Thiên đường thuế: Bất khả xâm phạm?

LAM HỒNG| 15/05/2013 04:28

Thế giới đang lập lại công bằng khi tấn công vào các "thiên đường thuế” như Singapore, Thụy Sĩ, Síp, British Virgin...

Thiên đường thuế: Bất khả xâm phạm?

Thế giới đang lập lại công bằng khi tấn công vào các "thiên đường thuế” như Singapore, Thụy Sĩ, Síp, British Virgin... Tuy nhiên, khi 1/3 đầu tư trực tiếp của các tập đoàn đa quốc gia và 2/3 các quỹ đầu tư trên thế giới được đặt tại đây, thì nhiệm vụ này được xem như là... tấn công chủ nghĩa tư bản.

Đọc E-paper

Tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev và bà vợ Elena Rybolovleva đã theo đuổi các vụ kiện cáo ầm ĩ trong gần 5 năm tại ít nhất 7 quốc gia về khoản tài sản trị giá 9,5 tỷ USD.

Trong đơn ly dị nộp tại tòa án Geneva năm 2008, Rybolovleva cáo buộc chồng sử dụng một "vô số bên thứ ba" để tạo ra một mạng lưới các công ty, tổ chức nước ngoài và các quỹ ủy thác nhằm rửa tiền.

Bà vợ này đang thực hiện các hoạt động pháp lý theo đuổi khoản tiền khoảng 6 tỷ USD của Rybolovlev tại quần đảo British Virgin, Anh, xứ Wales, Mỹ, Síp, Singapore và Thụy Sĩ.

Các cáo buộc tỷ phú Dmitry Rybolovlev cũng là con số mà Mạng lưới Thuế công bằng, một tổ chức ở Anh, theo đuổi để làm rõ. Theo tổ chức này, nhiều tỷ phú thế giới đã tuồn ít nhất 32 ngàn tỷ USD ra nước ngoài.

Có khoảng 100 ngàn người sở hữu 9,8 ngàn tỷ USD ở nước ngoài. Chẳng hạn, các tỷ phú như Li Ka-Shing và Lee Shau Kee, hai người giàu nhất châu Á, và Alisher Usmanov, giàu nhất nước Nga, kiểm soát tài sản của mình thông qua các tổ chức ở nước ngoài.

Theo dữ liệu của Bloomberg, hơn 30% của 200 người giàu nhất thế giới, sở hữu tài sản trị giá 2,8 ngàn tỷ USD, kiểm soát một phần của tài sản cá nhân thông qua một công ty tổ chức ở nước ngoài để trốn thuế.

Ít ai ngờ đảo quốc nhỏ bé British Virgin Islands (BVI) ở biển Caribe lại là nước đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc. Tương tự, với Ấn Độ là Mauritius, với Nga là đảo Síp và với Brazil là Hà Lan.

Hầu hết các đại gia bản địa các quốc gia này đã chuyển thu nhập ra nước ngoài để né thuế, rồi tìm cách đưa tiền về nước dưới dạng "đầu tư nước ngoài".

Hơn 30% trong 200 người giàu nhất trên thế giới, nắm giữ tài sản trị giá khoảng 2,8 ngàn tỷ USD, giữ một phần tài sản ở nước ngoài hoặc gián tiếp.

Chẳng hạn, khi các tài phiệt Trung Quốc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hồng Kông, họ thường thành lập một công ty đầu tư ở British Virgin Islands để thu tiền bán cổ phiếu. Tiền sẽ được chuyển về đại lục dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào một trong các công ty tại Trung Quốc.

Với hình thức tương tự, đảo Síp năm ngoái cũng thu hút ít nhất 26 tỷ USD đầu tư bên ngoài. Thuế suất doanh nghiệp 10% và một môi trường kinh doanh rất không rõ ràng nên Síp chính là điểm đến lý tưởng của giới siêu giàu Nga.

Tỷ phú Nga Gennady Timchenko, sở hữu Công ty Guvnor hoạt động dưới luật pháp của Síp, có doanh thu hằng năm lên tới 87 tỷ USD. Theo báo cáo, ước tính số tiền di chuyển từ Đức sang Singapore lên tới hàng chục tỷ USD.

Ngoài chức năng rửa tiền hoặc trốn thuế, các "thiên đường thuế” cũng là nơi để các công ty mẹ che giấu những khoản lỗ để tiếp tục che mắt các nhà tài trợ khi cần huy động vốn.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tại các "thiên đường thuế” có đến 4.000 ngân hàng, 2/3 quỹ đầu tư mạo hiểm và 2 triệu công ty bình phong chủ yếu làm nhiệm vụ rửa tiền.

Chúng không chỉ thu hút những kẻ đầu cơ tài chính mà nhiều cơ quan tài chính khổng lồ cũng có mặt. Vào cuối năm 2004 có tới 1/3 các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất phát từ các thiên đường thuế khóa trên thế giới.

Vào năm 1997, tỷ lệ đó chỉ là 25%. Hiện có khoảng từ 70 - 80 địa điểm được mệnh danh là thiên đường thuế khóa. Số này đã tăng đáng kể vì vào thập niên 1970 chỉ có khoảng 25 địa điểm được coi là những thiên đường trốn thuế.

Theo thống kê của Quốc hội Mỹ, các hành vi trốn thuế như vậy gây thiệt hại cho bộ Tài chính Mỹ mỗi năm 100 tỷ USD. Còn tại châu Âu, Pháp và Đức mỗi quốc gia thất thu đến 40 tỷ USD.

Vì vậy, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008, một số nước đã được điều chỉnh luật và các cam kết quốc tế vốn duy trì các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài.

Chẳng hạn, Liechtenstein trong năm 2009 yêu cầu các tổ chức tài chính công bố thông tin công khai khi có yêu cầu chi tiết về các chủ sở hữu tất cả các tài khoản.

Dưới áp lực của Mỹ, Thụy Sĩ, nước đang giữ 1/3 của tổng số 11.000 tỷ USD trong các ngân hàng tư nhân, đã đồng ý nới lỏng luật bí mật ngân hàng của mình và tuyên bố chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch thuế.

Đảo quốc Singapore sẽ cam kết chống rửa tiền từ hành vi trốn thuế theo một điều khoản luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Luxembourg sẽ chấm dứt chính sách bí mật ngân hàng vào năm 2015.

Liên minh Châu Âu khi cứu Síp khỏi khủng hoảng tài chính cũng yêu cầu chính phủ nước này phải đánh thuế tiền gửi ngân hàng trên 132.000USD...

Tuy nhiên, bình luận về kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Cộng hòa Síp, Tổng thống Vladimir Putin gọi đây là đề xuất "bất công, nghiệp dư và nguy hiểm". Lý do cho mối bận tâm này là hơn 1/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Síp thuộc về người Nga.

Phản ứng của Nga cho thấy, với những cột trụ tạo nên sức mạnh của nhiều tập đoàn trên thế giới, những yêu cầu và tuyên bố "tấn công thiên đường thuế” chỉ là một hình thức để xoa dịu dư luận. Thiên đường sẽ mãi là thiên đường cho những người có cơ hội tới đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiên đường thuế: Bất khả xâm phạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO