Cincinati: Không còn thơm mùi P&G

THỤY KHA| 22/05/2012 00:27

Procter & Gamble Co. (P&G) di dời trung tâm từ Cincinnati (Mỹ) sang Singapore nhằm thúc đẩy nhanh hơn chiến lược lấy châu Á làm trọng tâm.

Cincinati: Không còn thơm mùi P&G

Procter & Gamble Co. (P&G) di dời trung tâm từ Cincinnati (Mỹ) sang Singapore nhằm thúc đẩy nhanh hơn chiến lược lấy châu Á làm trọng tâm.

Đọc E-paper

Trụ sở của P&G tại Mỹ sẽ dời sang Singapore

Cho đến tận những năm 1940, các công ty con của P&G được thành lập tại các quốc gia khác chủ yếu để mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Tất cả doanh thu bán hàng được chuyển về Mỹ là nơi đặt công ty mẹ của P&G.

Vì thế, quyết định dời tổng hành dinh từ Cincinnati (Mỹ) sang Singapore của P&G có thể thấy trước sự thay đổi toàn bộ chiến lược của hãng. P&G dự kiến hoàn tất quá trình di dời này trong 2 năm và ít nhất 20 lãnh đạo của tập đoàn sẽ chuyển sang làm việc ở trung tâm mới tại Singapore.

Cùng với việc đặt tổng hành dinh tại Singapore, P&G sẽ thay đổi toàn bộ chiến lược kinh doanh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới ưu tiên cho thị trường châu Á.

Kế hoạch di dời trung tâm đưa ra vào thời điểm P&G đang cắt giảm chi phí mạnh tay khi thị trường Mỹ và châu Âu sụt giảm, đồng thời chi phí nguyên liệu, nhân công... tăng vọt. P&G sẽ cắt giảm nhân viên toàn cầu xuống 10%, tương đương với 5.700 người vào tháng 6/2013.

Ước tính kế hoạch cắt giảm này sẽ giúp hãng tiết kiệm khoảng 10 tỷ USD đến năm 2016 và mở rộng nhanh chóng sự hiện diện tại các thị trường đang phát triển ở châu Á.

Trong khi thị trường Mỹ và châu Âu sụt giảm thì tăng trưởng hằng năm của P&G tại châu Á đạt tốc độ trung bình 20%, trong đó ngành hàng dầu gội là hơn 50%, đặc biệt với sự tăng trưởng của nhãn hàng Pantene. P&G cũng cho biết, nhãn hàng châu Á SK-II trở thành một trong 26 “nhãn hàng tỷ đô” - có doanh số hằng năm ít nhất 1 tỷ USD.

Cũng như P&G, trong tình hình kinh tế thế giới thay đổi lệch trọng tâm vào châu Á, nhiều công ty đã chuyển trung tâm tới châu Á. Các nhãn hàng tiêu dùng lớn như P&G, Unulever đều thực hiện các kế hoạch chuyển trụ sở đến Singapore.

Hay các doanh nghiệp ô tô Nhật, Mỹ chuyển trung tâm sản xuất tới Thái Lan, Indonesia và trước đó là làn sóng dịch chuyển trụ sở tới Bắc Kinh, Thượng Hải... Các tập đoàn này đều đưa ra những nhận định tiềm năng về kinh tế châu Á trong nhiều thập kỷ tới.

Theo báo cáo “châu Á năm 2020” của Ngân hàng Phát triển Singapore, tầng lớp trung lưu ở châu Á đã là 525 triệu người, chiếm khoảng 28% tổng số tầng lớp trung lưu thế giới. Trong 10 năm tới, con số này có tăng tới con số khiến người ta khó có thể tin được là 1 tỷ 740 triệu người, vượt một nửa tổng số tầng lớp trung lưu thế giới.

Nhu cầu thị trường của tầng lớp trung lưu thế giới sẽ từ 210 ngàn tỷ USD hiện nay tăng trưởng tới 350 ngàn tỷ USD vào năm 2020, trong đó 70% tăng trưởng đến từ châu Á. Sự tăng trưởng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu châu Á, đến từ nhu cầu đối với các hàng tiêu dùng lâu bền, giáo dục và y tế-chăm sóc sức khoẻ, ô tô và bất động sản cùng năng lượng và mặt hàng số lượng lớn.

Ngoài ra, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu châu Á sẽ dẫn dắt nhu cầu đối với năng lượng và mặt hàng số lượng lớn. Ngoài ra, đối với các nền kinh tế châu Á, muốn thực hiện phát triển bền vững, then chốt là ở chuyển đổi mô hình kinh tế, từ phụ thuộc vào xuất khẩu chuyển sang thúc đẩy bằng tiêu dùng.

Một số công ty đa quốc gia trong mấy tuần qua liên tiếp công bố báo cáo doanh thu quý II. Các báo cáo này cho thấy một xu hướng chính là, tăng trưởng của nhiều công ty đều phụ thuộc vào thị trường châu Á.

Chẳng hạn, lợi nhuận của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông tăng trưởng 13%, còn lợi nhuận tại các khu vực khác ở châu Á lại tăng tới 36%. Văn phòng của giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC Geoghegan cũng mới được chuyển tới Hồng Kông.

Cách đây không lâu, khi tuyên bố thông tin lợi nhuận của ngân hàng này đạt 6,8 tỷ USD trong quý II, ông Geoghegan đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc di chuyển văn phòng lần này: “Châu Á vẫn là nguồn lợi nhuận. Chính tại châu Á mới giúp chúng ta nhìn thấy cơ hội tăng trưởng lớn nhất”.

Akzo Nobel, hãng sản xuất sơn lớn nhất thế giới cho biết, doanh thu tiêu thụ của công ty tại châu Á trong quý II tăng trưởng 76%; hoạt động kinh doanh ở châu Á chiếm 20% thu nhập toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cincinati: Không còn thơm mùi P&G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO