Thương mại thế giới: Tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009

THỤY KHA| 01/12/2015 00:47

Thương mại thế giới đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dữ liệu này nhấn mạnh sự mong manh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự biến động của kỷ nguyên "toàn cầu hóa".

Thương mại thế giới: Tăng trưởng yếu nhất  kể từ năm 2009

Thương mại thế giới đang có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dữ liệu này nhấn mạnh sự mong manh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự biến động của kỷ nguyên "toàn cầu hóa".

Đọc E-paper

6 tháng đầu năm nay, thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,7%, theo số liệu tổng hợp của World Trade Monitor. Con số này làm nổi bật vấn đề mà nhiều nhà kinh tế quan tâm: sau nhiều thập kỷ tăng trưởng gấp đôi so với tốc độ của nền kinh tế toàn cầu, thương mại thế giới đã chậm lại trong những năm gần đây, khiến một số người lo ngại về sự kết thúc của kỷ nguyên "toàn cầu hóa" với động lực là sự nổi lên của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết, suy giảm thương mại toàn cầu có nguyên nhân lớn từ "hoạt động mờ nhạt của các nền kinh tế mới nổi". "Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng đây là một dấu hiệu sớm của một cuộc suy thoái lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu", Capital Economics đã viết trong một lưu ý cho khách hàng.

Ngoài ra, đà đi xuống của thương mại thế giới cũng do các biến động tiền tệ gây ra. Trong khi đồng euro yếu giúp kim ngạch xuất khẩu khu vực đồng euro tăng dần về số lượng, thì đồng USD mạnh tiếp tục cản trở xuất khẩu của Mỹ. Cuộc chiến tiền tệ khiến tỷ giá các đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi giảm đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương mại thế giới, không giúp tăng xuất khẩu mà ngược lại làm nhập khẩu giảm sút.

Năm nay, Tổ chức Thương mại Thế giới dự kiến tăng trưởng thương mại chỉ đạt 2,8% so với dự kiến 3,1%. Tuy nhiên, các dữ liệu mới nhất, phát hành tuần trước, đưa ra dự báo còn khắc nghiệt hơn. Đó là nếu xu hướng trong 9 tháng đầu năm nay tiếp tục, thì 2015 sẽ là năm tồi tệ nhất của nền thương mại toàn cầu kể từ năm 2009.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, giá trị của xuất khẩu và nhập khẩu nước này giảm trong tháng 10 so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cho biết, xuất khẩu đã giảm 6,9% trong tháng 10, trong khi nhập khẩu giảm 18,8%. 

Ví dụ của Trung Quốc cho thấy sự suy giảm trong thương mại năm nay đã khiến nhiều chính phủ bất ngờ. Chẳng hạn, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng thương mại 6% cho năm 2015 vào đầu năm nay. Nhưng tổng thương mại của nước này hiện đã giảm hơn 8% trong 10 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ một năm trước đó.

Kinh tế toàn cầu đang có sự dịch chuyển về cơ cấu. Ví dụ, Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa; Mỹ có xu hướng trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng. Điều này có nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ còn chậm lại.

Nhưng một số nhà kinh tế vẫn lạc quan về con đường phía trước, đặc biệt là về dài hạn. Trong một báo cáo công bố mới đây, HSBCOxford Economics dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tăng gấp 4 lần, đạt 68,5 ngàn tỷ USD năm 2050 nhờ vào "giai đoạn thứ ba của toàn cầu hóa".

Trong đó, thương mại nội vùng chính là động lực giúp châu Á tăng thị phần xuất khẩu của khu vực từ mức 17% hiện tại lên 27% vào năm 2050. Mức tăng mạnh này cũng đánh dấu làn sóng toàn cầu hóa thứ ba với yếu tố thúc đẩy chính là công nghệ mới và sự hội nhập kinh tế đang ngày càng tăng.

>15 nền kinh tế sẽ dẫn đầu thương mại toàn cầu

>WB: Nước nghèo khó khăn vì thương mại toàn cầu giảm mạnh

>Các nền kinh tế mới nổi châu Phi trong khủng hoảng mang tên Trung Quốc

>Các nền kinh tế mới nổi: Đã hết đà?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại thế giới: Tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO