OECD: Tình hình kinh tế trì trệ sẽ tiếp diễn

HÀ CÚC| 19/09/2011 04:43

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu gần như chững lại khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái sẽ quay lại. Khối G-7 và Mỹ đang rốt ráo thực hiện các kế hoạch nhằm cứu vãn tình hình.

OECD: Tình hình kinh tế trì trệ sẽ tiếp diễn

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu gần như chững lại khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái sẽ quay lại. Khối G-7 và Mỹ đang rốt ráo thực hiện các kế hoạch nhằm cứu vãn tình hình.

Tỷ lệ thất nghiệp cao tại châu Âu và Mỹ khiến nhiều nền kinh tế co cụm

Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) cho hay sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã gần chững lại tại các quốc gia công nghiệp hóa lớn. Dẫn báo cáo của tổ chức này, kinh tế gia trưởng của OECD Pier Carlo Padoan nhận định “ngày càng có nguy cơ một số nền kinh tế sẽ co cụm chứ không tăng trưởng trong một thời gian”.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là mức độ tiêu thụ thấp và niềm tin của các doanh nghiệp đã sút giảm do cuộc khủng hoảng nợ, sự bất ổn của thị trường chứng khoán, và các cuộc tranh cãi chính trị.

Mức độ tin tưởng thấp khiến người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu và các doanh nghiệp có phần chắc sẽ ít đầu tư hơn, làm cản trở sự tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời với phân tích của OECD, tổ chức S&P cũng dự báo kinh tế ở toàn bộ 17 quốc gia dùng chung đồng euro sẽ tăng 1,7% trong năm nay, giảm từ mức 1,9% dự báo trước đó. Các số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất trong khu vực dùng đồng euro giảm mạnh trong tháng 8, lần đầu tiên kể từ hai năm qua.

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G7 họp tại Marseille (Pháp) để tìm cách đối phó với tình trạng trên. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hứa hẹn sẽ có giải pháp “mạnh mẽ” và “phối hợp chặt chẽ” để đối phó với khủng hoảng.

Tuy vậy, khối này vẫn không đưa ra được một thông cáo chung, và không cho biết cụ thể chiến lược đối phó. Các nước G-7 đang chạy theo các giải pháp khác nhau, một bên là việc hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, một bên là giảm bớt thâm hụt.

Kinh tế trưởng người Đức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Jurgen Stark, từ chức cũng bộc lộ sự bất đồng trong nội bộ định chế này về phương cách giải quyết khủng hoảng, khiến chứng khoán châu Âu và đồng euro bị sụt giá.

ECB đã phải thông qua chương trình mua lại các trái phiếu nhà nước để cứu vãn Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, nhưng các thành viên Đức cho rằng việc này đe dọa đến tính độc lập của định chế.

Trước ông Jürgen Stark, một người Đức khác là ông Axel Weber, cựu Tổng giám đốc Bundesbank, người được xem là đầy hy vọng trở thành Chủ tịch ECB cũng đã từ chối không ứng cử, nhằm trương chống lại chương trình trên.

Giữa lúc châu Âu đang bất đồng, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố một chương trình gia tăng việc làm và phục hồi nền kinh tế Mỹ trị giá tới 447 tỷ USD (tương đương 3% GDP).

Chương trình này được đánh giá là cú “sốc điện” nhằm cứu vãn tình trạng thất nghiệp tại Mỹ hiện đang lên tới 9,1%. Theo đề nghị của ông Obama, các công ty xí nghiệp thu nhận nhân công hay tăng lương cho công nhân viên sẽ được miễn phần đóng góp xã hội.

Còn đối với giới lao động, Tổng thống Mỹ chủ trương gia hạn cho đến năm 2012 quyết định giảm thuế thu nhập đối với các gia đình tầng lớp trung lưu, đã được thông qua vào năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
OECD: Tình hình kinh tế trì trệ sẽ tiếp diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO