực hiện dự án, có chính sách thuế phù hợp, ưu đãi cho vay trong đầu tư...".

15nam-9973-1606272075.jpg

15 năm đeo đuổi quy hoạch giết mổ nhưng đến nay DN vẫn chưa thể đưa nhà máy hiện đại vào hoạt động do thủ tục quá rườm rà.

Nhưng văn bản quy định là một chuyện, còn thực tế lại là một chuyện khác. Cả 6 nhà máy theo quy hoạch từ năm 2005 đến nay vẫn còn dang dở, ngổn ngang giấy tờ, thủ tục pháp lý.

Nguyên nhân dẫn đến việc "đứng hình" của các nhà máy chủ yếu đến từ việc thực thi công vụ và thực hiện lời hứa của chính quyền với doanh nghiệp. 

Có dự án được địa phương hứa làm con đường đấu nối từ lộ vào như dự án giết mổ Tân Hiệp (Củ Chi) nhưng không làm, đến nay quay lại phán... hủy, chủ đầu tư muốn xây nhà máy phải tự bỏ tiền ra làm đường. Có dự án doanh nghiệp chuyển nhượng lại và làm theo đúng dự án được cấp phép của chủ đầu tư cũ nhưng mãi không được chấp nhận. Hay một quyết định hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Thành phố là giao một con mương diện tích 390m2 nằm xen kẽ trong dự án rộng 3ha (dự án An Hạ), cho thuê đất trả tiền một lần để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mà trải qua 4-5 năm không cơ quan nào dám quyết. 

Cho đến nay, nhìn hồ sơ xin thủ tục xây nhà máy của Công ty An Hạ lên tới hàng nghìn trang, hay của Công ty TNHH Thịt an toàn và dinh dưỡng (Nutri-Meat) của Tân Hiệp xếp thành chồng cao... mới thấy khối lượng công việc và sự khó khăn, khổ cực của các doanh nghiệp đã bỏ ra là lớn như thế nào. Họ chỉ mong thực hiện một dự án theo chủ trương kêu gọi đầu tư của Thành phố.

Thời gian là tiền, là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Từ vị trí của những người tiên phong trong đầu tư nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thịt tại Thành phố cũng như của cả nước, nhiều đơn vị đã bị sa lầy vào nó, nay chưa tìm thấy lối ra. 

Công ty An Hạ đã nhập máy về ba năm nay, đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nay nhìn đống sắt bám bụi, mạng nhện quấn kín mà thấy đau lòng. Từ năm 2005 đến nay, sau 15 năm ròng, tiền của và công sức, công nghệ thiết bị, cấu trúc, thiết kế nhà máy định hình từ ngày đó, bây giờ đã quá lạc hậu. Đây là mất mát, thiệt thòi không thể đo đếm được. Công nghệ lạc hậu kéo theo cạnh tranh yếu đi, kéo theo mất cơ hội đầu tư làm ăn vì cũng trong quãng thời gian đó, hàng loạt dự án ở các địa phương khác được xây dựng và cung ứng hàng hóa chất lượng ra thị trường. Còn các dự án ở Thành phố, giấy vẫn nằm trên giấy, chủ đầu tư chỉ biết nhìn cơ hội trôi vuột đi qua từng năm.

Nhưng cái mất lớn nhất của doanh nghiệp là mất niềm tin vào chính sách, chủ trương kêu gọi đầu tư, vào lời hứa cũng như các nghị quyết thúc đẩy cải cách hành chính mà các cấp chính quyền đang nỗ lực thực hiện. Từ một thành phố đi đầu và vượt rất xa các địa phương còn lại trong cả nước về quy hoạch và kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, nay TP.HCM đang bị nhiều tỉnh, thành khác thu hẹp khoảng cách và thậm chí tụt lại khá xa. 

Link bài viết

Rõ ràng, làm khổ doanh nghiệp là bởi những nhà quản lý ở nhiều cấp thẩm quyền, những cơ quan ban hành quy định không làm hết trách nhiệm của mình. Họ không quan tâm đến số phận doanh nghiệp đã đành, nhưng họ cũng không quan tâm ngay cả an toàn thực phẩm cho người dân, cho bản thân và gia đình? Các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thịt hiện đại chậm đi vào hoạt động ngày nào là ngày đó thành phố này còn phải chịu cảnh rủi ro thực phẩm bẩn, rủi ro nguồn gốc, chưa được kiểm soát an toàn nhưng vẫn được bày bán.

Còn nhớ cuối năm 2017, do quá khó khăn trong việc thực hiện các dự án nhà máy giết mổ gia súc gia cầm hiện đại, một số doanh nghiệp tuyên bố sẽ bỏ TP.HCM để sang các địa phương khác đầu tư vì đang được mời gọi.

Nhiều doanh nghiệp nói rằng, họ không cần Nhà nước giao đất, không cần ưu đãi vốn, không cần hưởng lãi suất hỗ trợ mà chỉ mong được các cơ quan ban ngành làm đúng quy định của pháp luật. Và có lẽ, họ cũng mong các nhà quản lý thực hiện đúng lời hứa khi kêu gọi đầu tư.

Kiên trì thực hiện quy hoạch này, Thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt thay thế Quyết định 31. Theo đó, ngày 20/1/2011, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 313/QĐ-UBND thay thế quyết định 31 về phê duyệt phương án "Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2015".

Ngày 25/4/2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 2032/QĐ-UBND thay thế Quyết định 313 phê duyệt phương án "Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025".

Tháng 1/2019, UBND TP.HCM có Quyết định số 300/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn với mục tiêu đến ngày 30/9/2019 sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại.

Tháng 7/2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2515/QĐ-UBND về điều chỉnh thời gian hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp và thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện hữu trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, xem ra kế hoạch này cũng khó hiện thực vì cả ba nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay vẫn còn dở dang và ba nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2021 vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý giao đất, thiếu đường vào nhà máy...

Rất cần một chương trình hành động trách nhiệm của các cơ quan chức năng để lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp cách nay 15 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
15 năm kiếm tìm niềm tin và những lời hứa dở dang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO