Khủng hoảng tài chính: Một năm qua những con số

Nguo6n VnEconomy| 12/09/2009 07:25

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi 10.000 USD tính trên mỗi người dân để chống khủng hoảng tài chính trong 1 năm qua.

Khủng hoảng tài chính: Một năm qua những con số

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi 10.000 USD tính trên mỗi người dân để chống khủng hoảng tài chính trong 1 năm qua.

Đây là một trong số những ước tính mà hãng tin BBC của Anh đưa ra nhân dịp 1 năm ngày ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, châm ngòi cho sự lan rộng và leo thang của khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, dẫn tới cuộc suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế thế giới trong vòng hơn 6 thập kỷ qua.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi 10.000 USD tính trên mỗi người dân để chống khủng hoảng tài chính trong 1 năm qua.

10,8 nghìn tỷ USD chống khủng hoảng

Các tính toán của BBC được dựa trên số liệu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp cho bộ trưởng bộ tài chính các nước G-20, cho thấy, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chi tổng số 10,8 nghìn tỷ USD cho việc chống khủng hoảng.

Trong số này, khoản chi 9,2 nghìn tỷ USD thuộc về các nước giàu và 1,6 nghìn tỷ USD thuộc về Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác.

Trong đó, Anh và Mỹ là hai quốc gia chi nhiều nhất cho công tác này. Tại Anh, số tiền chi ra để chống khủng hoảng là 2,4 nghìn tỷ USD, chiếm 94% GDP của nước này, bình quân 30.000 USD trên mỗi đầu người. Tại Mỹ, số tiền chống khủng hoảng là 3,6 nghìn tỷ USD chiếm 25% GDP, bình quân 10.000 USD/đầu người.

Còn lại, các nước giàu khác chi 3,2 nghìn tỷ USD để chống khủng hoảng.

Đương nhiên, phần lớn những khoản tiền cứu trợ trên được cung cấp dưới dạng bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng, và khi hệ thống này thoát khỏi khủng hoảng, các chính phủ có thể thu hồi phần lớn số tiền đã tung ra.

Những con số trên đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đang trải qua.

Tuy nhiên, thống kê về số tiền mà chính phủ các nước phải chi ra để chặn khủng hoảng mới chỉ là một phần của câu chuyện. Còn rất nhiều những thống kê khác cho thấy sự khốc liệt của cuộc khủng hoảng này trên các phương diện khác, đặc biệt tại các quốc gia giàu có như Anh và Mỹ, nơi có hệ thống tài chính phát triển mạnh.

Khối tài chính tư nhân lỗ 4 nghìn tỷ USD

Ước tính của BBC cho thấy, lĩnh vực tài chính tài chính tư nhân của thế giới đã chịu khoản thâm hụt tài sản lên tới 4 nghìn tỷ USD trong năm qua. Trong số này, khoảng 2/3 số thua lỗ thuộc về các ngân hàng quốc tế lớn như Citigroup của Mỹ hay RBS của Anh.

Các loại chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn chiếm 1,8 nghìn tỷ USD, tức lần gần một nửa tổng số thua lỗ này. Tuy nhiên, khủng hoảng đã gây thiệt hại trên diện rộng cho nhiều loại tài sản khác của ngành ngân hàng, như các khoản vay địa ốc thương mại hay các khoản vay doanh nghiệp.

Mức lỗ 4 nghìn tỷ USD này đã xóa sạch lợi nhuận 10 năm của ngành ngân hàng thế giới, đồng thời khiến các ngân hàng gặp vô số khó khăn trong việc tăng vốn trở lại để đảm bảo an toàn cho hoạt động và nối lại việc cho vay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ phải mất hàng năm trời, thậm chí là hàng thập kỷ, để hoạt động cho vay của ngành ngân hàng thế giới nói chung trở lại mức trước khi khủng hoảng xảy ra. Cùng với sự sa sút nghiêm trọng niềm tin trên thị trường tài chính, việc các dòng vốn tín dụng suy giảm chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sụt giảm.

Kinh tế thế giới co rút

GDP của thế giới được dự báo sẽ sụt giảm 2,3% trong năm nay, tương đương mức giảm gần 1 nghìn tỷ USD. Cùng với sự sụt giảm sản lượng kinh tế này là sự gia tăng của số lượng người thất nghiệp.

Nếu tính tới việc kinh tế toàn cầu thường tăng trưởng 2% mỗi năm, thì mức hao hụt sản lượng do suy thoái lần này phải lên tới gần 2 nghìn tỷ USD.

Tất nhiên, trong những năm tới, phần sản lượng mất mát này sẽ được bù đắp lại khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Tuy vậy, để đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng, chính phủ các nước đã phải vay mượn những số tiền khổng lồ để chi cho các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong vòng 5 năm tới, nợ chính phủ của Anh được dự báo sẽ tăng từ mức 600 tỷ Bảng hiện nay lên mức 1,4 nghìn tỷ Bảng. Cùng thời gian, nợ chính phủ Mỹ có thể tăng gấp đôi lên mức 10 nghìn tỷ USD.

Những khoản nợ này sẽ phải được thanh toán bằng tiền thuế của dân trong tương lai, đồng thời những khoản ngân sách mà chính phủ các nước dành cho các dịch vụ công như chăm sóc y tế và giáo dục vì thế cũng giảm xuống. Ước tính, tiền lãi của các khoản nợ chính phủ Anh vào năm 2014 có thể nhiều hơn tổng ngân sách giáo dục của nước này.

Người dân thế giới nghèo đi

Với sự sụt giảm giá trị tài sản do khủng hoảng và suy thoái, người dân khắp nơi trên thấy mình nghèo đi. Không chỉ giá trị ngôi nhà của họ giảm xuống, mà giá trị của các tài sản tài chính như cổ phiếu cũng suy giảm trong 12 tháng qua.

BBC ước tính, giá trị tài sản ròng của các cá nhân ở nước này đã giảm 815 tỷ Bảng trong năm 2008. Trong đó, giá trị tài sản bất động sản giảm 15%, còn giá trị các tài sản tài chính giảm 9%.

Tại Mỹ, báo cáo do Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ công bố ngày 10/9 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở nước này trong năm 2008 đã tăng lên mức 13,2%, cao nhất kể từ năm 1997. Theo báo cáo, trong năm ngoái, có 39,8 triệu người Mỹ sống dưới chuẩn nghèo của nước này là 22.025 USD/năm đối với một hộ gia đình 4 người. Số người nghèo này đã tăng 3,9% so với năm 2007.

Khủng hoảng làm những người giàu có thiệt hại nhiều hơn về mặt tài sản, nhưng cũng làm cho những người nghèo mất đi cơ hội tìm việc làm. Nhận thấy mình nghèo đi, người dân các nước chi tiêu ít hơn, khiến tăng trưởng kinh tế chịu thêm tác động bất lợi.

Số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 8/9 cho thấy, tổng mức dư nợ tín dụng tiêu dùng tại nước này trong tháng 7 đã sụt giảm một khoản kỷ lục 21,6 tỷ USD so với tháng 6.

Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy, chi tiêu dùng tại Mỹ sẽ khó đủ sức để vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới này khỏi suy thoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khủng hoảng tài chính: Một năm qua những con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO