![]() |
Người Mỹ đến Trung Quốc làm việc có những va chạm không tránh khỏi với đồng nghiệp người Hoa.
![]() |
Corinne Dillon (trái) tại Trường Ngôn ngữ That’s Mandarin ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT |
Khi ngày càng nhiều người Mỹ đến Trung Quốc (TQ) tìm việc thì chuyện người Mỹ và người Hoa làm việc bên cạnh nhau đã trở thành bình thường. Sự cộng tác Trung - Mỹ đã đem lại những lợi ích về kinh tế và chính trị cho cả hai nước. Tuy nhiên, khi đó hai nền văn hóa khác nhau cũng làm nổi bật những căng thẳng và bộc lộ những khác biệt.
Khác biệt
Theo báo The New York Times, trong vài năm qua, số người Mỹ trong độ tuổi 20 và 30 đến TQ tìm việc làm đang gia tăng. Họ bị hấp dẫn bởi nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tỉ lệ thất nghiệp thấp ở đây. Đồng nghiệp người Hoa thường trạc tuổi họ.
Giáo sư Vas Taras, chuyên gia về quản lý nhóm làm việc khác biệt về văn hóa thuộc Trường Đại học North Carolina ở thành phố Greensboro, nhận định: “Hợp tác chặt chẽ về kinh doanh và khoa học giữa hai quốc gia khiến cho sự cộng tác Trung - Mỹ là một trong những chuyện phổ biến nhất tại nơi làm việc ở TQ”.
Tuy nhiên, hai nhóm người này được giáo dục khác biệt nhau. Người Mỹ nghiêng về các nguyên tắc thị trường tự do nhiều hơn. Cô Triệu Minh, 28 tuổi, nhân viên cao cấp thuộc Công ty Blue Oak Capital ở Bắc Kinh, nhận xét: “Giới trẻ Mỹ lớn lên trong một môi trường thương mại, còn giới trẻ TQ thì không như vậy”.
Bên cạnh đó, anh Sean Leow, 28 tuổi, nhà sáng lập mạng xã hội Neocha, nhận thấy rằng các nhân viên trẻ tuổi của TQ thường được đào tạo theo kiểu ít thực hành. Họ cũng có thể ít hiểu biết về các dịch vụ khách hàng.
Trong khi đó, ông Michael Norman, Phó Chủ tịch cấp cao Công ty Sibson Consulting của Mỹ, cho biết người nước ngoài thường được trả lương cao hơn đồng nghiệp TQ ở cùng vị trí khoảng 10%-15%. Ting Wang, 25 tuổi, nhân viên Công ty Lữ hành WildChina ở Bắc Kinh, nói: “Dứt khoát là có tình trạng người Mỹ được trả lương cao hơn người TQ cho cùng một công việc”.
Cần điều chỉnh
Ông Norman cho rằng đối với người Mỹ làm việc ở TQ, điều chỉnh bản thân là một việc cấp bách hiện nay. Ông so sánh: “Ở phương Tây, bạn được đánh giá cao khi giải quyết công việc một cách chóng vánh. Tuy nhiên, ở TQ, bạn cần phải lắng nghe và kiên nhẫn hơn cũng như am hiểu các cách thức kinh doanh địa phương”.
Ming Alterman, 25 tuổi, nhân viên kế toán tại Công ty Truyền thông Razorfish ở Thượng Hải, là người Mỹ duy nhất trong số 40 nhân viên. Anh nhận định: “Ở TQ, điều thực sự có thể xảy ra là bạn trở thành bạn của sếp và bạn ra ngoài, giao tiếp với xã hội theo cách không giống như ở Mỹ”.
Đối với nhân viên người Mỹ, đặt câu hỏi với người có trách nhiệm và nói lên suy nghĩ của mình là chuyện bình thường. Thế nhưng điều này lại có thể ảnh hưởng đến sự giao tiếp nơi làm việc ở TQ.
Corinne Dillon, 25 tuổi, hiện làm giám đốc tại Trường Ngôn ngữ That’s Mandarin ở Bắc Kinh. Trước đây, khi làm việc tại một công ty đa quốc gia ở TQ, cô nhận thấy đôi lúc các đồng nghiệp TQ ngần ngại trình bày ý kiến của họ. Cô nói: “Người TQ thường không muốn nói không đồng ý một cách trực tiếp với người nước ngoài vì ngại bị coi là bất lịch sự”.
Về vấn đề này, cô Triệu Minh kể: “Lần đó, tôi rất ngượng ngùng khi sếp người Mỹ của tôi bảo ông không thích điều tôi đang làm, ngay trước mặt tôi. Người TQ sẽ xử sự theo cách gián tiếp”.