Nước Mỹ trước giờ G

06/11/2012 05:12

Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ phe Cộng hòa Mitt Romney đã ráo riết thực hiện những cuộc vận động nước rút cuối cùng qua các bang chiến trường chính quyết định ai vào Nhà Trắng.

Nước Mỹ trước giờ G

Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ phe Cộng hòa Mitt Romney đã ráo riết thực hiện những cuộc vận động nước rút cuối cùng qua các bang chiến trường chính quyết định ai vào Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ ở Madison, Wisconsin ngày 5-11, ngày cuối cùng trong chiến dịch tranh cử - Ảnh: Reuters

Cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos ngày 6/11 cho thấy ông Obama dẫn trước sít sao ở tám trong chín bang còn lưỡng lự. Theo đó, ông Obama nhận được 48% so với 46% của ông Romney. Ông Obama giành thêm bốn điểm phần trăm ở bang quyết định Ohio, từ 46% lên 50%, và duy trì lợi thế nhỏ ở Virginia và Colorado. Ông Romney dẫn trước ở Florida.

Ngày cuối cùng của cuộc đua nước rút tranh cử, các điểm đến của ông Obama bao gồm Wisconsin, Ohio và Iowa, đi cùng ông có siêu sao nhạc rock Bruce Springsteen. “Ohio, tôi sẽ không từ bỏ cuộc chiến đấu này. Tôi còn rất nhiều sức chiến đấu và tôi hi vọng các bạn cũng vậy”, ông Obama nói với những người ủng hộ tại Columbus, Ohio.

Ngày cuối của ông Romney bao gồm các điểm đến Florida, Virginia, Ohio và New Hampshire. Ông cam kết sẽ vận hành nền kinh tế tốt hơn ông Obama. “Khi tôi đắc cử, kinh tế và thị trường việc làm Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái”, ông Romney nói, cũng ở Columbus.

Mọi ánh mắt tập trung vào bang miền trung tây Ohio, nơi có 18 phiếu đại cử tri mang ý nghĩa quyết định. Hành trình của ông Romney vào Nhà Trắng sẽ rất gian nan nếu ông để mất Ohio. Bang này đang có khuynh hướng nghiêng về ông Obama sau khi tỉ lệ thất nghiệp xuống dưới mức trung bình 7,9% và có nhiều người làm việc trong ngành xe hơi, ngành từng được chính quyền Obama cứu trợ tương đối thành công vào năm 2009.

Một thăm dò khác của CNN/ORC cũng cho thấy ông Obama đang dẫn trước ở Ohio với tỉ lệ 50%-47%. 

[ALBUM:1720]

Người nghèo bị quên?

Các ứng viên Mỹ ít đề cập tới người nghèo trong nghị trình tranh cử - Ảnh: economiccrisis.us

Trong cuộc tranh cử quyết liệt, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ Cộng hòa Mitt Romney đều rất ít đề cập tới những người nghèo.

Trước đó, ứng viên Cộng hòa Newt Gingrich từng gọi ông Obama là “tổng thống của những phiếu trợ cấp thức ăn” và đương nhiên không phải với ý khen ngợi.

Còn trong cuộc tranh cử, ông Romney nói trên CNN: “Không thể tập trung vào những người rất nghèo. Đó không phải là điểm tập trung của tôi”.

Ông Obama được chờ đợi phải làm tốt hơn khi chương trình cải cách y tế của ông đã đi vào lịch sử và nhiều hoạt động mang tính cộng đồng, hỗ trợ người nghèo khác được ban bố dưới thời chính quyền của ông, tuy nhiên, “ông ấy thậm chí không nhắc tới từ “nghèo” trong chiến dịch của mình”, trang mạng cho người Mỹ gốc Phi theGrio.com bình luận.

Mặc dù hiện nước Mỹ đang đối phó với cuộc suy thoái lớn nhất từ những năm 1930 và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 8%, các ứng viên vẫn tránh đề cập tới những người dưới đáy xã hội.

Các chuyên gia cho rằng đó hoàn toàn là vì lý do chính trị. Dù số người sống dưới mức nghèo ở Mỹ tương đối lớn, nhưng không ứng viên nào tìm cách thu hút các cử tri này vì tỉ lệ đi bỏ phiếu của họ thường là thấp.

Hơn nữa, cuộc chiến chính của các ứng viên là vì những lá phiếu chưa quyết định của tầng lớp trung lưu sẽ định đoạt kết quả cuộc bầu cử. Tâm lý chung của nước Mỹ đánh giá tinh thần tự vươn lên, chủ nghĩa cá nhân, thậm chí ý tưởng “bạn nghèo là do bạn cố gắng không đủ” cũng khiến việc đề cập tới người nghèo mang đến rủi ro về mặt chính trị trong quá trình tranh cử.

Nếu không ủng hộ việc nhà nước giúp cải thiện đời sống của họ thì có thể bị chỉ trích là thờ ơ với số phận người nghèo khổ, nhưng ủng hộ có thể làm mất đi những lá phiếu quý giá của các cử tri trung lưu.

Nghèo đói là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào những năm 1960, khi Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố cuộc chiến toàn quốc chống lại đói nghèo và Robert Kennedy có chuyến đi thăm người nghèo ở Mississippi.

Chiến dịch của tổng thống Johnson sau đó đã đạt được kết quả rất tích cực, với tỉ lệ đói nghèo giảm còn 14% vào những năm 1970. Nhưng từ đó đến nay tỉ lệ này không giảm nữa và dao động từ 14-16%.

“Những người có thu nhập thấp ít có thời gian đi bỏ phiếu - James Henson, chuyên gia chính trị học tại Đại học bang Texas, Austin, bình luận - Họ thường ít tham gia trực tiếp và ít có thông tin về chính trị”. Nhưng các nhà phân tích cũng không cho rằng người nghèo bị các chính trị gia phớt lờ. Chỉ là họ khác nhau trong quan điểm giúp đỡ người nghèo.

“Một phần của giải pháp phía Cộng hòa là tăng trưởng kinh tế - David Winston, giám đốc Công ty chiến lược Winston Group, nói - Với những người Dân chủ thì lại là các chương trình chính phủ”.

“Những người Mỹ thường có khuynh hướng giải thích sự nghèo đói là thất bại của các cá nhân hơn là của xã hội - Michael Emerson, đồng giám đốc Viện nghiên cứu đô thị Kinder và là giáo sư Đại học Rice, Houston, giải thích - Nước Mỹ được mô tả là nơi bạn có thể đạt được bất cứ điều gì bạn muốn, nên nếu bạn nghèo thì hẳn là do bạn muốn như thế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước Mỹ trước giờ G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO