Đối thủ hay đối tác?

P.V| 14/11/2012 08:45

Thế kỷ XXI là thế kỷ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng tình hình thế giới đã khiến các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là vấn đề kinh tế.

Đối thủ hay đối tác?

Thế kỷ XXI là thế kỷ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ), nhưng tình hình thế giới đã khiến các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là vấn đề kinh tế.

Trong một thế giới hội nhập, hai cường quốc Mỹ-Trung ngày càng phụ thuộc nhau

Trên hồ sơ kinh tế, mấy thập niên qua, kinh tế TQ phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân 10%. Nền kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh kinh tế phương Tây đang khó khăn, xuất khẩu TQ giảm đi, đầu tư tuột dốc, và tăng trưởng vì thế cũng đã mất đà.

Kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, tăng trưởng hiện tại chỉ ở mức 2%, tỷ lệ thất nghiệp thì ở mức trên dưới 8%, bảo hiểm xã hội đang hạn chế. Trong đó, nợ công là vấn đề hóc búa nhất cần được chính quyền của ông Obama giải quyết ngay.

Bất chấp nhiều căng thẳng giữa Mỹ và TQ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến quân sự, thì mối lo hiện nay nếu có từ phía Bắc Kinh chính là an ninh chứ không phải là kinh tế hay mậu dịch.

Ngay cả các nhà quan sát bi quan nhất cũng đều khẳng định "khả năng nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gần như có thể loại trừ" bởi vì hai nền kinh tế này ngày càng phụ thuộc vào nhau. Sự đổ vỡ của một phía đều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho phía kia.

Trong kỳ vận động tranh cử, ông Obama đã gọi TQ là "địch thủ” (advesary), ít ra là về kinh tế, nhưng cũng coi nước này là đối tác tiềm năng trong quan hệ quốc tế.

Vì vậy, bất chấp những quan điểm cứng rắn với TQ trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Barack Obama dường như sẽ không đơn phương áp đặt những loại thuế trả đũa đối với các mặt hàng nhập khẩu từ TQ, vì điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ và đẩy lùi các quan hệ Mỹ - Trung nhiều thập kỷ.

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thặng dư thương mại của TQ với Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2011 là 272,3 tỷ USD. Con số này đã tăng 7,9% so với mức 252,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2010.

Điều này có thực sự là một xu hướng lâu dài hay không thì vẫn còn là chủ đề cần bàn cãi, nhưng có một điều có thể chắc chắn là nền kinh tế TQ đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Bản thân TQ cũng đang trong một thời điểm chính trị quan trọng khi chuyển tiếp sang một ban lãnh đạo mới. TQ cần theo đuổi chính sách ổn định lâu dài để hỗ trợ cho chiến lược phát triển kinh tế, ổn định các bất ổn xã hội đang ngày càng lan rộng, đe dọa đến sự tồn tại của chế độ.

Với một nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, TQ ngày càng có nhiều lợi ích khi nền kinh tế Mỹ ổn định bởi Mỹ hiện là một trong những khách hàng lớn nhất của nước này.

Trong giả thuyết về một chiến tranh thương mại với Mỹ, TQ có thể bán lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá hàng ngàn tỷ USD mà Bắc Kinh đang giữ. Tuy vậy, thực tế, việc đó sẽ có hại cho chính TQ bởi đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ giúp giá đồng nhân dân tệ thấp hơn so với đồng USD, khiến giá hàng hóa xuất khẩu "Made in China" cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, TQ đang nắm nhiều trái phiếu của Mỹ và đang giúp Mỹ giải quyết khoản thâm hụt ngân sách liên bang khổng lồ. Mỹ cũng đang là đối tác thương mại lớn của TQ.

Chính vì thế, dù đôi khi Mỹ công kích chính sách tiền tệ hay thương mại của TQ nhưng chưa bao giờ đi đến giới hạn cuối cùng của một cuộc chiến thương mại. Đó là cách mà cuộc chơi diễn ra. Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ duy trì tình trạng hiện nay trong quan hệ với TQ, có lẽ là giữ lập trường cứng rắn hơn nhằm trung hòa sức ép trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối thủ hay đối tác?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO