Nhật và nhiều nước ngừng xây thêm nhà máy điện hạt nhân

06/04/2011 06:51

Hãng tin Kyodo cho hay hôm 4/4 lãnh đạo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tuyên bố họ sẽ rút lại kế hoạch xây thêm hai lò phản ứng ở nhà máy điện Fukushima 1.

Nhật và nhiều nước ngừng xây thêm nhà máy điện hạt nhân

Hãng tin Kyodo cho hay hôm 4/4 lãnh đạo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tuyên bố họ sẽ rút lại kế hoạch xây thêm hai lò phản ứng ở nhà máy điện Fukushima 1.

Nhiều quốc gia dè dặt hơn với chương trình điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản - Ảnh: AFP

"Chúng tôi cho rằng không thể xây thêm lò phản ứng trong tình hình này”, ông Takashi Fujimoto - Phó chủ tịch TEPCO, phát biểu trên truyền hình.

TEPCO từng đệ trình kế hoạch xây mới các lò phản ứng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại đây. Điều này đã làm chính quyền tỉnh Fukushima tức giận vì các lò đang vận hành gặp sự cố nguy hiểm và gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Thủ tướng Naoto Kan trước đó cũng cho biết chính phủ sẽ cân nhắc rất kỹ chương trình cung cấp điện cơ bản của quốc gia, trong đó có kế hoạch xây thêm 14 nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030.

Sau sự cố nghiêm trọng tại Fukushima 1, nhiều quốc gia đã tạm ngừng chương trình điện hạt nhân để đánh giá lại tình hình.

Từ giữa tháng 3, tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ra lệnh dừng toàn bộ công tác thi công dự án điện hạt nhân đầu tiên ở nước này - công trình liên kết với công ty Rosatom của Nga và cho rằng điện hạt nhân quá nguy hiểm.

Tại châu Âu, Đức và Thụy Sĩ cũng tuyên bố loại bỏ chương trình điện hạt nhân với kế hoạch xây lại và duy trì các lò phản ứng.

Tại châu Á, Phó thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban từ giữa tháng 3 cũng cho rằng họ sẽ không liều lĩnh với tính mạng người dân và kêu gọi ngừng các dự án điện hạt nhân trên đất nước này. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố ngừng các dự án điện hạt nhân mới cho tới khi chính phủ xem xét xong các quy định an toàn của ngành.

Dù vậy, trong cuộc gặp gỡ với chủ tịch TEPCO hôm nay 5-4, ông Jeff Immelt - Giám đốc điều hành của General Electric, nói rằng ngành điện hạt nhân đã rất an toàn trong hơn 40 năm qua. General Electric đã thiết kế hầu hết các lò phản ứng của Fukushima 1 và cho biết họ có hơn 1.000 kỹ sư làm việc liên tục sau khi sự cố xảy ra và sẽ tiếp tục hỗ trợ TEPCO giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

Sơ đồ của lò phản ứng số 2: Tòa nhà đặt turbine có các đường ống ngầm (màu vàng), đường ống đặt cáp điện (màu hồng) và hầm bị nứt ngay bên bờ biển - Ảnh: NHK

“Không được xả nước nhiễm xạ ra biển lần thứ hai”

Phóng xạ cao ở vùng không bắt buộc sơ tán

Đài truyền hình NHK hôm 4/4 đưa tin phóng xạ đang ở mức cao tại thành phố Namie cách nhà máy Fukushima 1 hơn 30km về phía tây bắc không thuộc vùng yêu cầu sơ tán bắt buộc hay tự nguyện của chính phủ.

Bộ Khoa học Nhật Bản cho hay số liệu quan trắc ở đây là 10,3 millisievert, cao gấp hơn 10 lần giới hạn cho phép con người hấp thụ trong một năm. Trước đó, chính phủ coi mức phóng xạ cao hơn 10 millisievert là tiêu chí để yêu cầu người dân bắt buộc phải ở trong nhà.

Như vậy, mức phóng xạ cao này đã tồn tại 11 ngày liên tục ở thành phố Namie nhưng người dân không được khuyến cáo di dời hay phải cách ly.

Trong khi đó, Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho rằng mức phóng xạ đó chỉ được phát hiện trong một khu vực hạn chế và họ không có ý định mở rộng vùng sơ tán trong thời điểm này.

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho hay tính đến 10g (8g sáng 5/4), số người chết được xác nhận là 12.321 người, vẫn còn 15.347 người mất tích sau thảm họa động đất kèm sóng thần ngày 11/3.

Hôm nay TEPCO cũng thông báo đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng từ phóng xạ, trong đó có chi phí sinh hoạt, thuốc men, bù đắp thiệt hại về thu nhập, ban đầu là 20 triệu yen cho 9 thành phố quanh nhà máy Fukushima 1. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết thành phố Namie đã từ chối không nhận khoản đền bù này.

Hôm 5/4, Công ty Điện lực Tokyo bắt đầu xả nước nhiễm xạ mà họ coi là ở mức thấp ra biển để gấp rút cứu lò phản ứng nhưng ông Banri Kaieda, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, nói rằng việc này không được xảy ra lần nữa.

TEPCO cho rằng đây là biện pháp cần kíp để phục hồi điện cho hệ thống làm mát lõi phản ứng - yếu tố quan trọng nhất để giải tỏa cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay.

Hôm 5/4, công ty này đang dùng 10 máy bơm để xả 10.000 tấn nước nhiễm xạ thấp ra biển, cùng với 1.500 tấn nước nữa ở gần lò số 5 và 6. TEPCO nói rằng lượng phóng xạ trong số nước này cao gấp 500 lần giới hạn cho phép (con số TEPCO nói hôm qua là 100 lần) và cho rằng mức phóng xạ như vậy không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và sẽ bão hòa nhanh trong nước biển.

Họ vẫn nỗ lực ngăn nước nhiễm xạ cao từ hầm dưới lò phản ứng số 2 đổ ra biển. Phóng xạ trong khối nước này cao gấp 10.000 lần giới hạn cho phép. Tuy nhiên, các cố gắng bít xi măng vào vết nứt ở hầm, rải phẩm màu để dò đường đi của nước nhiễm xạ…. vẫn chưa thành công. Phẩm màu rải xuống một đường ống nối với hầm dưới lò phản ứng số 2 đến nay vẫn chưa đi ra khỏi đường ống xả bên bờ biển - nơi phát hiện vết nứt 20cm.

Trong khi đó, nước nhiễm xạ cao vẫn đổ ra biển với tốc độ không đổi ở các cửa xả, khiến TEPCO phải xây bờ bao để chặn lại. Họ còn dùng loại rào chắn giống như màn gió để chứa nước nhiễm xạ ngay ở cửa xả và công việc này sẽ phải mất vài ngày mới hoàn thành.

Điều này có nghĩa là vẫn còn nhiều nguồn rò rỉ nước nhiễm xạ cao khác dưới hệ thống ống nước ngoằn ngoèo trong khu vực nhà máy Fukushima 1 mà họ chưa tìm ra.

Hôm nay, Nhật Bản cũng đề nghị công ty hạt nhân Rosatom của Nga gửi cho họ loại bồn chứa chất thải phóng xạ lỏng để chứa nước nhiễm xạ cao tại Fukushima 1. Đây là thiết bị được thiết kế để chứa nước thải từ các tàu ngầm hạt nhân được dùng từ năm 2001 với kinh phí 35 triệu USD do Nhật Bản tài trợ.

Bồn chứa này có thể nổi trên mặt nước và được hi vọng là sẽ chứa được một phần nước nhiễm xạ mức độ cao từ các lò phản ứng ở Fukushima 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật và nhiều nước ngừng xây thêm nhà máy điện hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO