Trưng cầu dân ý tại Italia thất bại: EU lại lo bị chia rẽ

GIANG LANG| 06/12/2016 05:02

Việc Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 4/12 đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào cảnh u tối về khả năng thêm một vụ "Brexit" xảy ra.

Trưng cầu dân ý tại Italia thất bại: EU lại lo bị chia rẽ

Việc Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 4/12 đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào cảnh u tối về khả năng thêm một vụ "Brexit" xảy ra.

Đọc E-paper

Ngay trong cuộc họp báo đêm 4/12, Thủ tướng Renzi khẳng định nhận hoàn toàn trách nhiệm về kết quả cuộc trưng cầu dân ý, trong đó tỷ lệ người bỏ phiếu "Không" đã áp đảo phe "Có”. Đây là cuộc bỏ phiếu lựa chọn thay đổi hiến pháp, và người Italia đã chọn không thay đổi, đồng nghĩa ông Renzi đã thất bại trong nỗ lực cải cách hiến pháp để xóa bỏ cơ chế nhị viện tại nước này. Ông Renzi đã chính thức nộp đơn từ chức gửi đến Tổng thống Italia Sergio Mattarella.

Từ khi nắm chức thủ tướng năm 2014, ông Renzi đã không che giấu ý định thực hiện thay đổi lớn trong chính trường. Kể từ sau Thế chiến II, Italia đã theo cơ chế "nhị viện" và cho rằng đây là mô hình "hoàn hảo". Nó đồng nghĩa Thượng viện và Hạ viện có quyền ngang nhau, tức Thượng viện tại nước này nắm quyền lực lớn hơn so với các nền dân chủ khác. Điều này, theo bất kể ý nghĩa nào đi nữa, đã dẫn tới sự thật rằng Italia luôn rất khó đoán định trong mắt các đồng minh vì họ... thay đổi chính quyền liên tục.

Tính từ năm 1948, Italia trải qua 63 chính phủ và 25 đời thủ tướng, do Thượng viện và Hạ viện nước này có quyền bãi bỏ các bộ luật, bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ hiện hành và bãi miễn chính phủ. Chính vì thế, nỗ lực cải cách này nhằm giúp Italia có một chính phủ "ổn định" hơn, giảm bớt các thủ tục rườm rà, theo ông Renzi.

Truyền thông phương Tây trước đó đã cảnh báo về nguy cơ ông Renzi thất bại, vì đảng dân túy Phong trào 5 Sao kịch liệt phản đối cải cách và nhận được nhiều sự ủng hộ. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Renzi, mà liên quan trực tiếp đến các chính quyền châu Âu hiện tại.

>Sự kiện khiến Châu Âu "chấn động" hơn cả Brexit?

Báo chí cho rằng cuộc trưng cầu ở Italia là một quân cờ then chốt trên bàn domino. Nếu ông Renzi thất bại, phong trào dân túy toàn cầu sẽ lật thêm một quân domino, và rất có thể kéo theo vận mệnh của các cuộc bầu cử tại Đức và Pháp.

Tại EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và ông Renzi là những "trụ cột" mang tư tưởng đoàn kết, giữ gìn. Ngược lại, cuộc khủng hoảng tiền tệ và dân nhập cư đã khiến người dân từng nước muốn thay đổi, và việc này tạo điều kiện cho các đảng đối lập theo chủ nghĩa dân túy lên ngôi.

Nói cách khác, lãnh đạo các nước EU đang lo ngại thất bại của ông Renzi sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng Brexit (Anh rời EU) thứ hai, dẫn tới nguy cơ khối đồng EUR (eurozone) tan rã và có thể kéo theo cả vận mệnh của EU.

Gần như ngay lập tức, lãnh đạo đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen, đã lên Twitter chúc mừng người dân Italia: "Người Italia đã không thừa nhận EU và Renzi. Chúng ta phải lắng nghe khát khao tự do của các nước". Không ai khác, bà Le Pen là người đang tranh cử tổng thống tại Pháp và cũng mang tư tưởng tách khỏi EU.

Theo ghi nhận ngày 5/12, giá trị đồng EUR đã sụt giảm nặng nề nhất so với USD trong vòng 20 tháng qua. Ông Minori Uchida - Giám đốc Phân tích tiền tệ tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi ở Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, đồng EUR sẽ không rơi tự do, vì kết quả cuộc trưng cầu này hầu như đã được tiên liệu. Nhưng xét về lâu dài, nó sẽ trì hoãn các nỗ lực của Italia nhằm thoát khỏi nợ xấu, theo Reuters.

Trước mắt, kẻ thua cuộc lớn nhất từ cuộc trưng cầu này có thể là Monte dei Paschi di Siena, ngân hàng lớn thứ ba của nước Italia, hiện đang khổ sở với nợ xấu và mong muốn gây quỹ 5 tỷ EUR tháng này nhằm tránh khỏi một vụ sụp đổ.

Hiện tại, chưa rõ cục diện chính trường Italia thế nào sau khi ông Renzi thôi chức. Bộ trưởng Kinh tế Pier Carlo Padoan hay Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso mới được xem là những ứng viên hàng đầu kế nhiệm ông Renzi.

>Sau Brexit là Frexit?

Phát biểu hôm 5/12, ông Padoan kêu gọi một thái độ bình tĩnh trên thị trường, cho rằng "không có nguy cơ nào về một cuộc chấn động ngành tài chính" nếu phe phản đối thay đổi hiến pháp thắng. Trong bối cảnh đó, Đảng đối lập Phong trào 5 Sao tuyên bố sẵn sàng tiếp quản chính quyền. Lãnh đạo Phong trào 5 Sao Beppe Grillo kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh diễn ra "trong vòng một tuần", theo The Guardian.

Ông Beppe Grillo là người có uy tín lớn, đặc biệt vì ông chính là một diễn viên hài lừng danh, trước khi thành lập đảng chính trị năm 2009, theo khuynh hướng "anti-establishment", tức theo quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống.

CNN dẫn lời ông Vincenzo Scarpetta, nhà phân tích chính sách cấp cao tại cơ quan nghiên cứu Open Europe, nhận xét về ông Grillo: "Ông ấy từng là một nhân vật giải trí, nên những bài phát biểu của ông ấy cũng rất thú vị. Kể cả khi bạn không nói tiếng Italia, chỉ cần nhìn ngôn ngữ cơ thể của ông ta thôi bạn cũng cảm thấy ông ta luôn rất biểu cảm, vui vẻ”.

Là người có sức hút và được đánh giá thẳng thắn, ông Grillo đã vận dụng khả năng này vào chính trị. Quan điểm của Grillo là kéo Italia rời khỏi khối đồng EUR, phản đối 3 hiệp định thương mại giữa EU - Mỹ và EU - Canada. Ngoài ra, ông Grillo cũng kêu gọi giảm thuế đối với người nghèo và giới trung lưu, theo CNN. Ông cũng từng gây tiếng vang với việc cầm đầu phong trào V-Day với hơn 2 triệu người tham gia năm 2007, nhằm mục tiêu "làm trong sạch quốc hội". Nhiều người nhanh chóng liên tưởng hình ảnh mạnh mẽ của ông Grillo với Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trưng cầu dân ý tại Italia thất bại: EU lại lo bị chia rẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO