Iceland - câu chuyện nhận "giải cứu" thành công

15/08/2012 00:30

Trong khi nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha phải vật vã thắt lưng buộc bụng để nhận được gói giải cứu quốc tế thì Iceland đang phục hồi mạnh mẽ và hướng đến lộ trình trăng trưởng ổn định.

Iceland - câu chuyện nhận

Trong khi nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha phải vật vã thắt lưng buộc bụng để nhận được gói giải cứu quốc tế thì Iceland (một đảo quốc nhỏ lâm vào khủng hoảng tài chính trầm trọng vào năm 2008 và đã phải chìa tay nhận giải cứu từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF), đang phục hồi mạnh mẽ và hướng đến lộ trình trăng trưởng ổn định.

Thủ đô Reykjavik của Iceland. Iceland đã từ chối giải cứu các ngân hàng đang bên bờ vực phá sản vào năm 2008 để tập trung các nguồn lực phục vụ chính sách phúc lợi, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ảnh: Bloomberg

Giám đốc phái bộ IMF tại Iceland, bà Daria V. Zakharova, ngày 13/8 nhận định Iceland đã để lại những bài học quan trọng cho các nước đang nỗ lực sống sót bằng gói giải cứu quốc tế do cách tiếp cận của đảo quốc này với gói giải cứu đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ “đáng kinh ngạc”.

Để ngân hàng phá sản, duy trì phúc lợi

Sau khi nhận gói giải cứu, Iceland vẫn cam kết tuân thủ chương trình cải cách kinh tế theo hướng đẩy những khoản thua lỗ cho các trái chủ gánh chịu thay vì người đóng thuế và duy trì hệ thống phúc lợi bảo vệ đời sống của người thất nghiệp, từ đó kéo đất nước từ chỗ sụp đổ hướng đến sự phục hồi vững chắc.

Bà Zakharova nói: “Iceland đã đạt những tiến bộ to lớn kể từ cuộc khủng hoảng. Chúng tôi đặt đất nước này vào triển vọng tăng trưởng rất tích cực, đặc biệt là trong năm nay và năm sau vì chúng tôi thấy rằng tăng trưởng đang dựa vào nền tảng rõ ràng”.

Iceland đã từ chối bảo vệ người cho vay của các ngân hàng vào năm 2008 sau khi các khoản nợ của những ngân hàng này phình to lên mức 85 tỉ đô la Mỹ, gấp 10 lần sản lượng nền kinh tế của Iceland. Kết quả ba ngân hàng lớn nhất Iceland đã phá sản.

Hành động tiếp theo của nước này là tự bảo vệ trước nguy cơ dòng chảy vốn thoát ra bằng cách hạn chế sự luân chuyển tiền tệ, cho phép chính phủ ngăn chặn sự tấn công đầu cơ (speculative attack – một thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng các nhà đầu cơ liên tục thâu tóm một số dạng tài sản như tiền tệ, vàng…).

Động thái này cho phép nhà chức trách tập trung tiền giải cứu cho các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bà Zakharova nói: “Thực tế là Iceland đã tìm cách bảo vệ hệ thống phúc lợi trong bối cảnh tài chính đang cần được củng cố, đây là một trong những thành tích lớn của chương trình chính sách và chính phủ Iceland. Chương trình được hưởng lợi từ quyết tâm thực hiện mạnh mẽ của nhà chức trách”.

Phục hồi ấn tượng

Tính đến tháng 3/2012, IMF đã thỏa thuận về chương trình giải cứu với 11 nước châu Âu, chiếm 65% tổng giá trị quỹ giải cứu và hỗ trợ tài chính của IMF.

Các chính phủ trong khu vực đồng euro (eurozone) đã phải vật lộn để tuân thủ các điều khoản về thắt chặt chi tiêu đặt ra trong các gói hỗ trợ tài chính chung của IMF và Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến việc phải chỉnh sửa lại các điều khoản và gia tăng thời hạn đạt mục tiêu tài chính ở nhiều nước, chẳng hạn như Hy Lạp.

Trong khi đó, các thị trường trái phiếu lại tỏ ra thiếu niềm tin đối với các chương trình phục hồi kinh tế, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ ở nhiều nước tăng cao thêm và gây thêm áp lực cho chỉ số tài chính ở các nước đó.

Nhiều nước eurozone hoặc các nước có tiền tệ gắn chặt giá trị vào tiền tệ nước khác như Latvia phải dựa vào việc cắt giảm lương của người lao động và dịch vụ phúc lợi để đạt mục tiêu mà các gói giải cứu đặt ra.

Tại Iceland, đồng krona giảm 80% so với euro trong năm 2008 đã giúp nước này có bước ngoặt quan trọng từ chỗ thâm hụt thương mại sang thặng dư thương mại vào cuối năm 2008.

Tỷ lệ thất nghiệp, vốn tăng gấp 9 lần trong khoảng thời gian 2007-2010, đã giảm xuống còn 4,8% trong tháng 6-2012 so với mức đỉnh 9,3% cách đây hai năm.

Bà Zakharova cho rằng mỗi nước có chương trình cải cách kinh tế khác nhau và có cách phản ứng trước mỗi tình hình khác nhau, vậy nên không thể so sánh các chương trình. Tuy nhiên, nếu xét đến mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng vào cuối năm 2008, sự phục hồi của Iceland rất ấn tượng.

IMF dự báo nền kinh tế 13 tỉ đô la Mỹ của Iceland sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay so với mức tăng trưởng trung bình -0,3% của eurozone.

Bà Zakharova nhận định tăng trưởng của Iceland được thúc đẩy bởi tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Vào đầu năm nay, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã nâng mức tín nhiệm nợ của Iceland từ BBB- lên mức có thể đầu tư BB+.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Iceland - câu chuyện nhận "giải cứu" thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO