Những "cố vấn đặc biệt" của Tổng thống Trump

30/04/2017 00:48

Tổng thống Mỹ Donald Trump có rất nhiều bạn bè là những nhà tài phiệt hay tỷ phú và ông thường xuyên tìm đến họ để nghe lời khuyên trong các vấn đề chính sách.

Những

Tổng thống Mỹ Donald Trump có rất nhiều bạn bè là những nhà tài phiệt hay tỷ phú và ông thường xuyên tìm đến họ để nghe lời khuyên trong các vấn đề chính sách. 

Gần như mỗi ngày trong suốt hơn ba tháng trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump đều nhấc điện thoại lên và gọi cho một mạng lưới gồm khoảng hơn 20 người bạn là những tỷ phú, triệu phú, ngôi sao thể thao hay các cố vấn không chính thức bên ngoài Nhà Trắng. Đôi khi ông gọi để xin lời khuyên nhưng thỉnh thoảng, ông đơn giản chỉ muốn giải tỏa bức xúc, trút hết bực dọc, theo CNN.

Giới quan sát nhận định Trump đã gặp không ít khó khăn khi áp dụng hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và giải trí vào việc quản lý, điều hành chính phủ. Những mối quan hệ ông thiết lập được trên con đường xây dựng đế chế kinh doanh giờ đây trở thành cứu cánh quan trọng đối với Tổng thống Mỹ.

Thực tế, một số nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay các cuộc gọi tới mạng lưới bạn bè, cố vấn bên ngoài Nhà Trắng hiện là một phần cơ bản làm nên phong cách điều hành của Trump.

Tiếng nói bên ngoài Nhà Trắng

Hầu như ngày nào cũng vậy, Tổng thống Mỹ Trump đều gọi điện xin ý kiến hay tham khảo những quan điểm mới mẻ từ các tiếng nói bên ngoài Nhà Trắng.

Ông tìm tới những người bạn lâu năm như chuyên gia đầu tư Tom Barrack, doanh nhân Phil Ruffin, huấn luyện viên bóng rổ Bobby Knight hay kể cả huấn luyện viên bóng bầu dục Bill Bellichick hoặc các cố vấn chính trị như cựu quản lý chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski và cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani.

Các cuộc gọi diễn ra vào bất kể thời gian nào, buổi tối, đêm muộn hay thậm chí tờ mờ sáng, miễn là Tổng thống Mỹ cảm thấy có hứng, một nguồn tin cho biết. Một cố vấn thường nhận được các cuộc điện thoại từ Trump miêu tả chúng giống như "những luồng suy tưởng" của Tổng thống Mỹ, không có trọng tâm nào, luôn nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông Trump không nhận được gì sau khi gác máy.

>>Warren Buffett: Mỹ sẽ ổn dưới thời Tổng thống Donald Trump

"Ông ấy thu thập vô vàn ý kiến khác nhau", Ruffin, ông trùm casino, bạn thân của Trump gần hai thập kỷ qua, nói. "Ông ấy tham khảo ý kiến, càng nhiều càng tốt... rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng về điều mình muốn làm".

Ruffin miêu tả các cuộc gọi giữa ông với Tổng thống Mỹ là "những đoạn đối thoại thân thiện", thỉnh thoảng đề cập đến các vấn đề chính sách. Tuy nhiên, ông từ chối đi vào chi tiết vì muốn đảm bảo bí mật.

Những người khác từng nói chuyện với Trump sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng tiết lộ nhà tài phiệt New York một thời thường tìm kiếm những lời khuyên về chính sách. Song đôi lúc, Trump cũng muốn nghe phản hồi từ họ về các động thái mới nhất ông thực hiện, cách ông thể hiện trên cương vị tổng thống hay đội ngũ cố vấn Nhà Trắng làm việc ra sao.

"Vòng tròn bạn bè của ông ấy khá rộng và sâu. Trump trông cậy vào việc họ sẽ đưa cho ông ấy những nhận xét trung thực về các vấn đề ông phải đối mặt", một nguồn tin thân cận với Tổng thống Mỹ nói. "Hầu hết những người Trump nói chuyện đều không cần hay muốn bất cứ thứ gì từ ông ấy".

Mặt khác, gọi điện tới những người bạn bên ngoài Nhà Trắng còn là cách giúp Tổng thống Mỹ trút bỏ phần nào căng thẳng khi một ngày tồi tệ khép lại, ông quay về "lãnh địa" riêng tư nhất bên trong Nhà Trắng, nhưng lại đối diện với nỗi cô đơn khi vợ ông, đệ nhất phu nhân Melania không ở đó. Bà Melania quyết định vẫn sống ở New York để cậu con trai út Barron tiếp tục việc học.

Trump thường gọi điện thoại cho mạng lưới bạn bè bên ngoài Nhà Trắng khi ở một mình và đang nổi giận trước việc những quyết sách ông đưa ra bị Quốc hội bác bỏ hay những tin tức không hay về ông xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.

Khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố rút khỏi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ trước sức ép từ phe Dân chủ, Trump lúc bấy giờ đã giận dữ gọi cho một người bạn bên ngoài chính phủ và tuôn ra những lời khó nghe, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.

Theo giới phân tích, những lời khuyên hay nhận xét từ bạn bè ảnh hưởng không nhỏ tới hành động cũng như lý lẽ Tổng thống Mỹ nêu ra. Trong chiến dịch tranh cử, Trump thường dẫn lại các cuộc đối thoại với bạn bè vào những bài phát biểu trước công chúng. Một người bạn ông quen không thể mua nổi máy kéo hãng Caterpillar nữa mà buộc phải chuyển sang một nhà sản xuất đối thủ của Mỹ. Một người bạn khác lại chia sẻ với Trump rằng ông này phải hoãn chuyến đi đến Pháp vì lo ngại các cuộc tấn công khủng bố.

Hồi tháng hai, trong một nỗ lực nhằm rút lại các quy định cải cách tài chính được ban hành dưới Đạo luật Dodd-Frank, Trump đã lấy dẫn chứng từ các cuộc đối thoại giữa ông với những người bạn là doanh nhân tỷ phú, triệu phú.

"Chúng tôi hy vọng cắt giảm kha khá Đạo luật Dodd-Frank bởi rõ ràng, tôi có rất nhiều bạn bè với những dự án kinh doanh hứa hẹn nhưng họ không thể vay tiền. Họ không thể vay vì ngân hàng không cho phép bởi những quy định và điều khoản trong Đạo luật Dodd-Frank", Trump nói. Song thông tin ông cung cấp lại trái ngược với dữ liệu chính thức cho thấy lượng tiền ngân hàng cho vay liên tục tăng kể từ khi đạo luật này có hiệu lực hồi năm 2010.

>>Tân Tổng thống Trump và những "tác phẩm đầu tay"

Những cuộc gọi chiến lược

"Mọi việc Tổng thống Trump làm đều mang tính chiến lược, đặc biệt là các mối quan hệ hay liên hệ giữa ông ấy với mạng lưới những cá nhân xung quanh ông", bà Hope Hicks, phát ngôn viên cho Tổng thống Mỹ, cho biết trong một email.

Mong muốn thu thập thông tin còn được Trump thể hiện công khai. Quãng thời gian chạy đua vào Nhà Trắng, ông liên tục biến các buổi vận động tranh cử thành cơ hội tham khảo ý kiến công chúng. Trong quá trình lựa chọn những gương mặt tiêu biểu cho bộ máy nội các, Trump cũng thường xuyên tham khảo ý kiến từ những vị khách ông mời tới tư dinh hay đến tham dự các sự kiện do ông tổ chức.

Một người bạn của Tổng thống Mỹ, ông Chris Ruddy, giám đốc điều hành trang tin bảo thủ Newsmax, nhận xét Trump luôn luôn hứng thú với thông tin và "sẽ là lãnh đạo dễ tiếp cận nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại".

"Nó khiến người ta cảm thấy họ là một phần trong quá trình ra quyết định và mang đến cho ông ấy các thông tin khó lòng lấy được từ những người khác", Ruddy nói.

Ngoài ra, thói quen gọi điện thoại có thể là cách để Trump thể hiện thiện chí. Theo một nguồn tin gần gũi với Tổng thống Mỹ, ông thỉnh thoảng gọi cho những người xuất hiện trên TV, "chúc mừng họ làm tốt công việc" dù ông chưa bao giờ gặp mặt họ ngoài đời.

Đôi khi, các cuộc điện thoại chỉ nhằm mục đích giữ liên lạc, một cố vấn cho Tổng thống Mỹ cho hay.

"Trump là người bình thường thôi và không phải lúc nào ông ấy gọi cho ai đó cũng là để xin lời khuyên hay thu thập thông tin. Họ là bạn ông ấy", một cố vấn lâu năm cho Trump chia sẻ.

Chris Christie, thống đốc bang New Jersey, bạn thân của ông Trump gần 20 năm, kể rằng dù Tổng thống Mỹ thường gọi cho ông xin ý kiến nhưng có những lúc họ "chẳng nói gì đến công việc".

"Ông ấy nói về thể thao hoặc thứ gì đấy ông ấy xem được trên TV hay một bộ phim, bất cứ thứ gì", Christie cho biết. "Ông ấy cũng có thể hỏi về vợ và các con tôi".

>>Jared Kushner và áp lực "phò mã" nhà Trump

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những "cố vấn đặc biệt" của Tổng thống Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO