Vô địch về bán hàng miễn thuế

Nguồn SGTT/VnExpress| 08/09/2009 07:48

Tại các cửa hàng miễn thuế đã giúp cho sân bay Roissy có mức tăng trưởng 44% trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Vô địch về bán hàng miễn thuế

Hành khách Nga, Trung Quốc và Nhật tranh nhau mua rượu mạnh, pho mát, cà vạt, nước hoa, tháp Eiffel thu nhỏ tại các cửa hàng miễn thuế đã giúp cho sân bay Roissy có mức tăng trưởng 44% trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Sân bay Roissy-Charles de Gaulle. Ảnh: TL

Dù không phải là các quảng trường Vendôme, đại lộ Montaigne hay đường Faubourg-Saint-Honoré với các cửa hiệu sang trọng nhất Paris, nhưng ở đây cửa hàng Hermès nằm cạnh bên Chaumet và Van Cleef, Yves Saint Laurent kế cận Fauchon, Ladurée hay Hédiard… Không phải đi dạo ở các phố mua sắm hạng nhất của Paris hay của một thành phố lớn nào khác, mà người mua đang ở khu bán hàng không trả thuế của sân bay Roissy-Charles de Gaulle (CDG), terminal (ga chót) 2E.

Hấp lực phong cách Pháp

Dù chức năng chính của công ty ADP là quản lý các hoạt động vận tải của hai sân bay Roissy và Orly, ADP thu được không ít tiền từ các hoạt động thương mại: từ năm 2005, hoạt động này đã đứng thứ hai, sau thuế sân bay, trong doanh thu của ADP. Chỉ trong vòng bốn năm, doanh thu thương mại đã từ 170 triệu euro tăng lên 230 triệu. Quý 1/2009, trong khi vận tải hành khách ở hai sân bay Paris giảm 8,7% và doanh thu của các cửa hàng miễn thuế ở các sân bay châu Âu khác giảm hơn 9 %, thì doanh thu của các cửa hàng của ADP tăng đến 44%.

Đối với Pascal Bourgue, giám đốc tiếp thị, thương mại và truyền thông của ADP, sự tăng trưởng đó không phải là điều đáng ngạc nhiên: “Đó là sự kết hợp của nhiều đòn bẩy: tăng thêm các mặt bằng dành cho việc bán hàng, đặt chúng ở những nơi có người qua lại và tuyển dụng các chuyên gia trước đây làm cho các công ty phân phối lớn”.

Ông ta cũng sẵn sàng thừa nhận là phong cách Pháp (French touch) cũng đóng vai trò quan trọng: “Chính sự kết hợp thương hiệu Paris với sự kiện các món hàng được sản xuất ở Pháp (made in France) đã quyến rũ khách hàng”. Vài con số khẳng định điều đó: chỉ trong một năm, hai sân bay Roissy và Orly đã bán được đến 500.000 tháp Eiffel thu nhỏ, hơn 350.000 cà vạt, 2,5 triệu lọ nước hoa, 150 tấn pho mát…

Những nhà vô địch Nga

Tuy nhiên việc bán các món hàng nói trên tuỳ thuộc rất nhiều vào quốc tịch của hành khách. Theo một nghiên cứu do GMV Conseil thực hiện theo đơn đặt hàng của ADP, ở tất cả các terminal của ADP, các hành khách Nga đoạt huy chương vàng về mua hàng: gần một nửa trong số họ (47%) mua hàng miễn thuế, chủ yếu là rượu mạnh, thời trang và mỹ phẩm – nước hoa.

Ở cửa hàng Yves Saint Laurent, khách hàng Nga thường thích mua đồ da, áo quần may sẵn và giày cao gót. Họ cũng rất chuộng áo quần may sẵn hiệu Hermès cũng như khăn và cà vạt lụa. Họ cũng hay vào các cửa hàng kim hoàn Chaumet và Van Cleef cũng như tiệm Royal Quart chuyên bán các loại đồng hồ rất đắt tiền. Khách hàng Nga thường được nuông chiều vì họ ưa các món hàng cực kỳ cao cấp như kim cương, vàng và các thứ đồng hồ có nhiều tính năng phức tạp.

Huy chương bạc: Trung Quốc

Đạt huy chương bạc là khách hàng Trung Quốc: trong 10 hành khách thì có bốn người mua hàng. Nhưng khác với khách hàng Nga bình quân chỉ dành khoảng 15 phút để mua hàng, khách hàng Trung Quốc thường đến sân bay sớm hơn để có thì giờ mua sắm, thiên về rượu mạnh và thuốc điếu.

Ở cửa hàng Pure et Rare (nguyên chất và hiếm), đến hơn 300 chai rược cognac rất đắt được mua mỗi tháng. Người bán hàng kể lại với sự xúc động: “Chính trong cửa hàng này vào trước lễ Giáng sinh 2008, một hành khách Trung Quốc đã tiêu món tiền kỷ lục là 46.423 euro để mua nhiều chai rượu Bourgogne thượng hạng trong số đó có chai La tâche với giá 1.990 euro và chai Romani-conti 2002 với giá 4.950 euro!”

Du khách Trung Quốc rất ưa thích các món hàng “made in France”, đặc biệt của các thương hiệu Fauchon và Petrossian. Về nước hoa, họ rất chuộng loại chai rất nhỏ của thương hiệu Christian Dior mà gọi là “CD”.

Các hành khách Bắc Phi đạt huy chương đồng. Họ rất ưa các loại mỹ phẩm và nước hoa: phụ nữ thì chuộng mùi trái cây còn đàn ông thì thích mùi nồng và không ngần ngại mua cùng lúc đến bốn năm lọ.

Mỗi hành khách Nhật bình quân mua bốn món hàng, nhiều hơn các hành khách có quốc tịch khác. Theo điều tra của GMV Conseil, họ biết rất rõ các thương hiệu. Cô Éléna, ở cửa hàng mỹ phẩm L’Occitane, cũng có nhận xét tương tự: “Họ thường vào các cửa hàng với tờ quảng cáo; họ biết rõ là họ muốn gì và biết giá hàng mua ở ADP rẻ hơn ở Nhật đến 2,5 lần”.

Cô bán hàng cho thương hiệu Longchamp, chuyên về hành lý, có nhận xét khá thú vị về khách hàng Nhật: “Họ biết tất cả các loại sản phẩm của chúng tôi. Nhưng coi chừng! Cần phải có sẵn rất nhiều hàng, vì khi có một người trong nhóm mua một món, thì tất cả các người khác cũng sẽ ùa vào mua ngay món đó”.

10 sân bay bận rộn nhất thế giới

Tổ chức Airports Council International vừa công bố 10 sân bay bận rộn nhất thế giới năm qua tính trên số lượt khách qua lại, trong đó đa phần là các phi trường tại Mỹ và châu Âu. Châu Á có hai đại diện là sân bay Tokyo và Bắc Kinh.

Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Sân bay quốc tế O'Hare Chicago, Mỹ. Ảnh: Reuters
Sân bay quốc tế Heathrow London, Anh. Ảnh: Reuters.
Sân bay quốc tế Haneda Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Sây bay Roissy Charles de Gaulle Paris, Pháp. Ảnh: Đình Chính.
Sân bay quốc tế Dallas/Fort Worth Dallas, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Sân bay quốc tế Frankfurt, Đức. Ảnh: Đình Chính.
Sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Sân bay Barajas Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vô địch về bán hàng miễn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO