Iran sẽ ra sao khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận?

LAM HỒNG| 30/07/2015 09:07

Nắm giữ 10% trữ lượng dầu lửa được phát hiện của thế giới nhưng GDP bình quân đầu người của Iran chỉ nhỉnh hơn quốc gia điêu đứng vì chiến tranh Iraq, thay vì ngang tầm với các nước nhiều dầu lửa khác như Saudi Arabia hay Kuwait. Iran có thay đổi được số phận sau khi lệnh cấm vận được quốc tế dỡ bỏ?

Iran sẽ ra sao khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận?

Nắm giữ 10% trữ lượng dầu lửa được phát hiện của thế giới nhưng GDP bình quân đầu người của Iran chỉ nhỉnh hơn quốc gia điêu đứng vì chiến tranh Iraq, thay vì ngang tầm với các nước nhiều dầu lửa khác như Saudi Arabia hay Kuwait. Iran có thay đổi được số phận sau khi lệnh cấm vận được quốc tế dỡ bỏ?

Đọc E-paper

Với toàn bộ 15 phiếu thuận, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 20/7 thông qua nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân Iran. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế năng lực hạt nhân trong dài hạn để đổi lấy việc được nới lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và LHQ.

"Xin chúc mừng, thỏa thuận được ký kết! Hãy đến dùng bữa tối với chúng tôi và được giảm giá”, các nhà hàng đã cahia vui với người dân Iran như vậy. Người dân đổ ra đường ôm hôn và ca hát suốt đêm để chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ về một tương lai tốt đẹp hơn sau chuỗi dài bị cấm vận khắc nghiệt.

Thỏa thuận này được đánh giá mở ra chương đặc biệt trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Iran và các nước phương Tây sau khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách trừng phạt Iran từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Năm 2006, đến lượt LHQ và EU phong tỏa kinh tế Iran. Các biện pháp trừng phạt của quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chung của nền kinh tế Iran. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran từ năm 2006 đến 2014 đã gây thiệt hại 15 đến 20% GDP của nước này.

Cũng do bị quốc tế cấm vận, đồng tiền của Iran từ năm 2011 đã bị mất giá đến gần 80%, tỷ lệ lạm phát trong năm 2013 và 2014 tăng từ 35 đến 50%, khiến đời sống của người dân xứ này thêm chật vật. Từ đầu năm tới nay, dầu hỏa mất giá đến 50% khiến kinh tế nước này ngày càng khó khăn vì dầu hỏa chiếm đến 60% thu nhập của Iran.

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, nhiều tập đoàn Âu-Mỹ đã sẵn sàng đầu tư vào thị trường với hơn 80 triệu dân này. Hai nhà sản xuất ô tô của Pháp là Renault và Peugeot đã có những thỏa thuận riêng với Chính phủ Iran. Cả hai đang kiểm soát đến gần 40 % thị trường với 1,6 triệu xe của Iran. Tập đoàn dầu khí Total của Pháp, Eni của Ý, Shell của Hà Lan vẫn có văn phòng đại diện ở Teheran, đã nối lại liên lạc bên lề cuộc họp thường niên của khối OPEC tại Vienna- Áo.

Chỉ trong hai tuần qua, các cơ quan quản lý Iran đã phê duyệt các dự án đầu tư có giá trị 2 tỷ USD của các doanh nghiệp châu Âu. Không muốn chậm chân hơn, các tập đoàn dầu khí của Mỹ từ Chevron đến Conoco Philips cũng bắt đầu có những thương thuyết đầu tiên cho sự hiện diện của họ tại Iran.

iran doanhnhansaigon

Hiện nay đang có hơn 150 tỷ USD của Iran bị phong tỏa tại nhiều ngân hàng trên thế giới. Một khi lệnh cấm vận được xóa bỏ, thì khối tiền khổng lồ này sẽ được đưa về Iran. Tuy nhiên, Iran kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu dầu khí, hội nhập trở lại vào hệ thống tài chính thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài. Iran hiện có nguồn dự trữ dầu hỏa lớn thứ 4 trên thế giới, là quốc gia có trọng lượng xuất khẩu thứ nhì trong khối OPEC sau Ả rập Xê út.

Thứ trưởng dầu mỏ của Iran Hossein Zamaninia cho hay, Tehran đã xác định gần 50 dự án dầu khí trị giá lên đến 185 tỷ USD hy vọng ký kết vào năm 2020. Với thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran, tỷ lệ tăng trưởng của quốc gia Hồi giáo này sẽ tăng thêm được ít nhất 2% trong năm đầu, và có thể đạt tới 7 hoặc 8% trong 18 tháng sau đó.

Teheran chờ đợi tổng trao đổi mậu dịch hai chiều với EU trong 3 năm nữa sẽ được nhân lên gấp 5 lần so với mức 7,6 tỷ euro hiện tại. Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ước tính, thị trường xây dựng của Iran cũng sẽ mở rộng đến 154,4 tỷ USD trong năm 2016, so với mức 88,7 tỷ USD năm 2013.

Hàn Quốc đang tăng cường bán các sản phẩm như thép, hóa dầu và máy móc khi Iran xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Hàn Quốc cũng hy vọng tăng xuất khẩu điện thoại di động, tủ lạnh và các đồ gia dụng khác đến Iran.

Một tỷ lệ rất lớn của tầng lớp trung lưu Iran hy vọng vào sự chuyển đổi chính trị và xã hội rộng lớn hơn. Những người trẻ tuổi muốn truy cập internet miễn phí, nhanh chóng. Các nhà báo và nhà văn muốn ít kiểm duyệt. Họ hy vọng sự đe dọa của chiến tranh và xung đột đã được giảm thiểu, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani sẽ nhanh chóng thực thi các quyền cơ bản của con người, cùng với những cải cách kinh tế mạnh mẽ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này khó có thể đạt được những thành tựu và sự bùng nổ về kinh tế trong tình trạng cô lập với các quốc gia trên thế giới. Theo ông, đã đến lúc thay đổi quan điểm rằng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Iran là mối đe dọa đối với quốc gia Hồi giáo này cũng như với nền độc lập của Iran.

>Vẻ đẹp Iran

>IEA: Iran khó gia tăng sản lượng dầu mỏ trong 5 năm

>Iran: Thị trường hoang sơ nhưng màu mỡ

>Iran mong muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Iran sẽ ra sao khi được dỡ bỏ lệnh cấm vận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO