Kinh tế Trung Quốc sụt giảm: Hiệu ứng domino

THỤY KHA| 28/01/2016 09:32

Đà khựng lại của nền kinh tế Trung Quốc (TQ) xảy ra đúng vào lúc tình trạng của các nền kinh tế đang phát triển bị xấu đi đáng kể.

Kinh tế Trung Quốc sụt giảm: Hiệu ứng domino

Đà khựng lại của nền kinh tế Trung Quốc (TQ) xảy ra đúng vào lúc tình trạng của các nền kinh tế đang phát triển bị xấu đi đáng kể.

Đọc E-paper

Thị trường chứng khoán thế giới đã giảm 7,1% ngay những ngày đầu năm 2016 - một sự khởi đầu tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Phần lớn của cú sốc này đến từ TQ. Bởi vì, trong hơn một thập kỷ qua, TQ đã trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của đầu tàu này hiện đang chậm nhất trong 25 năm qua. Các nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh không đủ khôn ngoan để dịch chuyển từ mô hình quản lý kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Thế giới còn lo ngại các khoản nợ và lao động bất ổn bên trong TQ.

Thực tế, nền kinh tế của TQ không phải trên bờ vực của sự sụp đổ. Chính phủ công bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế gần 7%. Tuy nhiên, kinh tế TQ "không bình thường" khi bị bó buộc giữa thị trường tự do và sự kiểm soát của nhà nước. Đồng nhân dân tệ là ví dụ điển hình của mâu thuẫn này.

Sau một loạt thay đổi nhỏ theo hướng tự do hóa, TQ có một đồng nhân dân tệ bán cố định và chính sách kiểm soát vốn bán linh hoạt. Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC) đã cố gắng bỏ việc neo đồng tệ với đồng USD kể từ tháng 8/2015. Nhưng nới lỏng dần dần kiểm soát vốn có nghĩa là người dân tiết kiệm có nhiều cách để rút tiền ra khỏi ngân hàng. Trong 6 tháng cuối năm 2015, khoảng 1 ngàn tỷ USD đã rời TQ.

>>Kinh tế Trung Quốc đang "méo mó" hơn thời kỳ Đại nhảy vọt 

Rủi ro tiền tệ xảy ra ngay cả đối với một quốc gia có dự trữ ngoại hối của hơn 3 ngàn tỷ USD như TQ. Trong khi một đồng tiền yếu nhanh chóng cũng là mối đe dọa cho các công ty của TQ, khi đang gánh khoản nợ 10 ngàn tỷ USD trong 8 năm qua. Bắc Kinh tìm mọi biện pháp để duy trì sức tăng trưởng song nền kinh tế thứ hai thế giới lại tỏ ra có ít dấu hiệu phục hồi sau năm 2015. Thứ nhất, tháng 12/2015 là tháng thứ 10 liên tiếp ghi nhận chỉ số hoạt động của các nhà máy giảm mạnh.

Vì vậy, để bảo vệ xuất khẩu, TQ đã phá giá đồng nhân dân tệ. Vào tháng 11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định mức tăng trưởng 6,5% để TQ có thể trở thành một nền kinh tế giàu có từ nay tới năm 2020. Lần đầu tiên từ năm 2009, mức tăng trưởng của TQ thấp hơn ngưỡng 7% (đạt 6,9% vào quý III năm 2015). Thứ hai, Bắc Kinh cũng lo ngại tới hậu quả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi xuất. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển vốn về nước và chi phí tăng cao đối với các doanh nghiệp TQ vay vốn bằng đồng USD.

Bắc Kinh không tỏ ra ngần ngại "mượn lại" khái niệm "chính sách trọng cung" (supply-side economics) có nguồn gốc từ chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan từ cách đây 35 năm. PBOC đã ép các thị trường nước ngoài còn non trẻ ở Hồng Kông mua nhân dân tệ, khiến lãi suất qua đêm tăng vọt ngày 12/1 ở mức 67%.

Tương tự như vậy, Bắc Kinh chỉ thị cho các quỹ nhà nước mua vào và nắm giữ cổ phiếu. Tuy nhiên, biện pháp này không giải quyết được căng thẳng. Một mặt, việc thiếu các lựa chọn tài chính cho người gửi tiết kiệm là lãng phí và để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế. Mặt khác, chúng tạo ra những "biến chứng" do tự do hóa kinh tế tạo ra.

TQ cần hơn 5 ngàn tỷ USD để cứu nền kinh tế, nhưng chưa chắc biện pháp đó đã đem lại kết quả. Bởi tới nay TQ đã sử dụng nhiều biện pháp tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, có điều các biện pháp đó kém hiệu quả khi kinh tế TQ đang bị quá tải, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh đó, để vực dậy kinh tế, các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh chỉ còn một giải pháp duy nhất là thao túng tỷ giá của đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, theo AFP, đồng tiền của TQ sẽ còn được phá giá thêm nữa trong năm nay.

Tình trạng lộn xộn ở TQ sẽ lan rộng khắp châu Á và sang các nước giàu. Trả lời AFP, bà Christine Rifflart, tác giả một nghiên cứu mới đây của OFCE mang tựa đề "Các nước mới nổi: Ngày tàn của một ảo tưởng to lớn": Các quốc gia sản xuất nguyên liệu đã bắt đầu phải trả giá đắt"cho tình trạng giá hàng trên thế giới sụt giảm vì nhu cầu của TQ hạ thấp. Đối với chuyên gia này, hệ quả của kinh tế TQ xấu đi cũng rất đáng ngại: "Việc TQ tăng trưởng chậm dẫn đến suy thoái rõ rệt tại các quốc gia chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô”.

Ông Jean-Michel Six, Trưởng nhóm Nghiên cứu kinh tế phụ trách châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Standard and Poor, cũng lo ngại "bản thân việc TQ tăng trưởng chậm lại không đáng lo bằng tình hình các nước mới nổi khác, và nhất là các quốc gia sản xuất nguyên liệu". Các quốc gia này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tài trợ để thúc đẩy tăng trưởng trở lại, đặc biệt là khi Hoa Kỳ đã bắt đầu xiết chặt chính sách tiền tệ.Đối với chuyên gia kinh tế của tổ chức OFCE, tình hình khá bi quan: "Đà khựng lại của nền kinh tế TQ xảy ra đúng vào lúc mà tình trạng kinh tế của các nước đang đang phát triển đã bị xấu đi đáng kể”.

>>Kinh tế toàn cầu nhận “cú đấm” mang tên CNY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc sụt giảm: Hiệu ứng domino
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO