Khi đồng đô la yếu

LÊ PHAN| 10/01/2018 02:00

Dù chính sách tiền tệ được thắt chặt nhưng tác động lên nền kinh tế phần nào đã được bù trừ bởi chính sách tài khóa lại được mở rộng thông qua việc giảm thuế và tăng đầu tư công. Do đó, đã không hỗ trợ gì nhiều cho đồng USD, nhất là khi nước Mỹ đang muốn đồng USD yếu hơn.

Khi đồng đô la yếu

Nước Mỹ đang muốn đồng USD yếu hơn. Ảnh: WBAL-TV.

Diễn biến tiêu cực của đồng USD

Chỉ số USD Index dùng để đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các loại ngoại tệ chủ chốt khác đã giảm đến 10,7% trong cả năm 2017. Cụ thể chỉ số này mở cửa đầu năm tại 102,81 điểm và duy trì đà giảm suốt kể từ đó, kết quả đóng cửa cuối năm chỉ còn 91,83 điểm.

So với đồng EUR, đồng USD đã giảm giá đến 14,3% dù nền kinh tế EU vẫn còn nhiều khó khăn và khủng hoảng nợ công, trong khi xu hướng ly khai tiếp tục mạnh lên tại lục địa này. So với đồng bảng, USD cũng mất giá gần 10% khi nước Anh đối mặt với khủng hoảng Brexit kể từ tháng 6/2016 cho đến nay. USD cũng mất giá gần 9% so với đô la Úc, 6,5% so với đô la Canada, 4,4% so với franc Thụy Sĩ và 4% so với yên Nhật.

Đáng chú ý là dù FED liên tiếp thắt chặt tiền tệ nhưng dường như đã không hỗ trợ gì nhiều cho đồng USD. Trong năm 2017, FED đã có thêm ba lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD, sau hai lần tăng vào cuối năm 2015 và 2016. Đồng thời FED cũng đã bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán kể từ tháng 10 cho đến nay.

Đâu là nguyên nhân?

Cuối tháng 12/2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cắt giảm thuế. Chính sách này nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại nước Mỹ, đúng như những cam kết trong giai đoạn tranh cử của ông Donald Trump. Tổng thống Mỹ gần đây đã đề xuất chi 18 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico và hàng loạt dự án đầu tư công khác cũng được kỳ vọng sẽ sớm thực hiện trong thời gian tới.

Link bài viết

Trong khi đó, về thương mại, chính phủ của ông Trump luôn muốn thu hẹp tình trạng nhập siêu đã duy trì trong nhiều thập kỷ qua. Ông Trump đã có lần bày tỏ mong muốn duy trì đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu. Hiện tại, Mỹ đang thâm hụt thương mại nặng nề với nhiều quốc gia, trong đó thâm hụt với Trung Quốc là đáng kể.

Số liệu gần đây cho thấy trong 10 tháng của năm 2017, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã tăng lên 309 tỷ USD so với 289 tỷ USD trước đó một năm. Do đó, ông Trump đã nhiều lần phê phán Trung Quốc cố tình duy trì đồng CNY yếu để hỗ trợ thương mại và không loại trừ Mỹ sẽ sớm có biện pháp trả đũa.

Chính sách đồng USD mạnh đã kéo dài từ thời Tổng thống Clinton đến Bush và Obama. Trong khi đó, người mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch FED gần đây là ông Jerome Powell được dự đoán sẽ có những thay đổi về chính sách tiền tệ theo như mong muốn của Tổng thống Donald Trump. Như đã nói, ông Trump có quan điểm duy trì đồng USD yếu để giảm thâm hụt thương mại với nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

Lợi ích đồng USD yếu

Đồng USD yếu không những có thể làm xuất khẩu gia tăng, hỗ trợ cho hàng hóa của các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, mà còn giúp đẩy lạm phát trong nước tăng, khi mà lạm phát của Mỹ thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu. Đồng USD yếu có tác dụng thúc đẩy tiêu dùng ở Mỹ, vì giá xăng dầu sẽ tác động đến tăng giá các mặt hàng khác do chi phí sản xuất và vận tải tăng.

Đồng USD yếu còn giúp các loại hàng hóa chủ chốt như vàng và dầu thô tăng giá, khi đó sẽ hỗ trợ đối với các công ty dầu đá phiến Mỹ và giúp lợi nhuận của các công ty dầu Mỹ tăng cao hơn. Đồng USD yếu hơn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ có thể tiếp cận vốn vay dễ hơn và nhiều hơn trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng. Đồng USD yếu hơn cũng kích thích tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Mỹ.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, đồng USD suy yếu sẽ giúp ngân hàng trung ương các nước này kiểm soát thị trường ngoại hối tốt hơn và hạn chế áp lực phải phá giá đồng nội tệ. Như trường hợp của Trung Quốc, dòng vốn đầu tư rút khỏi nước này khi FED tăng lãi suất khiến CNY chịu áp lực giảm giá rất lớn, tuy nhiên điều này phần nào đã bị hạn chế khi đồng USD suy yếu trở lại trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi đồng đô la yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO