Khi phụ nữ nắm quyền

09/04/2010 08:32

Tại làng Neemkheda hay làng Soda ở Ấn Độ, quyền hành không dành cho đàn ông. Một bà chủ tịch hội đồng làng cùng các thành viên đều là nữ, lại thất học.

Khi phụ nữ nắm quyền

Tại làng Neemkheda hay làng Soda ở Ấn Độ, quyền hành không dành cho đàn ông. Một bà chủ tịch hội đồng làng cùng các thành viên đều là nữ, lại thất học. Một cô trưởng làng trẻ trung, hiện đại. Họ đã làm được nhiều “chuyện động trời” cho người dân.

Hội đồng làng với bà Ashubi Khan đứng giữa - Ảnh: Mathrubhumi.org

Trụ sở hội đồng làng Neemkheda ở bang Haryana, Ấn Độ nằm ở giữa làng với vườn rau, vịt và chó được thả rông trong vườn. Một hình ảnh thanh bình tiêu biểu cho cuộc sống nông thôn. Lạ là trên tường lại được trang trí bằng bốn khẩu súng, tám băng đạn và một bộ da nai.

Hội đồng làng mặc váy

Bà Ashubi Khan - 47 tuổi, chủ tịch hội đồng làng - cùng chín thành viên đang lần lượt đến trụ sở. Họ siết tay nhau, cười nói ồn ào như những cô gái. Ashubi cầm ngược tấm danh thiếp khi chúng tôi đưa cho bà để tự giới thiệu. Ngay cả viên cảnh sát chúng tôi gặp trên đường cũng tỏ vẻ hoài nghi: “Một hội đồng làng toàn phụ nữ ư? Không thể có ở đây”. Bà Sakina, 60 tuổi, nhận ra sự bối rối của chúng tôi, cười nói: “Chúng tôi đều thất học cả. Chúng tôi ghi nhớ mọi công tác của hội đồng trong đầu, còn con cái chúng tôi đọc và viết thay khi cần”.

Theo tu chính án 73 của hiến pháp Ấn Độ được biểu quyết năm 1992, mọi bang phải dành cho phụ nữ một phần ba số ghế trong các hội đồng. Năm 2005, bà Ashubi, thành viên của gia đình đông nhất làng, được bầu làm chủ tịch hội đồng làng. Thế nhưng cuộc cách mạng thật sự trong xã hội truyền thống nông thôn này lại là ở những gì đã diễn ra trong ngày bầu cử.

Bà kể lại: “Người ta yêu cầu tôi chọn các thành viên hội đồng, tôi bảo tôi chỉ có thể làm việc với phụ nữ mà thôi”. Cánh đàn ông phản đối, nhưng Ashubi đã dùng ảnh hưởng của mình để có được sự ủng hộ cần thiết. Mỗi thôn đều đã bầu được một phụ nữ. Vì thế một hội đồng làng toàn nữ được hình thành.

Ngoài chuyện thất học, bản thân họ là nữ cũng được cánh đàn ông trong làng đưa ra làm đề tài đàm tiếu để chống lại Ashubi. Bà Salma, 56 tuổi, nói: “Họ cười nhạo, cho rằng chúng tôi chỉ giỏi múa nhảy trong góc bếp nhà mình thôi. Họ còn nói các bà sao không ra đồng, đi kiếm nước, kiếm củi mà lại lò mò vào trụ sở này làm gì”.

Mọi thành viên hội đồng đều trên 40 tuổi. Bà Mohammeddi, 54 tuổi, nói: “Khi trở thành thành viên hội đồng, người ta học hỏi được nhiều điều. Trước đây tôi chẳng hề biết các thành viên hội đồng phải can thiệp vào các việc lặt vặt như chuyện nước uống chẳng hạn”. Thành quả lớn nhất của các bà hội đồng là dự án đưa nước từ kênh Ujina về làng. Con kênh này vốn nối New Delhi với bang Rajasthan.

Ở làng này quanh năm thiếu nước cho sinh hoạt và trồng trọt bởi chỉ biết trông nhờ vào nước mưa. Thế mà các bà hội đồng đã thuyết phục được cục thủy lợi mở các van nước. Họ hi vọng sớm thấy nước sinh hoạt được đưa về làng. Đây cũng là một cuộc đổi đời cho bà Asini, 79 tuổi, vì trong 50 năm qua bà đã chứng kiến biết bao lần phụ nữ của làng này cứ hai lần mỗi ngày lầm lũi đi lấy nước ở một cái ao cách làng 2km. Các bà hội đồng cũng tỏ rõ họ được bầu ra không phải để làm kiểng mà có quyền thật sự khi đòi được việc xây trường cho các trẻ gái.

Sau khi trường được khai giảng, số học sinh đã tăng từ 97 lên 800 em. Trong số các thành quả khác của hội đồng còn có thể kể ra một trung tâm chăm sóc y tế ban đầu, một con đường tráng nhựa, các cửa hàng được nhà nước trợ giá bán các mặt hàng với giá rất thấp và việc xây dựng 72 nhà vệ sinh. Đó là chưa nói đến chương trình xóa nạn mù chữ cho người trưởng thành. Đây cũng là một “chuyện động trời” như bà chủ tịch Ashubi hồ hởi dự đoán: “Năm sau khi các bạn tới đây, chúng tôi sẽ đọc được tất cả những gì các bạn viết về chúng tôi”.

Cô trưởng làng mặc quần jeans

Phụ nữ  làng Neemkheda ở bang Haryana

Dọc con đường dài 60km từ Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan (Ấn Độ) đến làng Soda với 5.000 dân, cây cối mọc thưa thớt do đất đai cằn cỗi của vùng bán sa mạc. Phụ nữ cố kiếm chút nước từ các giếng bơm đặt xa trong các thôn. Họ mặc sari sặc sỡ, theo truyền thống bang Rajasthan: váy dài và rộng, choàng thêm tấm vải mỏng che đầu và thả dài xuống người.

Chhavi Rajawat - 30 tuổi, trưởng làng - lại là một phụ nữ trẻ trung, hiện đại. Cô mặc quần jeans, áo thun. Cô không dùng khăn che đầu, mang kính mát và dùng kem chống nắng. Nhưng điều đó đã không ngăn cô được bầu làm trưởng làng vào tháng 2 vừa qua. Đúng là giờ đây cô đã làm chính trị, một “cấm địa” từ lâu vẫn tồn tại nạn kỳ thị phụ nữ dù rằng kể từ năm 1993, 33% ghế trong hội đồng làng được dành cho nữ giới.

Năm nay, Chhavi cạnh tranh chức trưởng làng với vợ của một trưởng làng mới hết nhiệm kỳ. Chuyện này không tình cờ chút nào. Ông trưởng làng thôi chức lại đề cử vợ mình, để ông vẫn đứng lấp ló đằng sau tiếp tục lèo lái mọi công việc của làng từ hậu trường.

Chhavi nói: “Chính sách hạn ngạch trong các hội đồng làng cho phép phụ nữ tự khẳng định mình và tự tin hơn”. Cô nói thêm: “Ở làng quê, phụ nữ làm quần quật suốt ngày, trong nhà, trên cánh đồng; họ đào giếng, làm việc gấp ba lần so với đàn ông, thế nhưng vẫn là người phục tùng hoàn toàn”.

Chhavi với đôi mắt lớn, khuôn mặt trái xoan và nụ cười tươi trên môi trông như một diễn viên điện ảnh Bollywood. Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng quản trị kinh doanh, cô từ bỏ công việc tiếp thị để cống hiến cho sự phát triển làng Soda của mình. Cô đưa ra nhiều dự án và để thực hiện các dự án ấy, cô đến gõ cửa các cơ quan chính quyền và các tổ chức phi chính phủ chuyên về phát triển nông thôn.

Cô nói: “Ưu tiên của tôi là nước uống cho cả làng. Hiện nay nước ở làng chứa flour và clor, dân làng đã uống nước nhiễm độc này. Vì lớp nước giếng rất sâu và lớp đất quá khô cứng nên các ống nước bơm chứa đầy đất và không thể sửa chữa được”. Cô cho biết cũng cần thêm nước tưới tiêu cho ruộng đồng, vì tại Soda hầu hết nguồn thu nhập đến từ nông nghiệp: ít rau nhưng nhiều cây thìa là và hạt mù tạt...

Cô cũng muốn phát triển giáo dục, mở các giờ học nông nghiệp ở trường và cả tin học nữa. Là người có học và sống tự do, cô biết cần phải tranh đấu nhiều mới có thể đem lại được nhiều lợi ích cho người dân của làng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi phụ nữ nắm quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO