Kinh tế thế giới: Chưa dừng các biện pháp kích cầu

THỤY KHA| 02/10/2009 07:23

Nhiều nước trên thế giới đã tung ra hàng ngàn tỷ USD để giảm bớt tình hình kinh tế trì trệ, dẫn đến hậu quả là thâm hụt ngân sách.

Kinh tế thế giới: Chưa dừng các biện pháp kích cầu

Nhiều nước trên thế giới đã tung ra hàng ngàn tỷ USD để giảm bớt tình hình kinh tế trì trệ, dẫn đến hậu quả là thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, còn quá sớm để dừng các biện pháp kích cầu trong bối cảnh sự hồi phục còn rất mong manh.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke phát biểu: “Kinh tế đang đi qua đáy khủng hoảng”, nhưng còn cẩn thận nói thêm, “Kinh tế Mỹ có thể vẫn yếu trong thời gian sắp tới”. Các nhà phân tích công bố bản báo cáo của IMF dựa trên khảo sát 88 ngân hàng trong bốn thế kỷ qua, cũng hậu thuẫn cho lời phát biểu cẩn trọng này của ông Bernanke. IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 1,4% trong năm nay và 2,5% trong năm 2010, nhưng tác động của suy giảm sẽ kéo dài sau khi sự hồi phục kỹ thuật diễn ra.

Theo phân tích của IMF, suy giảm (lần này) kết hợp với khủng hoảng ngân hàng dẫn tới giảm GDP gấp ba lần trong trung hạn so với một cuộc khủng khoảng tiền tệ thông thường. Muốn làm sạch hệ thống ngân hàng, kinh tế thế giới cần thời gian để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Trong thời gian chờ đợi hoàn thành nhiệm vụ này, rất nhiều lao động bị mất việc.

Chẳng hạn, Cục Lao động - Thống kê Mỹ cho biết, vào tháng Tám vừa rồi có hơn 758.000 người mất việc và họ đã ngừng tìm kiếm việc làm vì cho rằng không còn công việc nào khác. Lợi nhuận cũng sụp đổ trong khủng hoảng vì tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, xu hướng này khiến công ty thiếu vốn đầu tư khi khủng hoảng kết thúc. Thực tế cho thấy, nếu các công ty cắt giảm đầu tư nghiên cứu và phát triển trong suốt thời kỳ suy giảm thì tăng trưởng sẽ chậm lại sau đó.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính mới đây diễn ra tại London (5/9), bộ trưởng tài chính các nước có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới đều nhận định vẫn còn quá sớm để thu hồi các giải pháp chống khủng hoảng. Tại thời điểm đó, sự xuất hiện những thông tin đáng lo về tốc độ hồi phục chậm chạp của kinh tế thế giới cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 26 năm qua ở Mỹ đã ngăn các nhà hoạch định chính sách rút lại các kế hoạch kích thích kinh tế sau khi đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và đưa ra các kế hoạch kích thích tài khóa với tổng trị giá gần 2 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu, Chủ tịch FED Bernanke đã để ngỏ khả năng chấp nhận hồi phục chậm và thất nghiệp cao để đánh đổi lấy việc kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi lạm phát chưa đến mức đáng lo ngại, nhiều khả năng FED sẽ vẫn giữ nguyên mức lãi suất từ 0 - 0,25% như hiện nay, và Mỹ chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc chấm dứt các gói kích cầu.

Trong tuyên bố chung, mặc dù xác định kinh tế toàn cầu có vẻ như đã bình ổn sau cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm vừa qua, nhưng các nhà lãnh đạo G20 trong cuộc họp thượng đỉnh tại Pittsburgh (Mỹ) vẫn thận trọng khi cho rằng, điều quan trọng là các quốc gia không nên vội vã chấm dứt các gói kích cầu kinh tế đang theo đuổi và tương đối có hiệu quả.

Dù đa số các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khá hơn trong quý II, nhưng sự hồi phục vẫn còn mong manh. Ngưng tung thêm tiền quá sớm có thể bóp chết tình trạng hồi phục yếu ớt, nhất là số cầu về hàng xuất khẩu của châu Á vẫn còn yếu kém. Vì vậy, còn quá sớm để nói đến chuyện ngưng kích cầu, nhưng nếu hành động quá chậm cũng sẽ có những rủi ro, nhất là lạm phát. Một rủi ro khác là giá cả của các vụ đầu tư như chứng khoán và bất động sản có thể tăng nhanh chóng, tạo ra rủi ro bong bóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới: Chưa dừng các biện pháp kích cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO