Thế giới đối phó khủng hoảng nợ toàn cầu

17/05/2010 06:46

Gói giải cứu đồng euro gần 1 tỉ USD chính là liệu pháp cấp cứu để tránh cho Liên minh châu Âu (EU) khỏi một tai họa vỡ nợ tập thể mà Hi Lạp chính là con cờ đôminô đầu tiên bị đổ.

Thế giới đối phó khủng hoảng nợ toàn cầu

Gói giải cứu đồng euro gần 1 tỉ USD chính là liệu pháp cấp cứu để tránh cho Liên minh châu Âu (EU) khỏi một tai họa vỡ nợ tập thể mà Hi Lạp chính là con cờ đôminô đầu tiên bị đổ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó Mỹ là cổ đông góp vốn nhiều nhất, có tham gia cứu đồng euro cũng để ngăn ngừa lây lan mà đầu tiên là sang Mỹ và từ đó là khủng hoảng nợ toàn cầu.

Thật vậy, nếu như cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đương thời bắt nguồn từ sự phá sản của một loạt ngân hàng, cơ sở tín dụng tư nhân trong dòng xoáy của “bong bóng” địa ốc như ở Mỹ, thì cuộc khủng hoảng tài chính “tập 2” sẽ là cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia, công nợ. Cũng may là EU và IMF đã kịp thời đưa “con bệnh” euro đến “phòng cấp cứu” và kịp nhất trí trong hội chẩn và trị liệu.

Từ trái sang (hàng đầu): các bộ trưởng tài chính Giulio Tremonti của Ý, George Papaconstantinou của Hi Lạp và bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Elena Salgado trong cuộc họp ngày 9-5 bàn biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ của Hi Lạp lây lan - Ảnh: Reuters

Nhà giàu cũng mệt vì nợ ngoài luồng

Có một vấn đề đặt ra là tại một số nước, công cụ thống kê không đáng tin cậy nên có trường hợp nước này có thể chỉ mang công nợ thấp theo thống kê chính thức, nhưng lại vay nợ nhiều hơn rất nhiều. Thống kê trở thành con dao sát chủ lúc nào không hay.

Một phó giáo sư nổi tiếng của Northwestern University (Mỹ) đồng thời là cộng tác viên thường xuyên của tờ The Wall Street Journal đã khảo cứu việc các địa phương ở Trung Quốc âm thầm vay nợ nước ngoài để đầu tư vào các dự án địa phương và đi đến dự báo rằng tới đây, Trung Quốc sẽ gặp cảnh nợ khó trả khổng lồ.

Trong một báo cáo được đưa ra ngay tại Bắc Kinh, phó giáo sư Victor Shih cảnh báo tổng nợ của các địa phương Trung Quốc tính đến cuối năm 2009 đã lên đến 11.400 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.700 tỉ USD), tương đương 1/3 GDP của Trung Quốc cùng năm. Số tiền này là để cho các dự án ở các địa phương.

Ông dự báo đến năm 2011, các địa phương Trung Quốc sẽ còn vay thêm 12.700 tỉ nhân dân tệ nữa (trên 1.200 tỉ USD), và còn dự báo rằng 25% số nợ trên sẽ biến thành nợ xấu. Đến lúc đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải sử dụng quỹ ngoại hối để giúp các ngân hàng trả nợ, còn các địa phương thì bán đất để trả lãi vay!

Ông Victor Shih tính ra rằng TP Bắc Kinh sẽ phải bán đi trong các năm tới 90km2 đất đai để trả lãi vay, và có thể còn phải bán nhiều đất hơn một khi giá đất bắt đầu xuống như hiện nay. Các thành thị nào ở Trung Quốc càng ít quyến rũ trong việc kêu gọi đầu tư địa ốc sẽ càng gặp khó khăn trong việc trả nợ cũ. Và lúc đó, chính phủ trung ương sẽ phải chi từ 200-500 tỉ nhân dân tệ để chi viện cho các địa phương nghèo này.

Ông Shih khuyến cáo: “Nếu quý vị tiếp tục để các ngân hàng cho các chính quyền địa phương vay tiền kiểu đó, điều đó có nghĩa là cuộc cải cách ngân hàng trong 10 năm qua biến thành trò đùa” (1).

Đáng lưu ý là phó giáo sư này được mời đến Trung Quốc để nghiên cứu và báo cáo, tuy báo cáo có thể nghịch nhĩ!

Mỹ - Trung Quốc nương nhau mà cùng sống

Tấm bản đồ thế giới phản ánh phần nào công nợ của từng chính phủ, so sánh theo GDP của nước đó

Ngày 16/2 năm nay, Chính phủ Mỹ công bố lần đầu tiên Trung Quốc nhường vị trí là nước đang giữ công trái của ngân khố Mỹ nhiều nhất cho Nhật Bản: tính đến tháng 12-2009, Chính phủ Mỹ nợ Chính phủ Trung Quốc 755,4 tỉ USD, trong khi nợ Chính phủ Nhật Bản đến 768 tỉ USD. Sự kiện này cùng chiều với việc từ tháng 11/2009, phía Trung Quốc bán ra 34,2 tỉ USD trái phiếu Mỹ. Phía Mỹ băn khoăn: liệu phía Trung Quốc bắt đầu “buông” Mỹ?

Thế nhưng đến đầu tháng 3, lại có dấu hiệu lạc quan: Trung Quốc mua vào gấp bốn lần số bán ra, tức 139,4 tỉ USD. Trung Quốc vẫn tiếp tục là chủ nợ số 1 của Mỹ với 894,8 tỉ USD và Nhật Bản thứ nhì với 768,8 tỉ USD. Chẳng qua đó chỉ là một cảnh cáo Mỹ phải “cẩn thận” hơn trong điều hành tài chính, đừng cứ đòi Trung Quốc tăng tỉ giá đồng nhân dân tệ lên 20% (2).

Các con số trên cho thấy thật ra Chính phủ Mỹ có đến hai chủ nợ chính chứ không chỉ một. Thế nhưng, trên bàn cờ chính trị quốc tế, chủ nợ này vẫn “che khuất” chủ nợ kia. Vấn đề đặt ra là tại sao cả chủ nợ này lẫn chủ nợ kia không “buông” con nợ Mỹ?

Trong một hội thảo xử lý nguy cơ tài chính tháng 2/2009 ở New York, người đứng đầu Ủy ban điều phối ngân hàng Trung Quốc La Bình không úp mở: “Không giữ trái phiếu của ngân khố Mỹ thì giữ gì bây giờ? Không lẽ mua trái phiếu của Nhật hay của Nga! Chẳng có chọn lựa nào khác!”.

Ông La Bình cũng không giấu giếm rằng có lúc Trung Quốc cũng muốn “buông” hết trái phiếu của Mỹ để nhận chìm Mỹ, song làm thế thì còn đâu thị trường lớn nhất thế giới cho Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu thặng dư (3).

Thành ra, Mỹ và Trung Quốc sẽ cứ còn cù cưa với nhau trong vở tuồng “thay đổi tỉ giá đồng nhân dân tệ”. Trong khi vào tháng trước, cùng một lúc hệ thống tiền tệ của Singapore, Malaysia, Indonesia “tăng tỉ giá” so với USD để cho hàng nhập khẩu từ Mỹ dễ cạnh tranh hơn.

Thế giới còn lại tự cứu

Từ mối liên hệ trên, có thể thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không hẳn là hai trụ cột chống đỡ nền kinh tế thế giới. Chẳng qua do một đằng là “thị trường lớn nhất thế giới”, đằng kia là những “thị trường bé con”. Thí dụ sau đây sẽ cho thấy khác biệt giữa hai thị trường.

Việc một loại xe Nhật bán ở Mỹ bị “dị tật” (tự động tăng ga) được thu hồi là chuyện đương nhiên vì đó là thị trường cả triệu chiếc, thua keo này bày keo khác, miễn là đừng mất chữ tín. Song quả là hài hước khi một xe hơi Mỹ ráp ở Việt Nam có “dị tật” (tự động tăng ga khi xe ở số không) được giải thích là “do thiết kế đặc biệt cho đường sá Việt Nam”! Không lẽ bộ máy nghiên cứu và phát triển của hãng xe hơi đó cất công nghiên cứu riêng một kiểu xe chuyên chạy trong các thành phố kẹt xe ở Việt Nam, khi xe dừng ga tự động lên để khỏi tắt máy?!

Từ thí dụ trên, có thể hiểu Trung Quốc có thể cứ “bán ghi sổ” cho Mỹ hàng mấy trăm tỉ USD/năm cũng được, chứ không thích mua trái phiếu của các nước khác, kể cả của châu Âu. Cũng như Trung Quốc có thể “nhịn” Mỹ nhưng không thể không tiếp tục xuất siêu sang nước khác năm nay hơn năm trước 5-10 tỉ USD!

Trong mối quan hệ đó, thế giới còn lại phải tự cứu. Hi Lạp được EU cứu, đằng sau đó là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vì cùng trong một khối sử dụng đồng euro. Thành ra, phải nằm trong một khối “đồng sinh đồng tử” nào đó để còn được cứu sống. Chứ đứng bên ngoài sẽ chẳng ai cứu.

Như trường hợp Iceland, đứng ngoài khối euro lẽ ra không ảnh hưởng gì, năm 2007 còn được xem là thành tựu kinh tế của châu Âu, không “chết” vì vỡ nợ công, mà “chết” vì vỡ nợ tư. Ba ngân hàng tư nước này thu gom euro, tiền tiết kiệm của dân Anh, Hà Lan; đến khi bị đòi thúc, không gom lại vốn bằng euro cho đủ, bèn phá sản, Nhà nước Iceland phải cáng nợ. Tháng 3 trưng cầu ý dân, dân trả lời “xù nợ!”. Tháng rồi bị núi lửa. Đất nước này chìm luôn trong họa núi lửa và họa nợ nần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới đối phó khủng hoảng nợ toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO