Làn sóng di dân Hồi giáo: Tại sao là nước Đức?

VIẾT ĐĨNH/DNSGCT| 16/03/2016 03:07

Nhà báo Rossalyn Warren của tờ BuzzFeed Newsở New York đã phỏng vấn nhiều người di dân từ Syria. Khi được hỏi sẽ đi đâu, hầu hết đều trả lời không do dự: “Nước Đức”.

Làn sóng di dân Hồi giáo: Tại sao là nước Đức?

Nội chiến ở Syria khởi đầu bằng các cuộc biểu tình chống chính quyền tổng thống Bashar al-Assad từ ngày 15-3-2011 và kéo dài đến nay đã khiến hơn 4 triệu người Syria bỏ nước ra đi, mà nguyên nhân chủ yếu là tìm vùng “đất hứa” giải quyết gánh nặng áo cơm.

Ban đầu dòng di dân vĩ đại tìm đến các nước trong vùng có cùng tôn giáo và phong tục với họ, trong số đó có 1,15 triệu người đến Lebanon, 2,5 triệu người đến Ả Rập Saudi, phần còn lại đến Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iraq hay Ai Cập. Nhưng rồi sau đó hơn 3 triệu người lại tràn qua châu Âu bằng cửa ngõ của các quốc gia thành viên Hiệp ước Schengen.

Tại sao chọn nước Đức?

Nhà báo Rossalyn Warren của tờ BuzzFeed Newsở New York đã phỏng vấn nhiều người di dân từ Syria. Khi được hỏi sẽ đi đâu, hầu hết đều trả lời không do dự: “Nước Đức”.

Điều gì đã khiến di dân Syria chọn nước Đức là điểm đến cuối cùng? Học giả Vladimir Shalak, một chuyên gia cao cấp của Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã khám phá trong tháng 8-2015 bắt đầu có nhiều quảng cáo đăng trên Twitter cho biết châu Âu mở cửa cho người tỵ nạn với khẩu hiệu “Welcome, refugees” (Chào mừng, người tỵ nạn), trong đó một nửa các quảng cáo này mời gọi đến Đức và khoảng 10% mời gọi đến Hungary.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy đa số các mẩu tin ngắn “Welcome, refugees” mời gọi đến Đức đã phát xuất từ Mỹ và Anh. Đi xa hơn nữa, người ta thấy có nhiều mẩu tin từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Rõ ràng, các di dân Syria đã được người ta cố tình hướng dẫn tới Đức và nói rằng nước Đức sẽ chào đón họ.

Những kẻ lãnh nhiệm vụ loan truyền tại chỗ và đẩy người Syria đi qua châu Âu là bọn buôn người. Những di dân được dẫn vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó đi qua Hy Lạp, đến Serbia, Hungary hay Áo rồi tới Đức. Trước đây, bọn buôn người chỉ dẫn dắt từng toán nhỏ qua biên giới các nước này và phải nộp tiền “mãi lộ” mới được qua, nay Thổ Nhĩ Kỳ lại cho đi tự do.

Hiện nay Đức đã phải đón nhận trên 1,1 triệu người, các nước như Italia, Hy Lạp và Hungary là những quốc gia phải đối mặt với áp lực lớn nhất. Trong cuộc họp hồi trung tuần tháng 2 vừa qua tại Brussels, Ủy ban châu Âu đã phải bỏ ra 3,3 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này cho phép 2 triệu người di dân tạm trú trong lãnh thổ.

Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Slovakia đã bác bỏ một kế hoạch của EU nhằm phân phối 120.000 người di dân cho tất cả các nước trong khối. Nếu bị bắt buộc, họ chỉ nhận người không theo đạo Hồi. Còn nước Anh thì chỉ nhận 2.000 người mỗi năm.
Hiệp ước Schengen sẽ không còn?

Trong một bài viết mới đây, tạp chí Deutsche Welle của Đức cho rằng cuộc khủng hoảng nhập cưở châu Âu có thể đem lại sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen, kéo theo sự sụp đổ của EU. Liệu điều này có thể trở thành hiện thực hay không?

Schengen là một hiệp ước ấn định về quyền tự do đi lại, ban đầu được sáu quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý ký ngày 27-11-1990 tại làng Schengen ở phía đông nam Luxembourg. Đến nay đã có 26 quốc gia gia nhập Hiệp ước Schengen gồm 22 quốc gia EU và bốn nước Đông Âu. Còn Hy Lạp và Vatican vẫn ở ngoài.

Hiệp ước Schengen quy định công dân của các quốc gia thành viên của Schengen được tự do đi lại trong khối mà không cần chiếu khán nhập cảnh (visa). Đối với công dân của các nước ngoài hiệp ước muốn vào vùng Schengen thì phải xin một visa đồng nhất gọi là visa Schengen tại sứ quán hay lãnh sự quán của nước tới đầu tiên, sau đó có thể tự do đi lại trong toàn vùng. Loại visa này thường chỉ có thời hạn tối đa là ba tháng.

Nay nếu để cho những người Hồi giáo từ vùng Trung Đông đến định cư thì đương nhiên họ sẽ hưởng quy chế hiệp ước Schengen, hậu quả là nền an ninh của châu Âu có thể bị đe dọa.

Vì thế, một số quốc gia bắt đầu thiết lập các chốt kiểm soát. Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo… hiện đã tạm thời ngừng áp dụng Hiệp ước Schengen. Việc đóng cửa biên giới trong nội bộ EU này sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế tiêu cực.

Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, hôm 20-1 vừa qua đã phát biểu trong phiên họp của Nghị viện châu Âu: “Nếu như chúng tôi đóng cửa biên giới, nếu như thị trường nội địa bắt đầu chịu những tác động tiêu cực thì sẽ có một ngày nào đó chúng tôi phải nghi ngờ rằng liệu châu Âu có thực sự cần đến một đồng tiền chung hay không”.

Schengen đổ vỡ còn tạo ra tình trạng gia tăng thất nghiệp và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên EU.

Tổ chức “Bertelsmann Foundation” ước tính nếu Hiệp ước Schengen đổ vỡ EU sẽ thiệt hại lên đến 1.400 tỉ euro trong 10 năm tới.

EU thấm đòn

Trong 28 quốc gia thuộc EU, Đức có dân số lớn nhất (82 triệu người) với tổng sản lượng quốc nội (GDP) hơn 2.271 tỉ euro, là nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đức cũng là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu, hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, Đức và Pháp thường đóng vai trò lãnh đạo EU về cả kinh tế lẫn chính trị, đối nội cũng như đối ngoại.

Thông thường, Đức có vẻ không quan tâm đến làn sóng di dân vì dân số ngày càng suy giảm và đang cần những người nhập cư. Nhưng nay thì tình hình hoàn toàn khác vì dòng người nhập cư không chỉ đe dọa an ninh mà còn làm hao tổn ngân sách cho vấn đề tỵ nạn và người lao động mất việc làm, thậm chí đe dọa cả sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Angela Merkel.

Quả thật làn sóng di dân Hồi giáo đang giáng vào EU một đòn chí tử. Vì tầm quan trọng của EU đối với sự tồn vong của nhiều thành viên trong liên minh nên các nước có tiềm lực kinh tế trong EU, nhất là Đức và Pháp, đang áp dụng mọi biện pháp để cứu vãn EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nhận định: “Nếu không có Liên minh châu Âu chúng ta sẽ phải lo lắng lắm, liệu chúng ta có thể tồn tại trước những nước mạnh như Mỹ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu? Nước Đức và mọi nước châu Âu khác dù cho có mạnh mấy đi nữa thì cũng đều quá nhỏ bé. Chỉ có thông qua việc Liên hiệp, Âu châu chúng ta mới mạnh hơn”. 

>2015 - năm buồn di dân

>Cuộc “di dân” khổng lồ ở Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn sóng di dân Hồi giáo: Tại sao là nước Đức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO