Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Kỳ vọng thu hẹp bất đồng

KHẢ HÂN| 21/02/2019 07:00

Thế giới đang dồn mọi chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày cuối tháng 2 này.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Kỳ vọng thu hẹp bất đồng

Kỳ vọng gì cho cuộc gặp lần 2?

Đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ lần gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hôm 12/6/2018 tại Singapore, mà kết quả đạt được là cả 2 đã ký tuyên bố chung, cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, xây dựng quan hệ mới giữa hai nước và bảo đảm hòa bình lâu dài trong khu vực.

Kể từ đó đến nay, Triều Tiên đã có những hành động đầu tiên như ngừng các vụ thử tên lửa cũng như phá bỏ các khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Mỹ cũng đã tỏ ra ôn hòa hơn đối với vấn đề Triều Tiên và tích cực xây dựng mối quan hệ với nước này, trong đó 2 vị lãnh đạo luôn dành những lời có cánh cho nhau.

Dù vậy, hai bên vẫn chưa đạt được những tiến bộ rõ rệt và thỏa mãn yêu cầu lẫn nhau, khi Mỹ luôn yêu cầu Triều Tiên cần có bước đi rõ ràng hơn trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, còn Bình Nhưỡng yêu cầu Washington phải có những hành động tương xứng.

Dù chưa biết kết quả cuối cùng của câu chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triền Tiên là như thế nào, nhưng có thể nói cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh của mình trong thời gian qua, với những bước đi cầu thị trong việc xây dựng lại mối quan hệ Mỹ - Triều vốn đã bị phá hủy trong suốt thời gian dài.

Trong cuộc gặp lần này, kỳ vọng lớn nhất là 2 bên sẽ giải quyết được những bất đồng còn tồn tại và đạt được bước tiến thực chất hơn. Theo giới quan sát thì ít nhất ông Trump và ông Kim phải thống nhất được định nghĩa của phi hạt nhân hóa và hòa bình thật sự là gì. Dĩ nhiên Mỹ luôn muốn Triều Tiên không chỉ ngừng chương trình vũ khí hạt nhân mà còn phải phá bỏ các kho vũ khí hạt nhân đã phát triển được, nhưng về phần mình Triều Tiên cũng phải tìm cách giữ lại một điều gì đó để đảm bảo cho vận mệnh của mình.

Trong bài phát biểu mới nhất, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không vội vàng phi hạt nhân hóa Triều Tiên, theo đó lệnh cấm vận của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì và việc xóa bỏ sẽ phụ thuộc vào lộ trình hành động của Triều Tiên như thế nào. Về phần mình, ông Kim rõ ràng cũng không muốn xóa sổ chương trình hạt nhân của mình trong ngày 1 ngày 2, mà còn phải xem những nhượng bộ thực tế từ phía Mỹ như thế nào, những lợi ích về kinh tế mà Mỹ mang lại có đủ tương xứng để đánh đổi.

Ý nghĩa cho các bên

Dù chưa biết kết quả cuối cùng của câu chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triền Tiên là như thế nào, nhưng có thể nói cả Tổng thống Trump lẫn Chủ tịch Kim đã khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh của mình trong thời gian qua, với những bước đi cầu thị trong việc xây dựng lại mối quan hệ Mỹ - Triều vốn đã bị phá hủy trong suốt thời gian dài.

Nếu một Hiệp định phi hạt nhân hóa và hòa bình giữa 2 miền Triều Tiên sớm được thông qua, đó không chỉ là thắng lợi của cả 2 bên, mà một đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc cũng có thể xoa tay hài lòng. Về mặt cá nhân, Tổng thống Trump cũng sẽ củng cố được vai trò và vị thế của mình với hy vọng có thể tái đắc cử trong kỳ tranh cử kế tiếp, khi mà vấn đề Triều Tiên đã giải quyết được trong nhiệm kỳ của ông.

Chủ tịch Kim Jong Un có thể đi vào lịch sử với cương vị là người đầu tiên mở đường cho công cuộc xây dựng lại mối quan hệ với các nước phương Tây, cũng như mở cửa để thúc đẩy và phát triển kinh tế. Là một người du học ở nước ngoài trở về, rõ ràng ông Kim hiểu rõ những lợi ích của nền kinh tế thị trường và một chính sách ngoại giao linh hoạt và quan hệ đa phương hơn. Trong lần đầu năm nay, hình ảnh xuất hiện của ông với bộ Âu phục cũng hàm ý mong muốn mở cửa kinh tế và cải thiện quan hệ với phương Tây.

Và không phải ngẫu nhiên mà 2 bên lại quyết định chọn thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra Hội nghị lần 2 này. Về phía Triều Tiên, Việt Nam không chỉ có khoảng cách phù hợp để di chuyển, mà với tình hình chính trị và an ninh an toàn cùng với mối quan hệ lâu đời, thân cận giữa 2 nước sẽ có thể khiến ông Kim thoải mái hơn.

Trong khi đó, Mỹ chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức cũng hàm ý cho Triều Tiên thấy rằng một quốc gia có thể đạt được những thành công gì khi quyết định mở cửa nền kinh tế, thôi bị cấm vận mà vẫn duy trì được chế độ. Chẳng những vậy, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ cựu thù sang bạn bè cũng là tấm gương mà Triều Tiên có thể đi theo. Phía Việt Nam cũng có thể đạt được lợi ích từ cuộc Hội nghị này, khi không chỉ tận dụng quảng bá hình ảnh đất nước mà còn có cơ hội trở thành một biểu tượng hòa bình trong khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích thì vấn đề Triều Tiên thực chất chỉ là một lá bài trong mối quan hệ rộng lớn hơn giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Việc ông Trump sắp xếp gặp ông Kim trước khi gặp chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận các vấn đề về thương mại cũng đưa ra nhiều ẩn ý, theo đó không loại trừ khả năng nếu thỏa thuận với Triều Tiên không đạt được thành công như ý mình, ông Trump có thể gia tăng sức ép lên các cuộc đàm phán thương mại và cuộc gặp kế tiếp với ông. Ngược lại, Trung Quốc cũng có thể sử dụng lá bài tẩy Triều Tiên đề đòi hỏi những nhượng bộ nhiều hơn từ Mỹ trong Hiệp định thương mại giữa 2 nước nếu được ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Kỳ vọng thu hẹp bất đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO