Nga sẽ làm gì với Ukraine?

12/04/2014 06:57

Nga sẽ sử dụng nhiều vũ khí khác để giữ vững ảnh hưởng của mình ở Ukraine, chứ không cần đưa quân vào miền đông nước này như Mỹ và châu Âu đang cảnh báo, các nhà phân tích nhận xét.

Nga sẽ làm gì với Ukraine?

Nga sẽ sử dụng nhiều vũ khí khác để giữ vững ảnh hưởng của mình ở Ukraine, chứ không cần đưa quân vào miền đông nước này như Mỹ và châu Âu đang cảnh báo, các nhà phân tích nhận xét.

Người biểu tình thân Nga đứng trước chiến lũy được dựng lên tại trụ sở chính quyền thành phố Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: New York Times

Ngày 6/4, người biểu tình thân Nga chiếm hàng loạt các trụ sở cơ quan công quyền tại ba thành phố ở miền đông Ukraine là Donetsk, Kharkov và Luhansk. Người biểu tình tại Donetsk và Kharkov còn tuyên bố ly khai, đòi sáp nhập vào Nga.

Nhưng theo nhiều nhà phân tích, Nga không hề có ý định lặp lại kịch bản tại Crimea mà mục đích quan trọng nhất là ngăn cản Ukraine rời khỏi vòng ảnh hưởng kinh tế, quân sự của Moscow, và rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây.

> Putin "bắn một mũi tên trúng hai đích"

> Bốn thách thức của Ukraine

> Châu Âu có cho Ukraine ăn "bánh vẽ"?

> Khủng hoảng tại Ukraine: Trật tự thế giới mới

Đây là lý do mà Nga đề nghị Ukraine chuyển sang thể chế liên bang, trao nhiều quyền lực hơn cho người đứng đầu các khu vực. Và điều này cũng giải thích cho việc Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố Moscow sẽ chỉ tham gia hội nghị bốn bên dự kiến tổ chức tại Geneva, với điều kiện nội dung bàn thảo yêu cầu chính phủ tạm quyền tại Kiev phải đối thoại với các địa phương.

"Thể chế liên bang nhằm đảm bảo Ukraine sẽ không chống lại Nga", New York Times dẫn lời nhà phân tích chính trị có xu hướng ủng hộ Kremlin Sergei Markov cho biết.

Nhà hoạt động chính trị đối lập tại Nga Vladimir Ryzhkov phân tích rằng nếu như chính phủ trung ương yếu thế và chính quyền địa phương mạnh, thì Moscow có thể trực tiếp làm việc với các bang mà không cần thông qua Kiev.

Các quan chức Nga cho biết nội dung chính của thể chế mới là các khu vực trong Ukraine có quyền lựa chọn lãnh đạo của mình, nhằm bảo vệ nền kinh tế, truyền thống văn hóa và tôn giáo, bao gồm xây dựng mối liên hệ kinh tế độc lập với Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng đây chỉ là cái cớ để Moscow can dự vào nền độc lập của Kiev. "Đây là một hình thức chia để trị với Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc Moscow có thể can thiệp bất kỳ lúc nào vào Ukraine", nhà phân tích Lilia Shevtsova thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nhận định.

Ukraine là vùng đệm ảnh hưởng nằm giữa Nga và phương Tây, từng là một nước thành viên thuộc Liên bang Xô viết. Chính vì vậy, Kiev phải giữ thế cân bằng giữa hai bên, một mặt đảm bảo nền độc lập, một mặt cho phép Moscow duy trì sức ảnh hưởng.

Một trong số các đề xuất bà Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tháng trước như là điều kiện cho việc đàm phán giải quyết khủng hoảng Ukraine, là Kiev chấp nhận liên bang hóa. Đây được cho là một mô hình giống như Phần Lan trước kia. Phần Lan là quốc gia láng giềng có nhiều mối liên hệ lịch sử phức tạp với Liên Xô, chính vì vậy sau khi Thế chiến II kết thúc, quốc gia này không gia nhập NATO và chỉ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ba kịch bản

Nga có thể lợi dụng phong trào ly khai ở miền đông Ukraine để gây sức ép buộc Kiev sửa đổi thể chế chính trị theo hướng có lợi cho mình. Đồ họa: BBC

Theo nhiều chuyên gia, có ba kịch bản mà có thể Nga sẽ hành động trên vấn đề Ukraine. Một là Moscow gây sức ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, thông qua một ứng cử viên mà mình ủng hộ, từ đó tác động vào tiến trình sửa đổi hiến pháp theo chiều hướng có lợi cho Nga.

Hiện nay chưa có một ứng cử viên nào công khai thái độ liên minh với Nga. Nhưng trên thực tế, bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào của Ukraine cũng không dám công khai đối đầu với Điện Kremlin. Ông Mikhail Dobkin, ứng viên của đảng Các khu vực được cho là một đồng minh tiềm năng của Moscow. Đảng này mang quan điểm thân Nga, từng là chính đảng của ông Viktor Yanukovych, nhưng nay đã yếu thế sau cuộc chính biến hồi tháng hai.

Về hiến pháp, Nga không hoàn toàn chiếm thế thượng phong, bởi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phương Tây. Mỹ và EU ủng hộ xu thế xóa bỏ tình trạng tập quyền diễn ra nhiều năm qua trên chính trường Kiev, nhưng cũng không ủng hộ việc trao quá nhiều quyền lực cho chính quyền địa phương.

"Nguyên tắc cần làm rõ là chính phủ Nga không thể yêu cầu nước láng giềng sửa đổi hiến pháp. Điều này quá nguy hiểm, không thể cho phép một tiền lệ như vậy xuất hiện", bình luận viên Gideon Rachman thuộc tờ Financial Times cho biết.

Kịch bản thứ hai, các thành phố miền đông Ukraine lặp lại việc sáp nhập vào Nga như Crimea. Những người biểu tình tại thành phố Donetsk tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11/5, nhưng Nga hiện vẫn chưa tỏ thái độ ủng hộ. Kiev lo ngại nếu như tiến trình cải cách chính trị không đi theo lộ trình mà Nga mong muốn, Moscow rất có khả năng thay đổi chiến thuật, chuyển sang công khai ủng hộ trưng cầu dân ý, khiến Ukraine thêm rối loạn.

Ngoài ra, mối liên hệ quần chúng giữa Nga và khu vực miền đông Ukraine không mật thiết như với Crimea. Cho đến trước năm 1954, bán đảo này vẫn là một phần lãnh thổ của Liên Xô và đây cũng là căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Giới tài phiệt Ukraine, mà nay một số người trong giới đang cầm quyền ở các tỉnh miền đông, cũng không vui thú gì với viễn cảnh sáp nhập vào Nga.

Kịch bản thứ ba, là Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, điều này ít có khả năng xảy ra nhất. Chính phủ Nga và bản thân Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định không tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine.

Nhiều nhà phân tích cho rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào dẫn đến những tổn hại nhiêm trọng về kinh tế và thậm chí là thương vong của binh sĩ Nga, cũng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ ủng hộ với ông Putin. Mặc dù vậy, cũng không thể hoàn toàn loại trừ nguy cơ trên, bởi trong trường hợp bạo loạn nổ ra dẫn đến hàng loạt người Ukraine nói tiếng Nga thiệt mạng, Moscow sẽ không còn sự lựa chọn nào khác.

Dù rằng có hàng chục nghìn quân sĩ và vũ khí tập trung ngay gần biên giới với Ukraine, có thể cơ động đến nước láng giềng chỉ trong 12 giờ, khả năng Nga động binh là rất ít. Ông Sergei Karaganov, giám đốc Học viện Kinh tế quốc tế và Ngoại giao, cho rằng Nga có tất cả các biện pháp và đòn bẩy kinh tế khác để gây sức ép lên Ukraine, chứ không cần dùng đến vũ lực.

"Có một số người muốn thu nạp Ukraine, nhưng đa số là không muốn, kể cả trong Điện Kremlin", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nga sẽ làm gì với Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO