Ngòi nổ Senkaku/Điếu Ngư liệu có phát hỏa?

LÊ VIẾT ĐỈNH (tổng hợp)/DNSGCT| 28/09/2012 04:02

Bang giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ở vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972 với vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngòi nổ Senkaku/Điếu Ngư liệu có phát hỏa?

Bang giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ở vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972 với vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đọc E-paper

Tuy cả hai nước đều nhắc đi nhắc lại rằng ý định của mình là hòa bình và đặt niềm hy vọng vào một giải pháp êm dịu, nhưng cùng lúc lại khuấy động ngọn lửa xung đột trong bối cảnh Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn còn Trung Quốc đáp lại bằng hành động quá khích.

Đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Gần đây nhất là các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra dữ dội tại 85 thành phố trên khắp Trung Quốc với nhiều khẩu hiệu mang nội dung quá khích, những hành động bạo lực đã xảy ra như tấn công người và đập phá các cơ sở kinh doanh của người Nhật. Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế Nhật Bản.

Về phía Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc và tham gia hoạt động kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Nhật - Trung của Đoàn các nghị sĩ dự tính bắt đầu từ 26/9. Thủ tướng Yoshihiko Noda cho thành lập Nhóm công tác đặc biệt để xử lý khủng hoảng. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp Nhật bắt đầu cân nhắc việc rút khỏi Trung Quốc vì lo ngại về an ninh.

Ðiếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc và Ðài Loan, Senkaku theo tên gọi của Nhật là một nhóm đảo nhỏ trong vùng biển Hoa Ðông, cách xa Ðài Loan khoảng 120 hải lý, cách Okinawa của Nhật 200 hải lý và cách lục địa Trung Quốc 200 hải lý.

Quần đảo gồm năm đảo và ba bãi đá trơ trụi, tất cả đều không có cư dân thường trú, với tên gọi theo tiếng Nhật và Trung Quốc lần lượt là: Uotsuri/Điếu Ngư, Kita Kojima/Bắc tiểu đảo, Minami Kojima/Nam tiểu đảo, Kuba/Hoàng Vĩ, Taishō Jima/Xích Vĩ, Okino Kitaiwa/Đại Bắc tiểu đảo, Okino Minamiiwa/Đại Nam tiểu đảo, Tobise/Phi Tiều nham.

Đảo lớn nhất Uotsuri/Điếu Ngư chỉ rộng 4,32km². Cả tên nhóm đảo Điếu Ngư của Trung Quốc lẫn tên tiếng Nhật Uotsuri của đảo chính đều có nghĩa là “câu cá”. Việc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước mà đương nhiên mỗi nước đều bênh vực quan điểm của mình.

Cơ sở lập luận phía Nhật Bản

Người dân Nhật Bản cũng xuống đường phản đối Trung Quốc

Các ghi chép về những hòn đảo này đã có từ thế kỷ XV. Ngược dòng lịch sử, quần đảo Senkaku xưa kia trực thuộc xứ Ryukyu là một vương quốc gồm có đảo chính là Ryukyu và một số đảo chung quanh. Về mặt ngoại giao, vua Shō Shin trị vì trong những năm 1478-1526 đã thiết lập quan hệ triều cống với Trung Hoa dưới triều nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời cũng phát triển quan hệ thương mại với Nhật Bản.

Năm 1879, chính quyền Meiji của Nhật Bản dùng vũ lực giải thể vương quốc Ryuku rồi sáp nhập quần đảo này vào lãnh thổ Nhật Bản với tên gọi mới Okinawa và không còn phụ thuộc chư hầu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, quy chế pháp luật của nhóm đảo Senkaku gần bên thì còn chưa rõ ràng.

Thời kỳ đó, thống đốc Okinawa có yêu cầu chính phủ Nhật Bản cho phép xây dựng một tháp trên Senkaku để biểu thị rõ chủ quyền của Nhật Bản, nhưng chính phủ Nhật đã không cấp phép vì cho rằng quần đảo Senkaku là hoang đảo không có người ở.

Người đầu tiên đến định cư lập nghiệp tại Senkaku vào khoảng năm 1900 là công dân Nhật Koga Tatsushiro, đến nay còn một tài liệu lưu lại là hồ sơ khai thuế bất động sản năm 1932. Ông mở một cơ sở chế biến cá ngừ với 200 công nhân và sau này giao cho con trai là Koga Zenji kế tục công việc, nhưng tới 1940 phải ngừng vì tình trạng chiến tranh.

Năm 1978, Koga Zenji bán bốn đảo Uotsuri, Kita Kojima, Minami Kojima và Kuba cho dòng họ Kurihara, nhưng gia tộc này không hoạt động khai thác gì ở đây.

Nhật Bản đã kiểm soát các đảo Senkaku cho đến năm 1945. Sau Thế chiến thứ Hai, Nhật bại trận buộc phải trao trả Đài Loan và nhóm đảo phụ cận cho Trung Hoa Dân quốc, nhưng Senkaku được cho là thuộc địa phận Okinawa nên phía Mỹ tiếp quản quyền quản lý quần đảo này.

Năm 1969, Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (ECAFE) đã xác định tiềm năng dự trữ dầu mỏ và khí đốt trong vùng lân cận quần đảo Senkaku, đó cũng là thời điểm chính quyền Đài Loan và Trung Quốc bắt đầu tuyên bố quyền sở hữu quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư.

Đến năm 1971, Hiệp ước trao trả Okinawa cho Nhật Bản đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, Mỹ trao trả chủ quyền quần đảo Ryukyu và các đảo khác trong đó có quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Việc này gây lên làn sóng phản đối của cộng đồng người Hoa ở khắp nơi và cũng là khởi đầu cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc.

Lập luận của Trung Quốc và Đài Loan

Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật

Trong khi đó, theo các nhà sử học Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Hoa từ thời nhà Minh (1368-1644) và sau đó là nhà Thanh (1644-1912). Các nhà sử học Trung Quốc cũng chứng minh rằng trên các bản đồ Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVIII, những đảo này được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1894, cuộc chiến tranh Trung - Nhật nổ ra rồi kết thúc vào năm 1895 với sự thất bại của Trung Hoa và nhà Thanh đã phải ký Hiệp ước Mã quan (Shimonoseki) nhượng đất cho Nhật trong đó có Đài Loan, Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông.

Mặc dù quần đảo Điếu Ngư không được đề cập đến trong văn bản hiệp ước, nhưng phía Trung Quốc khẳng định Nhật Bản đã nhân cơ hội này giành quyền kiểm soát Điếu Ngư.

Đồng thời Trung Quốc cho rằng sau khi bại trận ở cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cùng với Đài Loan và nhóm đảo phụ cận thì Nhật Bản cũng phải trao trả nốt quần đảo Điếu Ngư cho mình. Ngày 30/12/1971, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư.

Còn phía Đài Loan thì cho rằng các đảo Điếu Ngư là một phần của huyện Nghi Lan thuộc tỉnh Đài Loan, vì vậy tuy trước đó thỉnh thoảng chỉ có những ngư dân Đài Loan đổ bộ lẻ tẻ lên nhóm đảo này nhưng vào năm 1969, Đài Loan đã tuyên bố rằng những mỏ dầu và khí đốt nằm trong vùng lãnh hải của mình và đã cắm quốc kỳ của họ lên một hòn đảo trong quần đảo Điếu Ngư.

Tiến trình tranh chấp

Người Trung Quốc cắm cờ trên đảo Điếu Ngư

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972, rồi tiếp theo là Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung - Nhật ký kết vào ngày 12/8/1978, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý gác lại các tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư sang một bên và sẽ giải quyết khi có điều kiện.

Nhờ vậy tình hình tạm lắng dịu một thời gian cho đến năm 1979, Nhật Bản xây dựng sân bay trực thăng dã chiến trên quần đảo này và đã bị Trung Quốc cũng như Đài Loan lên tiếng phản đối.

Tháng 7/1996 một nhóm người Nhật đã xâm nhập đảo Kita Kojima và dựng một cột hải đăng ở đó. Không thấy có dấu hiệu ngăn cấm nào từ phía chính phủ Nhật Bản cho nên vào tháng 8/1996 một nhóm thanh niên khác lại đổ bộ lên đảo Uotsuri, lần này họ đã cắm quốc kỳ Nhật Bản và dựng đài tưởng niệm.

Sau khi phía Nhật Bản có một số hành động nhằm khẳng định chủ quyền trên quần đảo Senkaku trên đây, dân chúng người Hoa ở Hongkong và Đài Loan liên tiếp biểu tình lên án Nhật Bản.

Đã có những tổ chức ở Hongkong đứng lên đòi chủ quyền, rồi ngay năm 1996 họ đã cử người đổ bộ lên đảo Điếu Ngư để cắm cờ và từ đó tới nay họ đã bảy lần đổ bộ lên đảo này.

Thế nhưng chính phủ Trung Quốc khi ấy đã phản ứng khá thận trọng vì đang cần vốn đầu tư và viện trợ của Nhật để phát triển. Một mặt Trung Quốc phản đối hành động trên của Nhật Bản và khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư.

Mặt khác, Trung Quốc kiềm chế tránh xảy ra va chạm, không tán thành hành động cục bộ của các nhóm người Hoa ở Hongkong và Đài Loan mà mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình để không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung - Nhật.

Vào năm 2008, Bắc Kinh và Tokyo đã nhất trí cùng nhau phát triển các mỏ khí đốt ở quần đảo Senkaku theo nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác”, tuy nhiên sau đó Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận.

Căng thẳng xuất hiện khi một tàu tuần tra của Nhật bắt giữ một thuyền đánh cá của Trung Quốc vào tháng 9/2010. Lập tức, Trung Quốc quyết định ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, dừng những trao đổi chính trị và văn hóa giữa hai nước trong áp lực buộc Tokyo phải trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc.

Thế rồi các cuộc xung đột mới đây nhất đã đẩy tâm lý đối đầu cũng như thù địch trong xã hội ở cả Nhật Bản và Trung Quốc lên đến cao độ.

Tranh chấp bắt đầu nóng lên từ tháng 4/2012 khi thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara, công bố kế hoạch mua lại nhóm đảo Senkaku để phát triển khu vực này.

Ông Ishihara vốn nổi tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc, công khai ý định muốn dựng một đài quan sát thủy văn và xây dựng một nơi trú bão cho các tàu cá của Nhật trong khu vực.

Đám cháy Senkaku/Điếu Ngư được đổ thêm dầu hồi tháng 8/2012 khi 14 nhà hoạt động từ Hongkong đổ bộ lên nhóm đảo này để cắm cờ Trung Quốc. Họ đã bị giới chức Nhật Bản bắt và trục xuất. Sau đó, một nhóm hàng chục những người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật đã lên đảo Uotsuri để cắm cờ. Sự việc ấy đã gây ra làn sóng biểu tình phản đối khắp Trung Quốc.

Sau khi Thị trưởng Tokyo tuyên bố mở một chiến dịch kêu gọi quyên góp và thu được khoảng 18 triệu USD để mua lại ba đảo đang thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền trung ương Nhật Bản đã phải ra tay can thiệp.

Ngày 11/9, báo chí Nhật đưa tin chính phủ nước này chi 2,05 tỉ yen (hơn 26 triệu USD) để mua lại các đảo Uotsuri, Kita Kojima và Minami Kojima từ gia tộc Kurihara. Động thái này chỉ để xác lập quyền sở hữu, tức là quốc hữu hóa, còn về chủ quyền Senkaku vẫn được xác định là thuộc Nhật Bản và Chính phủ Nhật không cho phép người dân lên thăm đảo cũng như không chủ trương xây dựng gì ở đây.

Nội các Nhật Bản lập luận rằng đặt quần đảo Senkaku dưới sự kiểm soát của chính phủ sẽ giúp ổn định tình hình khu vực. Các nhà phân tích cũng nhận định việc Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào ý định của thị trưởng Tokyo là rất đúng đắn nhằm ngăn chặn không cho việc tranh chấp chủ quyền có điều kiện tăng thêm căng thẳng.

Đằng sau tranh chấp

Người dân Nhật cắm cờ trên đảo Senkaku

Mặc dù vậy, Trung Quốc đã có những phản ứng hết sức giận dữ trước hành động của chính phủ Nhật Bản. Một loạt các hành động trả đũa việc Nhật quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư đã được những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc tiến hành.

Xung đột Trung - Nhật hiện được cho là gắn với các đòi hỏi chính trị nội bộ bên trong mỗi nước.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Tokyo Dương Trung Mỹ cho rằng phản ứng kịch liệt của Trung Quốc xuất phát một phần từ tình hình chính trị nội bộ. Theo ông, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản sắp diễn ra nên các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải muốn tỏ thái độ cứng rắn với Nhật để lấy lòng dân chúng.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng vụ mua các đảo của Nhật là bất hợp pháp, còn tờ báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đăng bài bình luận cho rằng Nhật Bản đang đùa với lửa.

Tiếp đó là lời kêu gọi vào tháng 8/2012 của viên tướng quân đội có đầu óc dân tộc chủ nghĩa nặng nề La Viện đòi phải có hành động đáp trả và đưa 100 tàu đến vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đối lại, một số phân tích khác cho rằng hiện nay Nhật Bản đang rơi vào tình trạng kinh tế u ám cùng với nền chính trị không ổn định.  Trong bối cảnh đó, các phần tử cánh hữu tận dụng cơ hội mở rộng tranh giành quyền lực.

Do các vấn đề trong nước đã tích tụ từ lâu và khó giải quyết, lực lượng cánh hữu đã hướng sang các vấn đề bên ngoài và bày tỏ chủ trương cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc để ghi điểm với công chúng.

Một số nhà nghiên cứu, trong đó có ông Yoichiro Sato - Giám đốc nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan - chủ trương nâng cao vị thế chiến lược của Nhật Bản vì sợ Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này dùng vũ lực quân sự chiếm quần đảo.

Đồng thời, họ nhấn mạnh đến tính mong manh trong lời hứa hẹn của Mỹ trợ giúp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản như thỏa thuận trong Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Có vẻ như Mỹ đang rất khó xử vì bị giằng xé giữa một bên là liên minh với Nhật Bản và bên kia là lợi ích chiến lược rộng lớn của mình.

Các nhà bình luận quốc tế cho rằng cuộc cãi vã ít có khả năng biến thành xung đột quy mô lớn, cho dù chủ nghĩa dân tộc ở cả hai phía có vẻ như thúc đẩy sự việc đi theo hướng đó.

Để một cuộc chiến trên biển nổ ra có rất nhiều yếu tố tác động, trong đó bao gồm các toan tính chính trị phức tạp, cho nên thật khó biết được những mâu thuẫn này sẽ dẫn đến đâu.

Tuy vậy, nhiều nhà quan sát hy vọng một cuộc chiến tranh nóng có thể sẽ không xảy ra, bởi cả hai bên đều hiểu rằng sẽ không có bên nào chiến thắng khi phải dùng đến vũ lực. Một điều chắc chắn là sự va chạm nảy lửa giữa hai nền kinh tế lớn thế giới, nếu có, sẽ để lại hậu quả không nhỏ đối với kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngòi nổ Senkaku/Điếu Ngư liệu có phát hỏa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO