Nghề viết thuê nở rộ ở Trung Quốc

13/04/2010 08:25

Cặm cụi bên chiếc laptop trong phòng ngủ chật chội ở Quảng Tây, cựu giáo viên Lu Keqian viết bài thuê cho các giáo sư, sinh viên và cả các quan chức, bất kỳ ai sẵn lòng trả ông 45 USD.

Nghề viết thuê nở rộ ở Trung Quốc

Cặm cụi bên chiếc laptop trong phòng ngủ chật chội ở Quảng Tây, cựu giáo viên Lu Keqian viết bài thuê cho các giáo sư, sinh viên và cả các quan chức, bất kỳ ai sẵn lòng trả ông 45 USD.

Ông Lu Keqian bên chiếc laptop trong phòng ngủ. Ảnh: AP.

Khi các giáo sư Trung Quốc cần có các nghiên cứu khoa học để thăng tiến, nhiều người tìm đến các chuyên gia viết thuê. AP viết về nạn viết bài thuê để đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở Trung Quốc.

"Tôi thấy viết bài cho người khác chẳng có gì là sai. Thế nào chả có lúc bạn cần sự giúp đỡ của ai đó", Lu cho hay.

Tình trạng viết thuê, đạo văn hoặc giả bảng điểm lan tràn ở Trung Quốc đến mức một số chuyên gia lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực trở thành cường quốc khoa học của nước này.

Chính phủ Trung Quốc coi khoa học là lĩnh vực mấu chốt để hiện đại hóa đất nước. Báo chí nước này gần đây hoan hỉ đưa tin Trung Quốc có số bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, trừ Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế không sáng sủa như vậy. Hồi tháng 12/2009, một tạp chí khoa học của Anh rút lại 70 bài viết từ một trường đại học của Trung Quốc, đều do hai nhà khoa học hàng đầu soạn thảo vì cho rằng chúng được bịa đặt.

"Gian lận và vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực học thuật rất phổ biến ở Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn", giáo sư Rao Yi, trưởng khoa Sinh học thuộc đại học Bắc Kinh, bình luận.

Nhiều người cho rằng tình trạng này là do hình phạt không nghiêm cộng với việc thăng tiến và thưởng dựa trên số lượng hơn là chất lượng của các bài viết được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành.

Dan Ben-Canaan không xa lạ gì với tình trạng đạo văn. Giáo sư người Israel này dạy tại Đại học Hắc Long Giang ở miền đông bắc Trung Quốc 9 năm nay. Năm 2008, một đồng nghiệp đã lấy bài viết của ông về vụ bắt cóc và giết một nhạc sĩ người Do Thái ở Cáp Nhĩ Tân năm 1933 trong thời gian Nhật chiếm đóng.

"Ông ấy cả gan thuyết trình về bài viết đó và nhận là của mình tại hội thảo mà tôi tổ chức. Không có chút xấu hổ nào hết!", Ben-Canaan nói.

Một lần khác, giáo sư này đưa tài liệu ông viết cho một nghiên cứu sinh ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ben-Canaan cho biết ông rất sốc khi nhận được cuốn sách do người kia viết, trong đó chủ yếu copy và dịch lại tài liệu của ông mà không đề nguồn.

Áp lực có bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành khiến ngành công nghiệp viết thuê nở rộ. Nghiên cứu của giáo sư Shen Yang tại Đại học Vũ Hán cho thấy năm ngoái, số tiền đổ vào các nghiên cứu là 145 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2007.

Công ty của cựu giáo viên Lu nói trên chuyên cung cấp dịch vụ viết thuê. Trung tâm học thuật Lu Ke của ông có mạng lưới từ 20 đến 30 giáo sư hoặc từng tốt nghiệp đại học và chuyên về các lĩnh vực từ công nghệ tin học tới các vấn đề quân sự.

Thậm chí trong lĩnh vực buôn bán chữ nghĩa này, vẫn có trò lừa đảo. Nghiên cứu nói trên của đại học Vũ Hán cho thấy hơn 70% các bài viết trên tạp chí chuyên ngành được mua bán trên thị trường năm 2007 là đạo văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề viết thuê nở rộ ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO