Chung sức và đọ sức

THỤY KHA| 07/01/2010 08:31

ASEAN - Trung Quốc khai trương khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự hình thành khu vực này cũng gây ra nhiều lo ngại.

Chung sức và đọ sức

ASEAN - Trung Quốc khai trương khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự hình thành khu vực này cũng gây ra nhiều lo ngại. Một số ngành công nghiệp ở Đông Nam Á có nguy cơ bị phá sản trước sự cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa ASEAN và Thái Lan

ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán trong 8 năm về việc thành lập Khu vực Tự do mậu dịch, một dự án có thể cạnh tranh với Liên hiệp Châu Âu và Khu vực Tự do trao đổi thương mại Bắc Mỹ về mặt giá trị. Về quy mô và tiềm năng, thị trường chung Trung Quốc - ASEAN, với 1,9 tỷ người tiêu dùng, lớn hơn hẳn hai thị trường nói trên.

Trung Quốc vừa vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của ASEAN, chỉ sau Nhật Bản và châu Âu. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác số một của khu vực. Theo thỏa thuận đã ký, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc và 6 nước sáng lập ASEAN, là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ bãi bỏ thuế hải quan đối với 90% nhóm hàng, dỡ bỏ các hàng rào ngăn cản đầu tư song phương.

Các thành viên còn lại của ASEAN, trong đó có Việt Nam, Campuchia, sẽ áp dụng những biện pháp nói trên, kể từ 2015. Mức thuế các mặt hàng của ASEAN nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ được cắt giảm từ 9,8% xuống còn 0,1%. Trong khi đó, hàng của Trung Quốc vào ASEAN sẽ được giảm thuế từ 12,8% xuống còn 0,6%.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, Khu vực Tự do mậu dịch Trung Quốc - ASEAN sẽ giúp cho hai nhóm nước bớt phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Việc thành lập Khu vực Tự do mậu dịch sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nhóm nước. Các nhà sản xuất ở Trung Quốc sẽ có lợi, cũng như các nhà sản xuất nguyên liệu ở Đông Nam Á. Các nước ASEAN cũng sẽ nhập được nguyên liệu và linh kiện rẻ hơn từ Trung Quốc.

Thế nhưng, không phải tất mọi người đều vui mừng vì dự án này. Trong quá trình đàm phán, cho đến giờ phút chót, các tập đoàn công nghiệp ở Indonesia và Philippines gây sức ép đối với chính phủ đề trì hoãn việc cắt giảm thuế quan đến năm 2012 nhằm bảo vệ một số lĩnh vực kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp Indonesia thừa nhận là ngành công nghiệp của nước này chưa sẵn sàng trong cuộc đọ sức với hàng hóa Trung Quốc.

Dân biểu Indonesia Airlangga Hartarto cảnh báo: “Nếu chính phủ áp dụng tự do mậu dịch, thì những ngành công nghiệp này chắc chắn sẽ lụi tàn”. Vị dân biểu này liệt kê ít nhất 12 ngành công nghiệp bị đe dọa, trong đó bao gồm dệt may, hóa dầu, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ hạ tầng... Theo Chủ tịch Hiệp hội Giày dép Indonesia, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm tới 40% thị phần tại Indonesia. Sắp tới, tỷ lệ này sẽ là 60% và khoảng 40 ngàn người sẽ bị mất việc làm.

Theo nhận định của ông Thomas Kaegi, phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện Quản lý Tài sản UBS, cán cân thương mại chung có phần thiên về phía Trung Quốc. Singapore, Malaysia và Thái Lan chỉ chịu mức thâm hụt thương mại nhỏ với Trung Quốc trong khi con số này của Việt Nam trong những năm qua tăng mạnh.

Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,5 tỷ USD nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 15,7 tỷ USD. Những nước sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ như Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương. Những nước này có thể cần hướng tới các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và xác định các thị trường thích hợp mới.

Bất chấp những hy vọng thúc đẩy thương mại, ông Severino dự báo việc FTA có hiệu lực sẽ không phải là “một sự kiện mang tính đột phá” có thể làm gia tăng mạnh mẽ thương mại từ tháng 1/2010. Theo ông, có nhiều nhân tố mà các nhà đầu tư và thương gia phải cân nhắc, trong khi các chính phủ cần quyết tâm trong việc tạo thuận lợi cho kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chung sức và đọ sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO