"Tổng thống Thái Bình Dương"

LAM HỒNG - THỤY KHA| 13/11/2012 03:34

Ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Tổng thống Barack Obama đã vội vã trở lại châu Á cho thấy rõ ràng hơn mục đích của người Mỹ tại khu vực này.

Trong cùng một tuần lễ, tại hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực cao nhất. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, lèo lái nước Mỹ vượt khủng hỏang. Còn tại TQ, thế hệ lãnh đạo thứ 5 sẽ chấp chính với gánh nặng của một nền kinh tế tỷ dân đang mất động lực.

Tổng thống Barack Obama dành 2 nhiệm kỳ để phát triển chiến lược châu Á

Ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Tổng thống Barack Obama đã vội vã trở lại châu Á cho thấy rõ ràng hơn mục đích của người Mỹ tại khu vực này.

"Thay đổi" là khẩu hiệu được ông Barack Obama sử dụng trong lần tranh cử hồi năm 2008. Khi ông đắc cử, không chỉ người Mỹ, mà khắp thế giới đều đặt nơi ông niềm hy vọng "thay đổi" chính sách cứng rắn của thời Tổng thống G.W. Bush.

Ông Obama đi thăm châu Âu, cởi mở hơn với Nga và thế giới Hồi giáo, tỏ ra có thiện chí đàm phán với Iran, muốn kết tình thân thiện với TQ. Thậm chí, ông còn được trao giải Nobel Hòa bình.

Châu Á vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự "thay đổi" dành cho Obama trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Theo các khảo sát trước bầu cử của BBC, châu Á là khu vực có sự ủng hộ ứng viên Obama rất cao so với Romney, có những quốc gia như Nhật Bản, tỷ lệ ủng hộ Obama lên tới 70%.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm Campuchia, Myanmar và Thái Lan từ ngày 17 đến ngày 20/11. Trong chuyến đi này, Obama sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Myanmar.

Chuyến đi này cho thấy rõ sự xác định đồng minh, bạn, đối tác và đối thủ trong vùng, tùy theo cấp độ chiến lược và chiến thuật của Mỹ. Những thông tin trên củng cố thêm quyết tâm của Obama muốn trở thành một "Tổng thống Thái Bình Dương" với chính sách "hướng về châu Á" thông qua nhiều chính sách kinh tế, quân sự và ngoại giao.

Trong lĩnh vực quân sự, ông Obama đề xuất duy trì 60% số chiến hạm của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Lõi của chính sách hướng về châu Á là do chính quyền Obama hoàn toàn dự kiến được việc TQ cạnh tranh vị trí siêu cường hàng đầu, ít nhất về mặt kinh tế, trong vòng 10 năm tới.

Sự hiện diện của người Mỹ tại Thái Bình Dương để đảm bảo kiềm chế được "con rồng" TQ đã được đánh thức.

Ông Thitinan Ponsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận xét: "Chính phủ của Tổng thống Obama đã đối xử với châu Á như một khu vực, chứ không phải chỉ là một hệ thống của các trung tâm giao dịch, đồng thời, nó cũng được thiết kế để cân bằng với TQ".

Theo nhận định báo The Guardian, Mỹ đã bắt đầu cảm thấy tính chất viển vông của một số phương pháp tiếp cận trật tự thế giới đã được coi là tuyệt đối kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Ví dụ như họ phải thay quan niệm chiến thắng trong cuộc "Chiến tranh lạnh" bằng những cuộc chạy đua vũ khí và phá hủy "kẻ thù” từ bên trong.

Giờ đây, có vẻ như bài học của các nước Iraq, Afghanistan và Libya đã khiến người Mỹ nhìn nhận lại chiến thuật "đứng ngoài" để ủng hộ các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tổng thống Thái Bình Dương"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO