Thị trường dầu mỏ lao đao sau bão Harvey

THÁI BẢO| 05/09/2017 05:04

Cơn bão lớn Harvey ở bang Texas (Mỹ) có thể đặt áp lực lớn lên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc tái cân bằng thị trường.

Thị trường dầu mỏ lao đao sau bão Harvey

Cơn bão lũ lớn ở bang Texas (Mỹ) có thể đặt áp lực lớn lên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc tái cân bằng thị trường, CNBC dẫn lời các nhà phân tích tại Barclays cho biết. 

Đọc E-paper

Tấn công bờ biển Texas từ ngày 25/8, gây ra lũ lụt và nhiều thiệt hại trên diện rộng, cơn bão Harvey đã gây ra không ít xáo trộn trong cuộc sống và thị trường nơi đây. Tại Mỹ, Texas là bang đặc biệt có nhiều nhà máy hóa chất, lọc dầu. Vì thế thiệt hại của cơn bão ngoài khoản ước tính 100 tỷ USD như báo chí Mỹ đăng tải tuần trước, còn dính đến vấn đề cắt giảm nguồn cung dầu.

Đài Fox hôm 3/9 cho biết, các nhà máy lọc dầu và trạm phân phối ở khu vực bờ biển phía Nam nước này - Gulf Coast, đã bắt đầu hoạt động trở lại. Công ty Exxon Mobil ngày 3/9 cho biết đã phục hồi lượng cung ứng 560.000 thùng/ngày ở khu vực Baytown, bang Texas. Trong khi đó Philips 66 khẳng định đã chuẩn bị hoạt động trở lại với mức 247.000 thùng/ngày ở Beaumont, tương tự việc Citgo Petroleum tuyên bố sẽ tiếp tục lượng cung ứng 157.000 thùng/ngày ở Corpus Christi - nơi ghi nhận cường độ cơn bão Harvey có lúc bị đặt mức báo động cấp 4.

Trong một tuần hứng chịu bão Harvey, giá xăng dầu ở Mỹ đã tăng lên trong bối cảnh công suất lọc dầu của cả nước giảm 25%. Theo Fox, giá xăng bán lẻ đã tăng hơn 17,5 cent kể từ ngày 23/8, thời điểm trước khi bão Harvey đổ bộ. Trận cuồng phong được đánh giá mạnh nhất tại Mỹ trong hơn 50 năm qua khiến hoạt động của một số nhà máy lọc dầu ở khu vực thành phố Houston bị trì trệ vì không thể nhập cũng như xuất hàng hóa ra vào nhà máy.

Khi thông tin về việc một số nhà máy này buộc phải tạm ngừng sản xuất được công bố, cổ phiếu của các công ty kinh doanh xăng dầu như Valero Energy, Phillips 66 và Marathon Petroleum đều tăng điểm khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch hôm 28/2.

"Trong vài tuần tới, tác động của cơn bão Harvey sẽ khiến OPEC gặp nhiều khó khăn trong việc tái cân bằng thị trường và duy trì tâm lý lạc quan", đấy là nhận định của các chuyên gia phân tích của Công ty dịch vụ tài chính Barclays. Các chuyên gia này còn cho biết thêm, sự gián đoạn hoạt động của các nhà máy lọc dầu cũng như các lĩnh vực sản xuất, thương mại khác cũng sẽ khiến cho dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trở nên "hỗn loạn" hơn và ít hữu dụng hơn đối với OPEC, vào đúng thời điểm OPEC đang cần nó nhất.

Trên thực tế, OPEC, Nga và một số nước sản xuất dầu mỏ khác đang cắt giảm sản lượng ở mức khoảng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến tháng 3/2018 nhằm đối phó với tình trạng dư thừa dầu thô trên toàn cầu. OPEC và nhà lãnh đạo các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ họp vào ngày 22/9 tới để tiếp tục thảo luận về việc kéo dài thêm thời hạn của thỏa thuận cắt giảm này.

Theo một báo cáo của Reuters, bão Harvey khiến 11,2% công suất lọc dầu của Mỹ bị đình trệ. Sự ảnh hưởng đã tác động rõ nét ở giá xăng. Theo đó, hôm 28/8, giá xăng nước này đã tăng 7%, lên mức 1,7799 USD/gallon. Amrita Sen - chuyên gia phân tích dầu của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường năng lượng Energy Aspects - nói với CNBC rằng cơn bão Harvey đã khiến nước Mỹ lại tổn thất khổng lồ về sản lượng dầu.

"Chúng tôi ước tính có khoảng 36% lượng dầu thô tinh chế ở vùng Gulf Coast (Mỹ) bị tổn thất, tương đương hơn 3,5 triệu thùng/ngày. Bên cạnh các nhà máy tạm ngừng hoạt động, nhiều nhà máy khác cũng đang hoạt động với năng suất thấp hơn trước", Amrita Sen cho biết.

Vài năm gần đây, Mỹ đã bất ngờ vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu dầu nổi bật trên thế giới. Do đó, "sự cố" lần này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ nước này mà còn gây tác động lớn cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Rick Joswick - Giám đốc bộ phận dầu mỏ của PIRA Energy Group (thuộc Công ty năng lượng S&P Global Platts) nói với CNBC rằng giá các sản phẩm xăng dầu ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh.

"Trong các cơn bão trước đây (như Katrina, Rita, Gustav, Ike và Isaac), giá xăng đã đạt mức đỉnh điểm trong vòng 2 tuần sau khi bão đổ bộ, cao hơn trước cơn bão khoảng 20 - 80 cent/gallon. Nhưng giá xăng luôn giảm nhanh chóng và trở lại mức cũ hoặc thấp hơn mức cũ trong 2 - 4 tuần", Rick Joswick giải thích. Tương tự những điều từng xảy ra trong quá khứ, PIRA Energy Group dự kiến giá xăng tại Mỹ sẽ tăng lên trong tuần này, sau đó sẽ giảm nhưng tốc độ giảm sẽ chậm hơn so với trước vì sự gia tăng nhu cầu của các nhà nhập khẩu trong khu vực.

>>Thảm cảnh Philippines sau siêu bão Haiyan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường dầu mỏ lao đao sau bão Harvey
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO