Kinh tế thế giới: Cẩn trọng lạc quan

HÀ CÚC| 04/05/2010 09:40

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 21/4 cho thấy, kinh tế thế giới đang hồi phục một cách lạc quan.

Kinh tế thế giới: Cẩn trọng lạc quan

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 21/4 cho thấy, kinh tế thế giới đang hồi phục một cách lạc quan. Sau khi suy giảm 0,6% vào năm ngoái, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4,2% trong năm nay, nhanh hơn 0,3% so với mức dự báo của IMF đưa ra hồi đầu năm. Mặc dù vậy, trên vai giới lãnh đạo nhiều quốc gia vẫn còn quá nhiều gánh nặng.

Tất nhiên, lạc quan nhất vẫn là các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm cả các nền kinh tế ở Đông Âu, với mức dự báo tăng trưởng trung bình đạt 0,8%. Các nước đang phát triển tại châu Á cũng hồi phục mạnh. Hai nền kinh tế mới nổi hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ đang đóng vai trò là động lực chính cho tiến trình hồi phục của kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong năm nay và 9,9% trong năm 2011. Dự báo mà IMF dành cho Trung Quốc trong năm 2010 lần này không thay đổi so với lần trước, nhưng mức dự báo cho năm sau đã tăng thêm 0,2%. Theo nhận định của IMF, Ấn Độ và Brazil khởi sắc hơn trong năm nay, đạt tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 8,8% và 5,5%.

Mọi sự lo ngại còn lại đều đến từ những dự báo không lạc quan về kinh tế Mỹ. Theo đánh giá của IMF, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay tăng khoảng 0,4%, đạt mức 3,1%. Bên cạnh đó, không có sự thay đổi nào cho khu vực đồng euro, vốn không được đánh giá cao trong các dự báo đưa ra trước đó. Khu vực này tăng khoảng 1% trong năm nay và 1,5% trong năm 2011.

Bản báo cáo của IMF cũng đưa ra khuyến cáo các nước nên tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế cho năm 2010, tạo điều kiện cho quá trình hồi phục ổn định hơn. Tuy nhiên, tình hình nợ công đang trở nên nghiêm trọng tại châu Âu, với tỷ lệ cao nhất và tốc độ tăng trưởng chậm nhất. Tỷ lệ nợ công so với GDP tại các nước giàu hiện đang sát với mức của thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Olivier Blanchard, cảnh báo các nước phát triển nặng nợ cần thắt chặt chi tiêu công để ngăn chặn sự hình thành “bom nợ” tương tự như ở Hy Lạp hiện nay.

IMF nhận định, giảm bớt tình trạng nợ nần của thế giới là một nhiệm vụ đầy gian nan. Việc rút lui khỏi các biện pháp kích thích tăng trưởng sẽ chỉ giúp giảm chi tiêu công một khoản tương đương 1,5% GDP và các nước sẽ phải giảm chi tiêu công nhiều gấp ba lần con số này để ổn định tỷ lệ nợ công so với GDP. Định chế này cho rằng, để làm được điều đó, các nước sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp quyết liệt như tăng thuế và cắt giảm các chương trình phúc lợi. Theo ông Blanchard, các nền kinh tế mới nổi cũng cần nâng giá đồng nội tệ để hạn chế xuất khẩu, theo đó hỗ trợ cho việc giảm bớt những mất cân đối toàn cầu.

Trên khắp thế giới, thương mại và sản xuất đều hồi phục mạnh, nhưng tỷ lệ việc làm vẫn chưa đạt mức trước suy thoái tại hầu hết các nước. IMF dự báo, chỉ số tiêu dùng tại các nước đang phát triển tăng lên 1,5% trong năm nay và 1,4% trong năm sau. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa lên cao một lần nữa. Giá dầu có thể tăng 30% trong năm 2010, tăng cao hơn 7% so với dự báo đưa ra hồi đầu năm nay.

IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2010 và 6,5% trong năm 2011. Các mức dự báo tăng trưởng mà IMF dành cho Việt Nam trong năm 2010 và 2011 xấp xỉ ngang bằng với các mức 6,3% và 6,5% mà định chế này đưa ra cho nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới: Cẩn trọng lạc quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO