Thất vọng nhiều hơn hy vọng

LAM HỒNG| 13/11/2009 09:41

Chấp nhận đưa một người da màu lên làm tổng thống, người dân Mỹ trông chờ một điều kỳ diệu xảy ra đối với một nước Mỹ đang đi xuống ở nhiều phương diện...

Thất vọng nhiều hơn hy vọng

Chấp nhận đưa một người da màu lên làm tổng thống, người dân Mỹ trông chờ một điều kỳ diệu xảy ra đối với một nước Mỹ đang đi xuống ở nhiều phương diện. Có lẽ do hy vọng quá nhiều nên người Mỹ tỏ ra sớm thất vọng trước kết quả của một năm dưới thời lãnh đạo của Obama.

Kết quả cuộc thăm dò mới đây của CNN cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với ông chủ Nhà Trắng giờ đây là 52 - 53%. Trong khi đó, vào ngày 4/11 năm ngoái, 82% người dân tán thành vị tổng thống da màu đầu tiên này. Ông Obama cũng đã ghi thêm một dấu ấn mới là tổng thống sụt giảm uy tín nhanh nhất trong lịch sử nước Mỹ nửa thế kỷ qua.

Ông Obama đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm ngoái. “Thay đổi - chúng ta có thể tin tưởng” là khẩu hiệu đã giúp ông giành được lá phiếu của các cử tri Mỹ - những người thực sự khao khát sự thay đổi đối với hình ảnh nước Mỹ đang nghèo đi, độc ác hơn, mất dân chủ hơn, bất công gia tăng...

Tuy nhiên, một năm trôi qua, vị tổng thống da màu này vẫn không đem lại hy vọng cho người dân Mỹ so với những lời hứa của ông. Đến nay, nhiều người cho rằng, thành công đáng kể nhất là ông đã nỗ lực kìm hãm khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD áp dụng hồi tháng Hai mang lại 650.000 việc làm.

Song nếu liệt kê những lời hứa của Obama, người ta thấy những việc phải hoàn thành còn quá nhiều và gần như giẫm chân tại chỗ trong một năm qua. Giống như hầu hết tổng thống trong năm đầu tiên tại nhiệm, bản báo cáo trong chương trình nghị sự đầy tham vọng của ông vẫn “chưa hoàn thành”. Vẫn biết một năm không thể thay đổi được gì nhiều nhưng người dân Mỹ vẫn thất vọng, đơn giản vì họ đã hy vọng quá nhiều trước những lời hứa gợi cảm.

Obama đã hứa đóng cửa nhà tù quân sự gây tranh cãi của Mỹ ở vịnh Guantanamo, Cuba, nhưng ông có thể phải bỏ lỡ lời hứa hoàn thành những việc này vào tháng 1/2010. Ông hứa sẽ kết thúc cuộc chiến Iraq nhưng lại giảm tiến độ rút quân Mỹ. Trong khi đó, ông lại đưa nước Mỹ tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến với thế giới Hồi giáo ở Afghanistan.

Ông nói tới một thế giới phi hạt nhân trong bài phát biểu hùng hồn ở Prague hồi tháng Tư khi đề cập tới chương trình hạt nhân Iran và Triều Tiên. Nhưng sự thực là những động thái đe dọa hạt nhân phát ra từ hai quốc gia này còn làm thế giới lo âu nhiều hơn trước. Nếu có gì mà Tổng thống Obama đã mang lại cho hòa bình thế giới thì đó chỉ là giải thưởng Nobel Hòa bình mang nặng tính tượng trưng khiến chính người nhận giải cũng bất ngờ...

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng con đường còn xa trước khi đến điểm hẹn. Tờ New York Times bình luận: Ngay sau bầu cử, dân chúng Mỹ mô tả cảm giác họ vừa "hy vọng" vừa "bồn chồn". Giờ đây, độc giả của tờ báo này đáp lại rằng họ "thất vọng" về một năm làm việc của tổng thống. "Nói nhiều, làm ít, nhiều chính sách thất bại. Tôi chán ngấy Obama và việc đảng Dân chủ đàm phán và thỏa hiệp với nhau. Họ là phe duy nhất ở đó", một độc giả viết.

Uy tín sụt giảm nghiêm trọng của Tổng thống Obama lại là động cơ khiến hai ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Bob McDonnell và Creigh Deeds giành chiến thắng trong cuộc chạy đua tranh chức thống đốc bang Virginia và New Jersey. Cho dù hai cuộc bầu cử địa phương không thể mang giá trị trưng cầu dân ý, nhưng đây là những cuộc bầu cử có thể báo hiệu về lập trường của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử thượng viện trong năm tới. Nhà phân tích Norman Ornstein nhận định: Với việc mất hai ghế thống đốc này, sẽ có nhiều dự luật của ông Obama có nguy cơ bị phủ quyết.

Dẫu sao, phải đợi đến các cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới, ở giữa nhiệm kỳ tổng thống, thì mới phán xét được một cách khách quan, liệu lòng tin vào Obama và đảng Dân chủ có thực sự bị xói mòn và bị cử tri Mỹ bỏ rơi hay không. Những người tham gia thăm dò của Gallup cho hay, họ ngày càng thiếu tin tưởng về những điều Obama có thể làm. Ví dụ, trước đây 58% tin rằng ông có thể hàn gắn chia rẽ chính trị trong đất nước. Hiện tại, chỉ còn 28% tin tưởng điều đó sẽ xảy ra. "Hiện thực đã lên tiếng. Người dân đã tỉnh giấc", Lawrence Jacobs - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quản lý tại Đại học Minnesota phát biểu trên tờ The USA Today.

Tuy vậy, nhiều người đặt những thất bại của ông Obama trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Trong khi nhiều người thay đổi quan điểm về Obama, những trợ lý của ông cho biết tổng thống không hề đổi thay gì. "Ông ấy chẳng khác gì nhiều. Ông ấy vẫn như trước đây", đại diện báo chí của Nhà Trắng Robert Gibbs nói với CNN. "Tôi nghĩ điều chứng nhận duy nhất về sự thay đổi, đó là tóc ông ấy bạc đi một chút. Có lẽ ông ấy chuyển hết áp lực lên đó", cố vấn của Obama David Axelrod hóm hỉnh bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thất vọng nhiều hơn hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO