Tương lai của "Nhà máy châu Á"

THỤY KHA| 24/03/2015 00:22

ASEAN và Trung Quốc (TQ) sẽ cộng hưởng sức mạnh của lợi thế "Nhà máy châu Á" và cùng nhau hình thành công xưởng mới của thế giới.

Tương lai của

ASEAN và Trung Quốc (TQ) sẽ cộng hưởng sức mạnh của lợi thế "Nhà máy châu Á" và cùng nhau hình thành công xưởng mới của thế giới.

Lợi thế vẫn của TQ

Năm 1990, châu Á chiếm 26,5% sản lượng sản xuất toàn cầu. Đến năm 2013, con số này đã tăng lên 46,5%. Còn hiện nay, TQ chiếm một nửa sản lượng sản xuất của châu Á. The Economist đã có bài viết phân tích về tương lai của lao động giá rẻ với mô hình "Nhà máy châu Á" mà trung tâm là TQ. Trong đó, TQ hiện là yếu tố rất quan trọng để xây dựng "Nhà máy châu Á" - thuật ngữ dùng đặt cho chuỗi sản xuất cung ứng hình thành tại châu Á. Dù sản xuất quy mô lớn nhưng lợi thế về chi phí sản xuất tại TQ đang chịu áp lực.

Kể từ năm 2001, nhân công ở TQ đã tăng trung bình 12% một năm. Đồng nhân dân tệ đã tăng lên một mức cao so với rổ tiền tệ của nhiều đồng tiền khác. Ngành sản xuất thu hẹp khi nền kinh tế bị đè nặng bởi nợ nần và sụt giảm tài sản. Sản xuất TQ vẫn chỉ có lợi thế lắp ráp, trong khi phần lợi nhuận nhiều hơn, như thiết kế và tiếp thị, vẫn dồn về các nước phương Tây và Nhật Bản. Theo một nghiên cứu được công bố trong năm 2010, lao động tại TQ chỉ chiếm chưa đầy 3,6% giá trị của một chiếc iPhone.

Nhưng các nghiên cứu chi tiết hơn cho thấy TQ đang thay đổi. Hiện nay, 65% thành phần trong hàng hóa TQ bán cho thế giới đều từ các nhà cung cấp nội địa, tăng từ tỷ lệ 40% vào giữa năm 1990. Mặc dù tiền lương tăng nhanh nhưng các nhà máy của TQ vẫn thường có giá rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ phương Tây. Chi phí nhân công ở Đại lục chỉ ở trên mức lương tối thiểu, khoảng 270USD/tháng, chỉ bằng một phần tư ở Mỹ.

Mặt khác, Công ty Tư vấn McKinsey cho rằng, năng suất lao động tăng 11% một năm tại TQ trong thời gian 2007 - 2012, so với 8% ở Thái Lan và 7% ở Indonesia. Các nhà máy TQ bắt đầu đầu tư cho tự động hóa, hứa hẹn cải thiện năng suất hơn nữa. Theo Liên đoàn Quốc tế Robotics, TQ trở thành thị trường robot lớn nhất vào năm 2013, nhưng hiện nay tỷ lệ tự động hóa còn thấp, khoảng 30 robot trên 10.000 lao động, so với 323 ở Nhật Bản.

>2015, Trung Quốc vẫn là "công xưởng của thế giới"

Các công ty cũng đang tiến sâu hơn vào Đại lục để tận dụng các khu vực vẫn còn chi phí lao động rẻ. Foxconn trước đây chủ yếu ở Thâm Quyến, các trung tâm sản xuất gần Hồng Kông, nay mới xây dựng các nhà máy lớn tại các tỉnh Hà Nam, Tứ Xuyên và Quý Dương. Hewlett-Packard đã chuyển từ Thượng Hải tới Trùng Khánh, một thành phố 30 triệu dân ở phía Tây Nam TQ.

Hiện nay, cứ 4 chiếc laptop được bán ra thì có 1 chiếc được sản xuất tại Trùng Khánh. Kết quả là TQ vẫn duy trì khả năng cạnh tranh đáng ngạc nhiên trong sản xuất thấp: thị phần xuất khẩu quần áo của TQ trên thị trường thế giới đã tăng từ 42,6% năm 2011 lên 43,1% vào năm 2013, trong khi giá của hàng hóa do TQ sản xuất được bán tại Mỹ đã giảm gần 2% trong 3 năm qua.

>Giàu nhất Nhật Bản nhờ... buôn quần áo cũ

Di chuyển xuống phía Nam

Tuy nhiên, TQ không thể giữ lợi thế này mãi và quốc gia này cũng không muốn ở trình độ sản xuất thấp nữa. Trong khi đó, Đông Nam Á cung cấp lực lượng lao động lớn với mức lương thấp và chính sách kinh doanh thân thiện. Công nhân tại các nhà máy ở TQ kiếm được 27,50 USD mỗi ngày, so với 8,60USD tại Indonesia và 6,70USD tại Việt Nam.

Dân số TQ đang già đi nhanh chóng, nhưng lực lượng lao động Đông Nam Á phần lớn là dưới độ tuổi trung bình 29,7. Ưu điểm lớn nhất của các thị trường tại Đông Nam Á thu hút các nhà máy di chuyển khỏi TQ rất đơn giản: gần TQ! Bởi vì, sự dịch chuyển này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sản xuất, đảm bảo kết nối, cung ứng giữa các nhà máy. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tại TQ cũng đặc biệt hữu ích cho các nhà sản xuất nằm ở các vùng lân cận.

Khi sức mua của người tiêu dùng TQ phát triển, khoảng cách vận chuyển hàng xuất khẩu đang thay đổi, tùy thuộc vào việc chúng được vận chuyển từ châu Á, châu Âu hay Bắc Mỹ. Từ năm 2008 đến năm 2012, chiều dài hành trình cho các đơn hàng xuất khẩu từ châu Á giảm 4,5%, trong khi các đơn hàng từ châu Âu và Bắc Mỹ lại tăng 25,9% và 13,7% tương ứng. Rõ ràng, chi phí vận chuyển từ các nhà máy châu Á đã trở nên rẻ hơn.

>Khủng hoảng dân số tại Mỹ và Trung Quốc

Hàng may mặc là một trong những mặt hàng đầu tiên dịch chuyển khỏi trung tâm sản xuất TQ vì đây là mặt hàng đòi hỏi kỹ năng thấp, chi phí vận chuyển thấp. H&M, một nhà bán lẻ châu Âu, gần đây đã chuyển sản xuất áo len từ TQ đến Myanmar. Xuất khẩu quần áo của Myanmar đã tăng từ 700 triệu USD lên 1,7 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2014. Sản xuất các mặt hàng phức tạp như máy móc, điện tử cũng đang bắt đầu dịch chuyển khỏi TQ tới các địa điểm sản xuất mới như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

>Doanh nghiệp Mỹ chưa mặn mà với Myanmar

Nhưng dù thế nào, không một quốc gia nào có thể thay thế vai trò của TQ trong vị thế "Nhà máy châu Á". ASEAN là khu vực 630 triệu người tiêu dùng, ít hơn một nửa dân số của TQ. Theo McKinsey, chi phí nhập khẩu/xuất khẩu trong ASEAN cao hơn so với ở TQ 24%, và thủ tục hải quan của khu vực mất nhiều thời gian hơn so với mức trung bình của OECD là 66%. Chính trị là một rào cản khi căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa TQ và Nhật Bản đã đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản hướng về ASEAN.

Năm 2013, đầu tư Nhật Bản tăng gấp đôi ở Đông Nam Á và sụt giảm tới 40% ở TQ. Hành động tranh chấp lãnh hải phi pháp của TQ tại Biển Đông đã khiến các quốc gia láng giềng tức giận, đặc biệt là Philippines. Nhưng thành công của Nhà máy châu Á trong hai thập kỷ qua là một dấu hiệu cho thấy các nước châu Á đã có thể đặt quan hệ kinh doanh trên các tranh chấp chính trị.

Thương mại đã đưa các quốc gia xích lại gần nhau. ASEAN có một thỏa thuận tự do thương mại với TQ. Nhật Bản, TQ và Hàn Quốc đang đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại...

>Các nước lớn muốn thúc đẩy tự do thương mại tại châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai của "Nhà máy châu Á"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO