G20 kết thúc căng thẳng, rời rạc

THÁI VY| 12/07/2017 09:10

Giới quan sát cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức năm nay là màn thảo luận 19+1, tức lãnh đạo của 19 nền kinh tế còn lại quá khác biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

G20 kết thúc căng thẳng, rời rạc

Giới quan sát cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức năm nay là màn thảo luận 19+1, tức lãnh đạo của 19 nền kinh tế còn lại quá khác biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Đọc E-paper

Tính tới Chủ nhật ngày 9/7, thời điểm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu) đã kết thúc, các cuộc biểu tình tại thành phố Hamburg, nơi tổ chức sự kiện này vẫn chưa chấm dứt. Khoảng 10.000 người đã xuống đường biểu tình kêu gọi tôn trọng thỏa thuận biến đổi khí hậu, tìm giải pháp cho dân nhập cư, và phản đối việc giới lãnh đạo nói suông ở... G20.

Ông Trump "thắng"

Các buộc biểu tình nêu trên phần nào lột tả cái gọi là "hội nghị căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây" mà giới quan sát dành cho G20 năm nay. Và dĩ nhiên nó mang đậm dấu ấn từ sự phản đối dành cho ông Trump, người đã tuyên bố rút nước Mỹ khỏi các thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Báo The Guardian (Anh) hồi cuối tuần còn khẳng định Tổng thống Mỹ đã cô đơn tại G20, vì quan điểm của ông đi ngược lại với các lãnh đạo khác.

Thực tế, giới lãnh đạo châu Âu đã tận dụng cơ hội này để ra sức kêu gọi ông Trump suy nghĩ lại về thỏa thuận biến đổi khí hậu. Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông "không bao giờ từ bỏ việc thuyết phục" ông Trump, còn Thủ tướng Anh Theresa May cũng nói bà tin rằng một sự thay đổi là khả quan.

"Lạc quan là tốt, nhưng có khi điều đó cũng ngây thơ quá. Ừ thì nước Mỹ có thể quay lại với thỏa thuận Paris, nhưng vào lúc này, xét cụ thể, họ không hề cam kết", ông François Julliard của tổ chức phi chính phủ vì môi trường Greenpeace France nhận định.

Tại G20, đoàn Mỹ đã thành công trong việc đưa vào bản Tuyên bố chung một chi tiết quan trọng. Theo đó, thay vì tiến tới giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng nguồn năng lượng sạch, tuyên bố chung nói rằng nước Mỹ có thể cam kết bằng việc "sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hiệu quả và sạch sẽ”.

Ông Trump là người muốn duy trì việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ, nhằm mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nặng. Chính vì vậy, dù Thủ tướng Đức Merkel có nhắc lại rằng thỏa thuận ở Paris là "không thể đảo ngược", cuộc chiến nằm ở câu chữ cho thấy G20 đã phải nhượng bộ Mỹ.

>>Tổng thống Trump "gặp khó" tại G20

Châu Âu chao đảo

Như vậy, dẫu là tâm điểm của dư luận, Tổng thống Mỹ Trump xem như đã đạt được thắng lợi tại G20. Bên cạnh đó, một người nữa "chiến thắng" là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đài BBC ngày 9/7 mô tả kỳ họp G20 ở Hamburg vừa qua chứng kiến ông Trump và ông Putin trở thành những nhân vật nổi bật. Theo đó, việc châu Âu chia rẽ với quá nhiều vấn đề đã khiến ông Putin không còn bị cô lập như trước, mà được đối đãi một cách "nghiêm túc". Bức ảnh do cư dân mạng "chế” lại cảnh các lãnh đạo G20 hướng về nhau để thảo luận quanh chiếc ghế... của ông Putin hóa ra lại diễn tả rất tốt điều này.

G20 không chốt được biến đổi khí hậu trong tuyên bố chung, và Thổ Nhĩ Kỳ là nước phản đối do Ankara tuyên bố cần phải có thêm quyền lợi để cam kết. Sức ép từ cuộc biểu tình kêu gọi tôn trọng thỏa thuận môi trường ấy, dù bề ngoài đặt lên ông Trump, nhưng thực chất cũng là áp lực lớn cho Thủ tướng Đức Merkel - người đã tỏ ra mạnh mẽ nhất trong việc thúc giục ông Trump tái cam kết.

Phía bên kia eo biển Manche, nước Anh chìm trong nỗi lo mang tên Brexit. Thủ tướng May được cho có nhiệm vụ phải thu hút Mỹ đứng về phía mình, để chí ít đạt một thỏa thuận thương mại song phương nhằm chuẩn bị cho hậu quả của việc rời Liên minh châu Âu (EU). Cây bút kỳ cựu Piers Morgan của Daily Mail còn bình luận rằng, thật không may khi nước Anh đã "thua" vì Pháp mới là nước nhận cái gật đầu đầu tiên của ông Trump về một chuyến thăm chính thức.

Nói cách khác, mặt ngoài dù cứng rắn, bên trong các thành viên châu Âu tại G20 đều muốn thu hút mối quan tâm từ nước Mỹ. Cựu lục địa đang trong giai đoạn căng thẳng và không thể hiện được sức mạnh đoàn kết.

Đài BBC ví von rằng hãy dùng hình ảnh của đội tuyển Iceland tại Euro 2016 để mô tả châu Âu. Iceland là tập hợp của những cầu thủ bán chuyên, nhưng gây bất ngờ khi lọt tới tứ kết giải đấu này bằng sự quyết tâm và đoàn kết. Trong khi đó G20 giống như đội tuyển Anh, với nhiều cầu thủ đá ở Giải Ngoại hạng Anh, nhiều tinh hoa nhưng không bao giờ phát huy được điểm mạnh. G20, vẫn chỉ là tập hợp rời rạc của 20 nền kinh tế chứ không thể là một G20 thống nhất...

>>20 khoảnh khắc ấn tượng tại hội nghị thượng đỉnh G20

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
G20 kết thúc căng thẳng, rời rạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO