Châu Âu cứu các ngân hàng

08/10/2011 00:24

Thị trường tài chính thế giới ngày 7/10 đã diễn biến tích cực sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp ở Berlin (Đức) đưa ra hàng loạt biện pháp đặc biệt về huy động vốn để cứu các ngân hàng.

Châu Âu cứu các ngân hàng

Thị trường tài chính thế giới ngày 7/10 đã diễn biến tích cực sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) họp ở Berlin (Đức) đưa ra hàng loạt biện pháp đặc biệt về huy động vốn để cứu các ngân hàng.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet tại cuộc họp báo cuối cùng ngày 6-10 ở Berline, sau tám năm tại chức - Ảnh: Reuters

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất chỉ đạo là 1,5%, nhưng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp các ngân hàng đang bị đe dọa bởi việc vỡ nợ của Hi Lạp. ECB thông báo các biện pháp mới này bao gồm cung cấp khoản tín dụng mới có thời hạn cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn của khu vực ngân hàng, cũng như tái khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước trong khối đồng euro đang bị nợ nần. ECB cũng khởi động lại các khoản vay kéo dài một tháng, cho phép các ngân hàng tiếp cận các khoản tiền không hạn chế từ nay tới tháng 1/2013.

Sau khi ECB công bố các biện pháp trợ giúp các ngân hàng đang thiếu hụt, thị trường đã phản ứng tích cực.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet, tại cuộc họp báo cuối cùng vào ngày 6/10 sau tám năm lãnh đạo tổ chức tài chính này, đã nhấn mạnh các bước đi mạnh mẽ của ECB chống lại khủng hoảng nợ cho tới nay đã giúp nền tài chính của các nước khối đồng euro không bị sụp đổ. Nhưng các biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là việc mua trái phiếu của các nước đang nợ nần ở châu Âu sẽ là nguy cơ lớn về lâu dài, làm tổ chức chính đứng đằng sau lịch sử 12 năm của đồng tiền chung châu Âu bị mất lòng tin.

Kian Abouhossein, nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co., cho biết các ngân hàng sẽ cần thêm khoảng 148 tỉ euro trong trường hợp phần hùn của họ trong khoản nợ của Hi Lạp bị cắt 60%, 40% của Bồ Đào Nha và Ireland, và 20% của Ý và Tây Ban Nha. Ngân hàng lớn nhất của Đức Deutsche Bank AG (DBK) sẽ cần thêm vốn 9,7 tỉ euro, Commerzbank AG (CBK) cần 5,1 tỉ euro và Societe Generale (GLE) của Pháp cần 6 tỉ euro. Các ngân hàng châu Âu đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vốn cho mình và phụ thuộc rất lớn vào các khoản tiền mặt được ECB cấp trong tình huống gấp gáp.

Các khoản tiền hỗ trợ các ngân hàng có thể là thứ duy nhất để phục hồi niềm tin ở thời điểm mấu chốt hiện tại. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso, trong năm nay cổ phiếu các ngân hàng đã giảm 30% do nhà đầu tư lo ngại các công ty tài chính sẽ phải miễn cưỡng tặng không phần hùn của họ trong các trái phiếu chính phủ Hi Lạp, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha.

Các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính của châu Âu vội vã chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong hệ thống ngân hàng ở các nước sử dụng đồng euro trước cuộc họp thượng đỉnh G-20 vào tháng 11/2011.

Trong khi đó, ngoài khối đồng euro, các nước và các tổ chức tài chính đang theo dõi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu với nhiều lo ngại. Tại Mỹ, Tổng thống Obama trong cuộc họp báo ngày 6/10 đã kêu gọi châu Âu hành động nhanh chóng để trước khi hội nghị diễn ra “châu Âu có một kế hoạch hành động thật rõ ràng, cụ thể và đúng tầm”, bởi “những vấn đề của châu Âu có thể tác động rất rõ đến kinh tế của Mỹ vốn cũng đang rất mong manh”.

Tại Anh, Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King nhận định khủng hoảng nợ châu Âu đang tạo ra những căng thẳng nghiêm trọng trong thị trường vốn ngân hàng và tài chính nói chung. Trước đó, Ngân hàng Anh thông báo sẽ bơm 75 tỉ bảng Anh vào nền kinh tế thông qua biện pháp nới lỏng định lượng (QE). Trước đó, ngân hàng đã bơm 200 tỉ bảng Anh vào nền kinh tế bằng cách mua tài sản như trái phiếu chính phủ, nhằm thúc đẩy các ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định Anh sẽ còn phải tiếp tục làm các động tác giải cứu như vậy trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu cứu các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO