Insurtech sẽ trỗi dậy ở châu Á

KIM THỦY| 01/11/2016 01:41

Hoa Kỳ, châu Âu là nơi mở đầu làn sóng insurtech (Insurance Technology) - thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm, nhưng châu Á mới là vùng đất tiềm năng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhất thế giới.

Insurtech sẽ trỗi dậy ở châu Á

Hoa Kỳ, châu Âu là nơi mở đầu làn sóng insurtech (Insurance Technology) - thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm, nhưng châu Á mới là vùng đất tiềm năng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhất thế giới.

Đọc E-paper

Cách đây hai năm, chẳng ai lo ngại về insurtech bởi những quy định nghiêm ngặt, yêu cầu vốn đầu tư cao cùng quyền sở hữu dành cho khách hàng (customer ownership) khá chặt chẽ khiến các công ty bảo hiểm truyền thống tin rằng startup không có cơ hội chen chân vào ngành công nghiệp này. Nhưng nay, insurtech đang mở ra hướng đi mới cho ngành bảo hiểm.

Rộng mở

Metromile - một startup insurtech cho phép khách hàng trả phí bảo hiểm theo số dặm xe máy, phát thông cáo báo chí hôm 21/9 về việc thâu tóm Công ty Bảo hiểm Mosaic Insurance (Hoa Kỳ) sau khi gọi vốn thành công với số tiền lên đến 191,5 triệu USD, khiến không ít công ty bảo hiểm truyền thống khác phải dè chừng.

Tại hội thảo InsurTech 2016 diễn ra ngày 27/9 ở Singapore, ông Vladislav Solodkiy - CEO của công ty đầu tư mạo hiểm Life.SredaVC cho biết, trong năm 2015, giới đầu tư đã rót 3 tỷ USD vào lĩnh vực insurtech tại Mỹ, trong đó có nhà đầu tư nổi tiếng như Warren Buffett. Đã có 47 công ty insurtech nhận được vốn tài trợ chỉ trong quý I/2016.Trong bài nhận định hôm 10/6, CNBC đã gọi các công ty insurtech là "nhóm start up nhỏ xíu đang nhăm nhe chiếm lĩnh ngành công nghiệp trị giá một nghìn tỷ USD".

Bên cạnh việc gọi hàng triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới, một số startup insurtech gần đây còn liên kết với các công ty bảo hiểm truyền thống chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Financial Times phân tích, trên thực tế, startup insurtech chỉ tập trung vào việc bán các loại hình bảo hiểm nhờ ứng dụng smartphone thông qua các hãng bán lẻ trực tuyến. Và các công ty bảo hiểm truyền thống mới là nơi trực tiếp ký tên trong hợp đồng đó.

Chính vì vậy, Metromile đã sớm bắt tay với Công ty Bảo hiểm National General Insurance, hay Simplesurance đã có một thỏa thuận với công ty bảo hiểm lớn nhất nước Đức Allianz đồng thời ký kết hợp tác với công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới Munich Re.

Châu Á là thị trường lớn nhất

Trong bài viết đăng tải hôm 11/10 trên Tạp chí Forbes, cây bút chuyên viết về insurtech và các công ty startup trong lĩnh vực bảo hiểm tại châu Á - George Kesselman nhận định, châu Á sẽ trở thành thị trường insurtech hấp dẫn nhất thế giới. Nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty InsurTechAsia này nhấn mạnh, quy mô dân số khổng lồ, sự bùng nổ dữ liệu di động cùng khó khăn trong phân phối bảo hiểm truyền thống sẽ giúp châu Á trở thành vùng đất màu mỡ cho nhiều startup insurtech.

Với sức chứa 4,4 tỷ người cùng tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu dự kiến tăng 64% cho đến năm 2030 (theo báo cáo của Viện Brookings), châu Á đang là "miếng bánh" được các tập đoàn bảo hiểm lớn lao vào tranh giành. Năm 2015, Manulife đã đầu tư 1,2 tỷ USD vào DBS Bank nhằm phân phối sản phẩm bảo hiểm thông qua chi nhánh của DBS tại Singapore, Hong Kong, Trung Quốc và Indonesia. Tương tự, Tập đoàn Bảo hiểm AIA đã chi 800 triệu USD cho Citibank khu vực châu Á, hay khoản tiền 1,25 tỷ USD mà công ty bảo hiểm Anh Prudential trả Standard Chartered để tìm kiếm khách hàng.

Tuy nhiên, rào cản mà các công ty bảo hiểm truyền thống gặp phải nằm ở mô hình phân phối.

Việc bán hàng thông qua các kênh trung gian như đại lý bảo hiểm, chi nhánh ngân hàng hoặc trung tâm tiếp thị tốn khá nhiều chi phí, chưa kể khó khăn trong việc nhanh chóng mở rộng phạm vi bán hàng, xung đột lợi ích các bên. Và startup insurtech ra đời giúp giải quyết các vấn đề trên thông qua việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm tiết giảm một số quy trình không hiệu quả và giảm bớt sự phụ thuộc vào mô hình phân phối truyền thống.

Tờ Financial Times hôm 13/10 dẫn khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC cho thấy, hơn một nửa số công ty bảo hiểm được hỏi đã tỏ ra bi quan rằng 20% thị phần sẽ rơi vào tay các start up trong vòng 5 năm tới.

Startup insurtech vốn được xem là một phiên bản của lĩnh vực fintech dành riêng cho ngành bảo hiểm. (Fintech là ngành công nghiệp gồm các công ty sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính rẻ, nhanh và hiệu quả). Dữ liệu từ Hiệp hội GSM, một tổ chức gồm 800 nhà mạng, 250 công ty chuyên cung cấp giải pháp mạng liên kết với nhau, cho thấy, trong năm 2015 đã có 62% dân số khu vực châu Á - Thái Bình Dương chọn đăng ký dịch vụ điện thoại di động và dự báo đến năm 2020, khu vực này sẽ cán mốc 600 triệu thuê bao.

Dù vậy, khả năng kết nối và giải quyết giao dịch trực tuyến mới là chìa khóa quyết định sự thành công của ứng dụng công nghệ. Theo báo cáo gần đây của Paypal và Hãng Nghiên cứu thị trường Ipsos, người tiêu dùng tại 6 nước lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Úc đã chi khoảng 597 tỷ USD cho việc mua sắm trực tuyến trong năm 2015. Ước tính con số này tại Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh, khoảng 53% và 28% mỗi năm, từ 2014 - 2017.

Kesselman tin rằng những yếu tố thuận lợi trên sẽ giúp châu Á "thống lĩnh thị trường insurtech, trở thành tâm điểm của cơn bão cách mạng bảo hiểm toàn cầu".

>Trung Quốc: Ngành bảo hiểm đang "cứu" lấy TTCK?

>Ngành bảo hiểm: Phí tăng, giá chưa chắc tăng

>27 startup fintech “kỳ lân” có giá trị nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Insurtech sẽ trỗi dậy ở châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO