![]() |
Xu hướng mua bán và sáp nhập giữa các hãng hàng không ngày càng lan rộng, định hình một bản đồ mới về hàng không thế giới.
Đọc E-paper
![]() |
>Hàng không giá vé rẻ tăng mạnh khắp châu Á |
Hai hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines và US Airways đã tuyên bố sáp nhập trở thành hãng hàng không mới với tên gọi mới là American Airlines Group Inc (AA), trở thành hãng hàng không dân dụng lớn nhất thế giới. Tháng 11/2011, American Airlines đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản và đã ký thỏa thuận sáp nhập với đối thủ cạnh tranh US Airways - hãng hàng không lớn thứ 5 của Mỹ.
Với việc American Airlines và US Airways hoàn tất kế hoạch sáp nhập, nước Mỹ sẽ có 4 hãng hàng không lớn sau sáp nhập, gồm: AA, Delta Air Lines, United Airlines và Southwest Airlines. Để được sáp nhập, hai hãng American Airlines và US Airways đã phải chấp nhận không hoạt động tại 7 sân bay chính ở Mỹ nhằm ưu tiên cho các hãng hàng không giá rẻ như AirTran Southwest và JetBlue, bảo đảm tính cạnh tranh lớn hơn đối với các chuyến bay trực tiếp hoặc quá cảnh trên khắp các sân bay của nước Mỹ.
Theo các nhà kinh tế, sau khi American Airlines và US Airways sáp nhập, 86% thị phần nội địa sẽ rơi vào tay của 4 hãng hàng không lớn của Mỹ nói trên, trong đó riêng AA có tới 1.000 đường bay.
Nhằm phục hồi vị thế của mình, hàng không Mỹ gần đây diễn ra nhiều vụ sáp nhập như Delta với Northwest và Continental với United. Sau khi sáp nhập, AA được cho là sẽ vẽ lại bản đồ hàng không thế giới, trở thành hãng hàng không dân dụng lớn nhất toàn cầu với tần suất dự kiến 6.700 chuyến bay/ngày tới 336 địa điểm của 56 quốc gia, doanh thu khoảng 40 tỷ USD/năm.
Trong 12 năm trở lại đây, hàng không thế giới đã có 7 năm thua lỗ liên tiếp, nhiều hãng hàng không sẽ sớm lâm vào tình trạng khó cứu vãn, kể cả các hãng lớn. Các hãng bay gặp khó khăn chồng chất là do giá nhiên liệu đang leo thang, chiếm tới 1/3 chi phí hoạt động so với 13% một thập kỷ trước đây.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lợi nhuận năm 2012 của ngành hàng không thế giới đạt 3 tỷ USD trên tổng doanh thu 600 tỷ USD. Tuy nhiên, số lợi nhuận đang giảm xuống mạnh do rất nhiều các hãng hàng không lớn tiếp tục bùng nổ tại thị trường các nước châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Tình hình trên buộc các hãng hàng không phương Tây phải sáp nhập để tồn tại và cạnh tranh. Willie Walsh, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hàng không Quốc tế (IAG), cho biết: "Nhiều hãng hàng không sẽ biến mất, sẽ xuất hiện ít hãng mới vì tiêu chuẩn để mở một hãng hàng không mới giờ đây sẽ cao hơn nhiều".
Cạnh tranh khốc liệt sẽ làm trầm trọng thêm những thất bại của các hãng hàng không. Cần sáp nhập thông qua việc phá sản các hãng nhỏ. Những hãng hàng không vốn nhận được cứu trợ từ chính phủ sẽ không thể dựa mãi vào nguồn đó.
Thực tế, hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập trong ngành hàng không thế giới đã diễn ra trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Lufthansa (Đức) đã mua gọn hai hãng hàng không quốc gia của Thụy Điển và Áo.
Hãng Hàng không LAN của Chile và đối tác TAM của Brasil đã hoàn tất việc sáp nhập để chính thức thành lập Hãng Hàng không LATAM lớn nhất khu vực Mỹ Latinh. Hãng Hàng không Anh British Airways và Hãng Hàng không Tây Ban Nha Iberia cũng sáp nhập, tạo thành công ty hàng không lớn thứ ba thế giới về thu nhập...