Vòi bạch tuộc vươn qua biên giới

THỤY KHA| 27/11/2009 00:13

Báo cáo năm 2009 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) cảnh báo, thế giới hành động chưa đủ mạnh để chống tham nhũng trên toàn cầu.

Vòi bạch tuộc vươn qua biên giới

Báo cáo năm 2009 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) cảnh báo, thế giới hành động chưa đủ mạnh để chống tham nhũng trên toàn cầu. Nạn tham nhũng, hối lộ đã theo chân các tập đoàn đa quốc gia tràn vào những nước đang phát triển.

Bảng xếp hạng tham nhũng thế giới do IT công bố ngày 17/11 cho thấy, thế giới dường như thiếu khẩn trương chống tham nhũng, thậm chí nhiều quốc gia còn coi tham nhũng là chuyện "làm ăn bình thường". Theo bảng xếp hạng này, New Zealand là quốc gia trong sạch nhất, đứng trên Đan Mạch và Singapore.

Người dân châu Âu biểu tình chống tham nhũng

Đứng cuối bảng là Myanmar, Afghanistan và Somali; riêng Hoa Kỳ rơi từ vị trí 18 xuống 19. Nếu không tính các thất thoát đầu tư và sự thiếu hụt vì tăng trưởng kinh tế kém, thì chỉ riêng nạn hối lộ đã gây thiệt hại 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Báo cáo 2009 có nhắc đến vụ án PCI liên quan đến quan chức ngành giao thông Nhật và VN.

Báo cáo của IT lo ngại, toàn cầu hóa đang đẩy những công ty đa quốc gia vào vòng xoáy tham nhũng tại các nước đang phát triển, làm gia tăng nạn hối lộ quốc tế. Theo điều tra do Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Hoa Kỳ (SEC), trên 400 công ty Hoa Kỳ thừa nhận đã trả các khoản tiền bất hợp pháp lên tới trên 300 triệu USD cho các quan chức, các chính trị gia và các đảng phái chính trị nước ngoài. Vì vậy, các nước phát triển cần phải cố gắng hơn nữa để chống tham nhũng ở cấp độ quốc tế, nhất là vấn đề bí mật ngân hàng, vốn cho phép che giấu việc rửa tiền.

Điều đáng ghi nhận là chính phủ nhiều nước đang siết chặt các biện pháp chống tham nhũng tại các tập đoàn đa quốc gia. Để chấm dứt tình trạng hối lộ các quan chức nước ngoài và khôi phục lòng tin của công chúng, Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (US Foreign Corrupt Practices Act - FCPA). Các án phạt tiền đối với các công ty cũng ngày một nặng hơn. Chẳng hạn, tháng Ba vừa rồi, tòa án Mỹ phạt Công ty xây dựng KBR và Công ty mẹ Halliburton 579 triệu USD về vụ hối lộ để được nhận hợp đồng tại Nigeria.

Công ty Hoa Kỳ sẽ bị coi là vi phạm luật FCPA khi họ gợi ý hoặc hứa sẽ trả tiền, hoặc trả tiền (ví dụ tiền hoa hồng) cho một người nào đó (ví dụ đại lý bán hàng) mà họ biết rằng, số tiền đó sẽ được dùng để hối lộ các quan chức thuộc các đảng phái chính trị, hoặc chính phủ ở nước ngoài.

Trả tiền, hoặc biếu hiện vật/dịch vụ có giá trị nhằm tác động đến một hành động hoặc quyết định tùy ý của quan chức để phục vụ cho hoạt động kinh doanh bị coi là hành vi hối lộ. Vi phạm FCPA có thể bị xử lý hình sự hoặc dân sự, công ty vi phạm có thể bị phạt tới 2 triệu USD. Cá nhân lãnh đạo, nhân viên, đại lý và cổ đông của công ty trực tiếp vi phạm có thể bị phạt tới 100.000USD, hoặc bị phạt tù tới 5 năm, hoặc phải chịu cả hai hình phạt này. Cá nhân hoặc công ty vi phạm luật này còn có thể bị cấm làm ăn với Chính phủ Hoa Kỳ.

Đây cũng chính là động lực thúc đẩy tấn công nạn hối lộ của các công ty tại châu Âu. Sau 12 năm thảo luận và nhiều lần trì hoãn, đầu năm nay, Bộ trưởng Tư pháp Anh Jack Straw đã trình lên Quốc hội Anh dự luật chống hối lộ. Với dự luật này, các doanh nghiệp và nhà chính trị liên quan đến hối lộ dễ dàng bị truy tố hơn; việc thực hiện các luật khác về chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.

Theo dự luật, mức xử phạt tội danh hối lộ được nâng lên đến 10 năm tù thay vì 7 năm theo luật hiện hành và không giới hạn mức phạt tiền. Điểm nổi bật là tội danh mới về hành vi hối lộ cho quan chức nước ngoài và cơ quan công tố không cần xin phép tổng chưởng lý vẫn có thể truy tố người vi phạm. Để bảo đảm hoạt động kinh doanh có đạo đức và minh bạch ở Anh cũng như ở nước ngoài, dự luật chống hối lộ yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp ngăn ngừa hối lộ và giáo dục nhân viên nhận thức về rủi ro khi hối lộ. Đối với các nhà chính trị, dự luật cho phép tòa án sử dụng chứng cứ điều tra tại quốc hội để tước đặc quyền miễn truy tố của nghị sĩ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vòi bạch tuộc vươn qua biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO