Thị trường M&A toàn cầu: Trung Quốc lấy nợ mua nợ

LAM HỒNG| 16/04/2016 06:38

Động lực đằng sau các khoản đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A) khổng lồ ở quy mô toàn cầu của Trung Quốc (TQ) lại là các khoản nợ.

Thị trường M&A toàn cầu: Trung Quốc lấy nợ mua nợ

Động lực đằng sau các khoản đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A) khổng lồ ở quy mô toàn cầu của Trung Quốc (TQ) lại là các khoản nợ.

Đọc E-paper

"Chúng ta đang trong một cuộc đấu hoang dã”, Tom Mangas, ông chủ của Tập đoàn Starwood, sở hữu những thương hiệu khách sạn Westin và Sheraton, đề cập đến việc Tập đoàn bảo hiểm Anbang (TQ) nâng giá mua lại Starwood Hotels & Resorts Worldwide lên 14 tỷ USD. Hành động này của Anbang nhằm ngăn cản thương vụ sáp nhập giữa Starwood và Tập đoàn khách sạn Marriott International (Mỹ) để hình thành nên chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất trong lịch sử các công ty TQ hoạt động trên thị trường bất động sản toàn cầu.

Cùng với thương vụ của Anbang, các công ty TQ đã công bố gần 100 tỷ USD trong giao dịch M&A xuyên biên giới trong năm nay. Trong những năm gần đây, TQ chiếm ít hơn một phần mười của giao dịch M&A qua biên giới, còn năm nay chiếm gần một phần ba. Trong một số khía cạnh, các con số này được hoan nghênh vì M&A toàn cầu đang trên đà giảm 25% trong quý đầu tiên của năm 2016 so với cùng kỳ 2015. Nếu không có sự "tham lam" của các nhà đầu tư TQ, sự suy giảm này sẽ còn cao hơn.

Trước sự gia tăng M&A của giới đầu tư đại lục, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) xem xét các mối đe dọa an ninh kinh tế - chính trị trong các thương vụ M&A từ phía TQ. Chẳng hạn, phải rà soát kỹ lưỡng thương vụ mua lại Terex của Zoomlion, do công ty này có các hợp đồng quan trọng với quân đội Mỹ.

Ban lãnh đạo của Fairchild Semiconductor cũng đang cân nhắc từ chối lời đề nghị của China Resources. Nhưng những cảnh báo này không cản nổi giới nhiều tiền đại lục vung tiền mua lại nhiều công ty phương Tây.

Thị phần M&A qua biên giới của TQ đạt mức trung bình khoảng 6% trong 5 năm qua, mặc dù TQ chiếm gần 15% GDP toàn cầu. "TQ chưa phát huy hết tiềm năng trong giao dịch nước ngoài  và còn dư địa để tăng tốc", báo cáo của Công ty Primavera Capital đánh giá. "Hoạt động M&A của họ là những chiến lược đầu tư có chủ đích nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở TQ và nắm bắt các bí quyết kinh doanh mới", Hernan Cristerna, Trưởng bộ phận M&A của JPMorgan Chase & Co cho biết.

Một quan tâm nữa là về sự an toàn tài chính của các giao dịch này. Bởi vì, khách hàng TQ thường là các con nợ lớn. Theo phân tích dữ liệu của The Economist, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của người mua TQ đã là 71%, so với 44% quy chuẩn. Tài sản lưu động của họ thấp hơn một phần tư so với khoản nợ trực tiếp. Nhưng các ngân hàng TQ lại xem các khoản vay đầu tư nước ngoài "an toàn" hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình khuyến khích các công ty TQ giành giật thị phần ở nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế trị giá 10,4 ngàn tỷ USD của nước này đang giảm tốc.

Ngay cả ngân hàng nước ngoài như HSBC, Credit Suisse, Rabobank và UniCredit cũng thấy các khoản vay của giới đầu tư đại lục hấp dẫn. Chẳng hạn, các ngân hàng này đang sắp xếp các khoản vay cho ChemChina để mua lại công ty sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống của Thụy Sĩ là Syngenta với giá 43 tỷ USD.  Bởi vì Chính phủ TQ đang khuyến khích các thương vụ này, thông qua can thiệp trực tiếp vào các công ty quốc doanh hoặc hỗ trợ vốn gián tiếp qua các ngân hàng nhà nước. "Bạn phải tin rằng người thâu tóm đã trở nên quá lớn để sụp đổ”, một cố vấn M&A nói.

Kết quả là liên tục có những thông tin về các thương vụ thâu tóm mới của TQ thuộc mọi lĩnh vực. Vào ngày 22/3, Bang & Olufsen A/S, hãng sản xuất TV màn hình phẳng của Đan Mạch tuyên bố công ty này sẽ bán lại cho Sparkle Roll Group, công ty phân phối ô tô cao cấp của TQ. Trường quay Legendary Entertainment nổi tiếng của Mỹ hiện đang nằm trong tầm ngắm của ông Wang Jianlin, người đứng đầu Tập đoàn bất động sản Dalian Wanda (TQ). Ngay cả khi kinh tế giảm tốc, các công ty TQ vẫn sở hữu tiềm lực tài chính hùng mạnh. Theo số liệu của Bloomberg, lượng tiền mặt của các công ty TQ đã tăng 14%, lên 3,99 nghìn tỷ USD trong hai năm qua.

Tuy nhiên, còn nhiều lý do "bí mật" khác nằm sau các thương vụ M&A khổng lồ của các công ty TQ. Đầu tiên, các thương vụ M&A thực tế là cách giảm gánh nặng nợ nần của nhiều tập đoàn TQ. Lấy trường hợp của Zoomlion, có khoản nợ lớn hơn 83 lần so với tiền kiếm được trước lãi, thuế và khấu hao. Zoomlion đang đặt vấn đề mua lại đối thủ Terex của Mỹ.

Đáng chú ý là Terex có khoản nợ lớn hơn doanh thu chỉ là 3,5 lần, khoảng 3,4 tỷ USD. Nếu thương vụ thành công, Zoomlion kết hợp hai khoản nợ chỉ còn cao hơn doanh thu khoảng 18 lần. Đây thực sự là một chiêu "giảm nợ" ngoạn mục cho Zoomlion. Mặt khác, các doanh nghiệp TQ được định giá tại thị trường chứng khoán trong nước cao hơn nhiều so với ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là họ có thể phát hành cổ phiếu trong nước và sử dụng tiền thu được để mua tài sản ở nước ngoài. Đây cũng là lợi thế giúp nhiều doanh nghiệp TQ mạnh tay trả giá cao hơn đối thủ trong các thương vụ M&A lớn.

>M&A ngân hàng: To hơn chưa chắc tốt hơn

>CBRC: Nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc tăng 1.800 tỷ NDT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường M&A toàn cầu: Trung Quốc lấy nợ mua nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO