Có gì sau cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung?

KHỞI VŨ| 14/11/2017 04:48

Cân bằng cán cân thương mại, tình hình biển Đông và vấn đề Triều Tiên là những nội dung chính trong hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần qua.

Có gì sau cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung?

Chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của ông Donald Trump nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của vị tổng thống này. Theo giới phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thông qua chuyến thăm này để cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết bất đồng trong mối quan hệ Mỹ - Trung và tạo cảm giác đồng thuận, cân bằng giữa 2 nước.

Với nhiều thỏa thuận được ký kết, đây được xem là một trong những chuyến thăm gặt hái được nhiều kết quả nhất của một Tổng thống Mỹ khi tới Trung Quốc.

Cân bằng cán cân thương mại

Từ sau cuộc đối thoại kinh tế toàn diện vào tháng 7/2017 ở Washington, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều quan tâm đến việc thu hẹp thâm hụt thương mại giữa 2 nước. Năm ngoái, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung lên tới 347 tỷ USD. Đây vẫn luôn là chủ đề được Mỹ dùng để chỉ trích Trung Quốc khi cho rằng nước này cố tình tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh bằng cách kìm giá đồng nhân dân tệ (CNY) để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 9/11, Tổng thống Mỹ nói rằng "Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc" mà chỉ hối thúc Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ và ngăn chặn tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Để cụ thể hóa động thái này, 2 bên đã ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại với giá trị hơn 250 tỷ USD. Theo danh sách vừa được Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiết lộ, có 37 thương vụ lớn đã được thông qua giữa các doanh nghiệp Mỹ - Trung trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump lần này.

Những thỏa thuận đáng chú ý như Boeing bán máy bay cho Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị hàng không Trung Quốc (38 tỷ USD), hợp tác thăm dò khí đốt giữa 3 tập đoàn Trung Quốc với chính quyền bang Alaska và Công ty Phát triển đường ống dẫn khí bang Alaska (43 tỷ USD), Qualcomm bán sản phẩm cho Xiaomi, Oppo và Vivo (12 tỷ USD), Tập đoàn Đầu tư năng lượng Trung Quốc đầu tư 84 tỷ USD vào năng lượng tại bang West Virginia.

Tranh chấp trên Biển Đông và vấn đề Triều Tiên

Về vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cả 2 nhà lãnh đạo đều ủng hộ bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như hướng tới giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán dựa trên các "luật pháp quốc tế đã được chấp thuận".

Theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, lập trường của Washington về biển Đông "vẫn không thay đổi". Ông nói rõ Mỹ "sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải" và mong muốn các bên tranh chấp ở khu vực này "ngừng việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn nhằm tối đa triển vọng ngoại giao".

Ông Tập và ông Trump còn thảo luận vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cảnh báo thời gian giải quyết căng thẳng hạt nhân "đang cạn dần" và kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng hành động. Tại cuộc họp báo sau đó, 2 nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tái cam kết mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như sẽ tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đưa ra giải pháp "thông qua đối thoại và đàm phán".

GS. Su Hao thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, 2 bên đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề Triều Tiên, bao gồm cả sự phối hợp chính trị và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, ông nói rằng cả hai vẫn tồn tại những khác biệt và Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề này.

>>Tương lai nào cho quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có gì sau cuộc gặp lãnh đạo Mỹ - Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO