Dịch vụ hốt bạc thời dịch cúm

Tổng hợp| 27/07/2009 09:12

Giữa lúc dịch cúm A/H1N1 bùng phát và đe dọa toàn cầu, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, nhưng bên cạnh đó không ít những DN lại hái ra tiền nhờ dịch cúm này...

Dịch vụ hốt bạc thời dịch cúm

Trước nguy cơ của dịch cúm A/H1N1 đang tràn lan trên toàn thế giới, Tổ chức y tế thế giới WHO đã nâng mức báo động lên cấp năm - chỉ còn một cấp là lên mức đại dịch - Tổng giám đốc WHO gần như yêu cầu các nhà sản xuất vacxin hãy xoay qua chủng H1N1.

Trước mắt, con số dự báo 300 triệu liều vacxin cúm!

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa tuyên bố cúm A/H1N1 đã lan rộng ra hầu khắp các nước trên thế giới và trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 2 tỉ người, tương đương với 1/3 dân số thế giới, bị nhiễm loại virus này.

Mặc dù dịch cúm A/H1N1 mới chỉ bùng phát trong vòng 4 tháng qua nhưng virus cúm chết người này đã xuất hiện tại 160 trong tổng số 193 nước thành viên của WHO và đã cướp đi sinh mạng của gần 800 người.

Người ta đang hy vọng có được vacxin cúm heo trước mùa thu năm nay và trên thực tế. Khoảng 300 triệu liều vacxin cúm thông thường được sản xuất hàng năm trên khắp thế giới. Mỗi vacxin chứa ba chủng cúm khác nhau ở người, vì thế phải mất ba quả trứng để gây giống.

Nhưng giữa lúc dịch cúm A/H1N1 bùng phát và đe dọa toàn cầu, những công ty dược phẩm, các nhà sản xuất khẩu trang và những kẻ cơ hội trên Internet lại đang ra sức khai thác cơ hội kinh doanh có một không hai này. Nhất là con số dự báo 300 triệu liều vacxin cúm!

Theo báo cáo của hãng dược xuyên quốc gia GlaxoSmithKline doanh số bán vắc-xin để ngừa virus cúm A/H1N1, loại vắc-xin có tên Relenza, đã tăng 1.900% so với cách đây 1 năm. Vào lúc này, hầu hết các quốc gia đều đã và đang mua vào loại vắc-xin này để đề phòng đại dịch. 

Nhờ đó, doanh thu từ riêng loại vắc-xin Relenza của hãng dược GlaxoSmithKline đã đạt 98,4 triệu USD chỉ riêng trong Quý II/2009, tăng nhiều lần so với con số 4,9 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Với lực cầu mạnh và vẫn không ngừng tăng trưởng, Glaxo cho biết tới cuối năm nay, hãng sẽ tăng năng lực sản xuất Relenza lên 190 triệu liều, gấp hơn 3 lần năng lực sản xuất tối đa mà hãng đã công bố trước đó.

Đáng chú ý là không chỉ có văcxin, các sản phẩm “ăn theo đại dịch” như khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, thuốc trị cảm sốt, nước rửa tay diệt khuẩn và thậm chí cả khăn giấy “tiệt trùng” cũng đang rất hút hàng. Hãng Superdrug ở Anh thông báo cặp nhiệt độ kỹ thuật số của họ có giá 12,8 USD/cái đã có doanh số bán ra tăng gấp 10 lần, trong khi Hãng Llyods Chemist cho biết đơn đặt hàng cặp nhiệt độ của họ cũng tăng 7 lần, còn nước rửa tay diệt khuẩn có giá 3,2 USD tăng 70%. Số lượng khăn tiệt trùng bán ra cũng đã tăng gấp đôi ở Anh kể từ khi chính quyền công bố số ca mắc cúm tăng gấp đôi."

Nhiều tiệm ăn cũng đã phất như diều gặp gió

Tại New Zealand, mạng tin Stuff cho biết công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế Fisher & Paykel Healthcare có thể tăng doanh số lên 9 triệu USD vào năm 2010 chỉ riêng nhờ việc bán các máy thở. Nhận ra cơ hội làm ăn có một không hai này, tính tới thời điểm này của năm 2009, công ty đã đầu tư thêm 30 triệu USD để chế tạo các sản phẩm mới ở New Zealand và thêm 18 triệu USD nữa đầu tư ở Mexico. Thu nhập sau thuế của công ty đạt 62,2 triệu USD vào cuối tháng 3-2009 và ban giám đốc hi vọng lợi nhuận trong năm 2010 sẽ tăng 25%.

Các dịch vụ bán thuốc chống cúm trên mạng như Online Clinic cũng đang ăn nên làm ra, khi người dân đổ xô đi mua thuốc để tự đề phòng thay vì chỉ ngồi chờ chính quyền giúp đỡ. Đại diện bán hàng của Online Clinic Robert Mackay nhận xét với Independent: “Tùy thuộc vào tin tức trong ngày hôm đó, doanh số bán ra sẽ tăng nếu xuất hiện tin có người thiệt mạng”. Các hàng hóa khác như bộ dụng cụ chống cúm “trọn gói” với găng tay và khăn tẩm cồn có giá 102,4 USD, dụng cụ thử máu trên trang medichecks.com giá 200 USD, thậm chí một cuốn cẩm nang “hướng dẫn sống sót trong đại dịch cúm” giá 35,2 USD của một tác giả tự nhận là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ đều đã xuất hiện trên các trang mua sắm trực tuyến.

Hiệu ứng cúm A/H1N1 không chỉ dừng lại ở ngành y tế. Nhiều tiệm ăn cũng đã phất lên trong thời đại dịch. Hệ thống giao thức ăn tận nhà ở Mexico kiếm được rất khá vào lúc đại dịch mới bắt đầu khi chính phủ có lệnh giới nghiêm toàn quốc và mọi người phải ở nhà, các nhà hàng công cộng thì bị đóng cửa.

Cho tới giờ, khi lệnh giới nghiêm đã kết thúc, hệ thống thức ăn nhanh giao tận nhà Domino’s Pizza vẫn khẳng định họ đang làm ăn phát đạt. Không chỉ có đồ ăn nhanh, trang mạng Helium còn đưa ra tiên đoán “hướng dẫn nhà đầu tư” liệt kê một danh sách những ngành kinh doanh sẽ phất nhanh nếu đại dịch tiếp tục lan rộng, bao gồm các nhà cung cấp thực phẩm có khả năng dự trữ được trong thời gian dài, nước uống đóng chai, máy phát điện và dầu mỏ.

Cúm làm Karaoke ở Nhật hái ra tiền

Học sinh Nhật ở phòng hát karaoke

Học sinh, sinh viên từ các trường học tại Nhật bị đóng cửa do quan ngại dịch cúm A H1N1 lây lan đã đổ về những quán karaoke để lấp đầy thời gian rỗi.

Quan chức Y tế Nhật khuyến cáo, học sinh sinh viên nên ở nhà nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, một số nhà quản lý quán karaoke lại cho hay, họ bận rộn cho tới tận lúc đóng cửa. Hơn 4.000 trường trung học, đại học, tiểu học cho tới vườn trẻ ở Nhật phải đóng cửa tạm thời tại các quận ở Hyogo và Osaka.

Quyết định này được đưa ra khi Nhật xác nhận đã có hơn 170 trường hợp mắc cúm A H1N1. "Chúng tôi đột nhiên đóng một số lượng lớn học sinh trung học vào thời điểm từ 2g chiều đổ ra, thậm chí là ngay vào ngày tuyên bố đóng cửa trường học một tuần”, một quản lý câu lạc bộ karaoke tại Osaka nói.

Hầu hết quán karaoke ở Nhật đều có những phòng riêng có thể thuê theo nhóm, và người quản lý trên cho hay, tất cả các phòng trong câu lạc bộ của ông đã chật cứng người. "Tôi cũng mong điều tương tự tiếp tục đến trong những ngày tới. Tôi không có quyền mà nói với khách hàng rằng, các bạn nên ở nhà”.

Tuy nhiên, một người quản lý câu lạc bộ khác ở Osaka, Yoshikatsu Ishida, lại đưa ra quan điểm khác biệt về sự bội thu bất ngờ của ngành kinh doanh này. Ông kể rằng, có khoảng 10 nhóm học sinh trung học đã tới câu lạc bộ của ông muốn thuê phòng hát, nhưng ông buộc phải từ chối khi phát hiện ra rằng, họ được khuyến cáo nên ở nhà.

Khẩu trang thời dịch cúm ở Mexico City

Khẩu trang thời dịch cúm ở Mexico City.

Người Mexico trong khi tự giam mình trong nỗi lo sợ về virut cúm cũng không thể không dành chút hài hước về nó. Những chiếc khẩu trang y tế hàng triệu người Mexico đang dùng đã trở thành chất liệu, hay nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo, với một số người “trang điểm” cho miếng vải nhỏ bảo vệ của mình bằng hình miệng khỉ, bộ râu quá khổ, hay “đôi môi mời gọi”. Các tờ báo đưa ra những hình mặt cười để độc giả có thể cắt ra, dán vào khẩu trang của họ. Một số lái xe còn “làm duyên” cho xe của mình bằng những chiếc khẩu trang.

Khi dịch cúm heo đang bùng phát, trên khắp thế giới, người người đang theo dõi chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh này. Với thời trang, đây cũng là "cơ hội" mà nhà thiết kế nhanh chóng tung ra các mẫu khẩu trang rất đa dạng, hài hước và ngộ nghĩnh. Đằng sau những nỗi buồn đại dịch, những chiếc khẩu trang đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, thậm chí là vật trang trí của một số người khi ra ngoài.

Có rất nhiều hình trang trí khẩu trang thú vị như: bộ râu, cặp môi gợi cảm, hay rất nhiều con vật phong phú… để mỗi người có thể lựa chọn cho mình. Đây cũng là trào lưu thời trang ăn theo thời dịch cúm mà các nhà thiết kế đã nhanh chóng bắp nhịp và tạo ra “cơn sốt” của những chiếc khẩu trang vô cùng “hot” nhưng cũng rất thời trang.

Trước hiện trạng dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, để thu hút du khách tham gia tour, các hãng lữ hành đã đưa ra nhiều hình thức bảo hiểm dịch cúm A/H1N1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Giám đốc Công ty lữ hành Viettravel, cho biết: Cho đến nay, công ty đã có 7 hành khách hoãn quyết định đi du lịch nước ngoài vì lo sợ bị nhiễm cúm. Đặc biệt các tour ở châu Âu hủy chuyến khá nhiều, lượng khách nước ngoài vào Việt Nam thông qua dịch vụ lữ hành giảm lớn vào cuối tháng 5.

Để giúp du khách yên tâm khi tham gia các tour, Vietravel đã triển khai chế độ bảo hiểm du lịch đặc biệt dành cho tất cả du khách. Theo đó, nếu du khách gặp rủi ro khi đang đi du lịch (kể cả dịch cúm) sẽ được hưởng mức bồi thường cao nhất là 5.000 USD. Trong trường hợp phải nằm viện, chi phí tối đa là 100 USD/ngày.

Ngoài ra theo ông Kỳ, đa số các điểm đến của công ty đều nằm ngoài vùng nhiễm dịch, trong trường hợp phát hiện có dịch cúm tại điểm đến nằm ngoài tầm kiểm soát, công ty sẽ thông báo với khách hàng và có thể hủy tour vào phút chót. Vì thế khách hàng có thể yên tâm khi tham gia tour.

Còn về phía Saigontourist, ông Võ Anh Tài, Giám đốc công ty cho biết: Để khách hàng yên tâm, Saigontourist đã triển khai tặng phí bảo hiểm của Tập đoàn Bảo hiểm Mỹ AIG cho toàn bộ du khách đi du lịch nước ngoài. Chế độ bảo hiểm này đặc biệt áp dụng cho các trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Vì thế nếu du khách nào không may mắc cúm A/H1N1 sẽ được chi trả mức phí bảo hiểm tối đa cho tuyến châu Âu là 50.000 USD/khách/vụ và 10.000 USD đối với các tuyến còn lại.

Ngoài ra để ổn định tâm lý cho khách hàng trước dịch cúm H1N1. Các hãng đều tổ chức cung cấp thông tin rõ ràng, cập nhật tình hình dịch cúm tại các điểm đến để thông báo và tư vấn cho các khách hàng khi mua tour.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dịch vụ hốt bạc thời dịch cúm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO