![]() |
Sau ngành xe hơi và điện tử, công nghệ sạch đang trở thành cột trụ thứ ba của nền công nghiệp thế giới. Mang màu xanh của công nghệ nhưng cuộc chạy đua trong lĩnh vực năng lượng mới được định vị như tấm vé bước vào tương lai của nhiều quốc gia, không kể lớn nhỏ...
Tấm vé vào thế kỷ XXI
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp chế tạo năng lượng xanh, điện chạy bằng sức gió hay năng lượng mặt trời vẫn tăng trưởng. Theo nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), đến năm 2020, doanh số của ngành công nghệ xanh ước tính lên đến 1.700 tỷ USD. Đến thời điểm đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng đều 15% một năm.
![]() |
Mỹ vẫn muốn dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mới vì quan điểm "Ai nắm giữ năng lượng mới vì quan điểm "Ai nắm giữ năng lượng, người đó quyết định quyền lực". |
WWF so sánh sự bùng nổ của lĩnh vực kinh tế này với cuộc cách mạng high tech vào những năm 1990. Đức, Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện đang dẫn đầu danh sách các nhà cung cấp công nghệ xanh. Trung Quốc đứng hạng tư nhưng trong tương lai, nước này có khả năng xáo trộn trật tự nói trên. Nhưng nếu tính theo doanh thu so với GDP thì theo tính toán của WWF, Đan Mạch, Brazil và Đức đang dẫn đầu thế giới. Chẳng hạn, năm ngoái, ngành công nghiệp sản xuất turbine chạy bằng sức gió của Đan Mạch chiếm đến 20% thị phần trên thế giới. Còn Tập đoàn Danish Rockwool hiện đang kiểm soát phần lớn khâu cung cấp thiêt bị cách nhiệt...
Nhiều quốc gia đã tham gia cuộc đua này và xem năng lượng sạch là tấm vé vào thế kỷ XXI trên nhiều phương diện. Là một quốc gia lệ thuộc đến 97% vào năng lượng nhập từ nước ngoài, tiết kiệm năng lượng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc. Vào lúc kinh tế Hàn Quốc bị tuột dốc mạnh nhất do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Seoul đã cấp tốc công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế, trong đó đến 80% nhắm vào ưu tiên phát triển công nghệ xanh.
Seoul dành hơn 70 tỷ USD trong 5 năm sắp tới để hướng tới cái được gọi là “green growth” hay tăng trưởng xanh. Từ nay cho đến năm 2014, mỗi năm, Hàn Quốc chi thêm một khoản tiền tương đương với 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) để giới hạn chi phí về năng lượng.
Quyền lực của năng lượng
Một trong những điều bất ngờ là Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới, trong những năm gần đây đã liên tục đẩy mạnh đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo, khuyến khích nâng cao năng suất năng lượng sử dụng trong các ngành như giao thông, hay sản xuất công nghiệp. Hướng đến công nghệ xanh, Bắc Kinh đang nhắm đến hai mục tiêu cùng một lúc: vừa đáp ứng nhu cầu tiết kiệm năng lượng, vừa lợi dụng thời cơ để khẳng định vị trí trên một thị trường mới, có tiềm năng phát triển rất lớn.
Hiện nay, Trung Quốc đang kỳ vọng nhiều vào khoảng 300 ngành công nghệ mới. Chẳng hạn như khả năng cung cấp năng lượng gió của nước này đang tăng trưởng 100%/năm. Tháng 11 năm ngoái, trong gói kích cầu 586 tỷ USD của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh dự trù dành đến 38% khoản tài chính này để phát triển công nghệ xanh.
Vào lúc chính quyền Obama còn gặp nhiều trở ngại để tiến đến việc giảm khí carbon, thì Trung Quốc nhanh chân chen vào thị trường các công nghệ sạch. Thậm chí một số nhà bảo vệ môi trường ở Mỹ còn lo ngại là Hoa Kỳ sẽ lệ thuộc vào công nghệ xanh Trung Quốc trong thế kỷ này, tựa như nước Mỹ đã lệ thuộc vào dầu hỏa của Ả rập Xê út trong thể kỷ XX.
Chính phủ Mỹ đề ra mục tiêu tăng mức sản xuất năng lượng Mặt trời thêm 33% vào năm 2020, thì vào cùng thời điểm, mục tiêu đó của Trung Quốc là nhân lên gấp 200 lần so với khối lượng sản xuất của năm 2005. Các tấm pin mặt trời “Made in China” bán ra với giá rẻ bắt đầu tràn ngập trên thị trường Hoa Kỳ. Hậu quả là nhiều công ty Mỹ như BP Solar, Evergreen hay General Electric đang chuẩn bị di dời các cơ sở sản xuất, chủ yếu là sang Trung Quốc.
Thậm chí tập đoàn sản xuất năng lượng Mặt trời hàng đầu của Mỹ là Applied Materials đã mở trung tâm nghiên cứu tư nhân lớn nhất thế giới tại Trung Quốc. Gần đây hãng Shenyang Power Group của Trung Quốc đã chính thức ký hợp đồng để cung cấp cơ phát điện cho công trình xây dựng cánh quạt tạo ra năng lượng gió quy mô nhất trên đất Mỹ ở miền Tây bang Texas.
Theo quan điểm của ông Robert F. Kennedy Jr, một luật sư chuyên về các hồ sơ môi trường của Mỹ, Bắc Kinh đang lao vào cuộc chạy đua để chinh phục ngành công nghệ xanh tương tự như chiến lược của Trung Quốc khi ồ ạt đầu tư để hiện đại hóa guồng máy quân sự.