Trung Quốc: Gồng mình “chữa bệnh môi trường”

Nguồn SGTT| 14/08/2009 00:36

Quan chức ngành bị đình chỉ công tác, người đại diện pháp luật bị bắt giữ và nhiều người có dính líu bị điều tra gắt gao vì ô nhiễm môi trường.

Trung Quốc: Gồng mình “chữa bệnh môi trường”

Quan chức ngành bị đình chỉ công tác, người đại diện pháp luật bị bắt giữ và nhiều người có dính líu bị điều tra gắt gao vì ô nhiễm môi trường.

Hồi đầu tháng 5, tại thị trấn Trấn Đầu, thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây chết người của nhà máy hoá chất Tương Hoà Trường Sa đã khiến người dân địa phương khiếp hãi. Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ rất lâu trước đó.

Đến khi giật mình vì những ca tử vong do ô nhiễm môi trường, người dân Trung Quốc phải ăn, uống, hít thở chất độc bao nhiêu năm nay. Ảnh: TL

Hậu quả khôn lường



Nhà máy trên tự ý làm thêm dây chuyền sản xuất trong khi chưa xin được giấy phép từ tháng 4/2004. Dân chúng quanh vùng phản ánh rằng, từ sau sự kiện đó, khu vực có bán kính từ 500 đến 1.200m quanh nhà máy đã bị ô nhiễm trầm trọng, cây cối chết khô hàng loạt. Người dân liên tục thấy xuất hiện các hiện tượng mất sức, đau đầu, khó thở, đau nhức xương cốt, nhiều người phải nhập viện.

Sự việc kéo dài suốt năm năm qua, không ai chịu giải quyết. Mãi tới tháng 4/2009, nhà máy này mới bị đóng cửa để điều tra nhưng đã quá muộn. La Bách Lâm mới 44 tuổi đã chết đột ngột với giám định có lượng cadmium độc hại trong cơ thể. Một tháng sau, một người dân 61 tuổi sau khi nhập viện cũng qua đời cùng một nguyên nhân.

Cũng tại tỉnh Hồ Nam, hồi tháng 9/2006 từng có sự kiện ô nhiễm nước khá nghiêm trọng ở huyện Nhạc Dương do hai nhà máy hoá chất nơi đây hoạt động không đảm bảo về việc xử lý chất thải. Hậu quả nguy hiểm đã rơi xuống đầu người dân.

Cuối tháng 7 vừa qua, ở khu Tân Thành, thành phố Xích Phong trực thuộc khu tự trị Nội Mông, có vụ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng khiến số người phải nhập viện điều trị lên tới con số 4.020 người. Những người dân này sau khi dùng nước uống ở tám vùng đã xuất hiện tình trạng sốt cao, nôn oẹ… Chính quyền thành phố Xích Long đã phải mời một số giáo sư giỏi của bệnh viện ở Bắc Kinh xuống chữa trị.

Biện pháp mạnh

Ngày 1/8, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thực thi những biện pháp cứng rắn trong việc xử lý các thủ phạm gián tiếp hoặc trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở nước này. Trưởng phòng bảo vệ môi trường và phó phòng chuyên trách của thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị đình chỉ công tác, người đại diện pháp luật của nhà máy hoá chất Tương Hoà Trường Sa đã bị bắt giữ và nhiều quan chức khác cũng bị điều tra.

Mặt khác, cơ quan này cũng gấp rút xúc tiến xử lý khu vực bị ô nhiễm, tiến hành kiểm tra sức khoẻ và hỗ trợ thực phẩm cho toàn bộ người dân trong vùng, đồng thời tiêu huỷ toàn bộ rau củ quả trong khu vực bị ô nhiễm.

Rút kinh nghiệm xương máu từ thành phố Lưu Dương, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên đã triển khai chính sách kiểm tra toàn diện mức độ an toàn ở khu vực mỏ than và khoáng sản, điều kiện an toàn đối với các sản phẩm hoá chất nguy hiểm, an toàn trong các khu công nghiệp… liên tục từ ngày 1/8 đến ngày 15/11 năm nay. Cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Trùng Khánh cho biết sau khi đánh giá mức độ an toàn và mức độ ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm khắc xử lý ngay các trường hợp vi phạm.

Tại thành phố Xích Long, giới chức một mặt gấp rút khám chữa bệnh miễn phí, cung cấp thuốc men và nước sạch cho người dân ở khu vực bị ô nhiễm, một mặt tích cực khử độc ở vùng nước bị ô nhiễm và rà soát khâu sai sót.

Tại thành phố Hà Trì (tỉnh Quảng Tây), một vụ ô nhiễm thạch tín nghiêm trọng vào ngày 3/10/2008 đã khiến 450 nông dân bị nhiễm bệnh, đi tiểu buốt, giảm thị lực, buồn nôn... Ngày 14/10/2008, năm quan chức tại đây đã bị cách chức do để xảy ra vụ việc, trong đó có trưởng cơ quan Bảo vệ môi trường thành phố Hà Trì, một lãnh đạo chính quyền nhân dân khu vực Kim Thành Giang, thành phố Hà Trì, đội trưởng đội giám sát môi trường thuộc cơ quan Bảo vệ môi trường Hà Trì, chủ tịch thị trấn Kim Thành Giang.

Bắc Kinh cũng vừa công bố bản Ý kiến về vấn đề xử lý rác thải của thành phố với kế hoạch khá chi tiết cho tới năm 2015 bao gồm nhiều quy trình và nguyên tắc xử lý rác hợp lý nhằm bảo đảm vệ sinh chung, tránh tối đa mức độ ô nhiễm. Thủ đô của Trung Quốc trong nhiều năm qua bị coi là một đô thị bị ô nhiễm nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Gồng mình “chữa bệnh môi trường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO