Châu Á: Nơi “tị nạn” thất nghiệp của người Âu, Mỹ

31/07/2010 00:27

Do khả năng hồi phục kinh tế ở Mỹ và châu Âu chậm hơn ở châu Á, nhiều người đang rời Mỹ và một số nước châu Âu để sang châu Á tìm việc làm, dù các nhà tuyển dụng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao.

Châu Á: Nơi “tị nạn” thất nghiệp của người Âu, Mỹ

Do khả năng hồi phục kinh tế ở Mỹ và châu Âu chậm hơn ở châu Á, nhiều người đang rời Mỹ và một số nước châu Âu để sang châu Á tìm việc làm, dù các nhà tuyển dụng đặt ra những tiêu chuẩn rất cao.

Jan Mezlik, 29 tuổi, từ Cộng hòa Czech sang Hong Kong để làm huấn luyện viên vật lý trị liệu. Ảnh: NYT

Trong số đó, Hong Kong là điểm đến nóng nhất. Shahrzad Moaven từ bỏ công việc quan hệ công cộng (PR) ở Luân Đôn chuyển sang Hong Kong cách đây bốn tháng để đảm nhận một chức vụ mà chị cho là hấp dẫn hơn: giám đốc truyền thông ở công ty kim hoàn Carnet. Jan Mezlik, 29 tuổi, từ Cộng hoà Czech sang Hong Kong vào cuối tháng 4 để làm huấn luyện viên trong một cơ sở vật lý trị liệu tên là Stretch.

Luật sư Charlotte Sumner đến Hong Kong cách đây tám tháng do sự thuyên chuyển trong nội bộ công ty của mình. Bà làm việc ở London sáu tháng và ở Moscow sáu tháng, trước khi có mặt ở châu Á. Sau khi đến châu Á, bà nhận ra ngay đây là nơi sẽ tạo ra nhiều cơ hội làm ăn hơn bất cứ nơi nào khác.

Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, không ai trong số ba người này nghĩ một cách nghiêm túc về việc chuyển sang làm việc tại châu Á. Nhưng sự tăng trưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều nước khác trong khu vực đã qua mặt châu Âu và Mỹ. Nhiều công ty ở châu Á đang mở rộng nhanh chóng, trong khi các công ty quốc tế đang chuyển nhiều hoạt động sang châu Á và đang thuê thêm người. Hiện nay, nhiều người thất nghiệp ở châu Âu và Mỹ đang hy vọng rằng châu Á sẽ là “miền đất hứa” để họ thực hiện hoài bão của họ.

Chị Moaven, 28 tuổi, nói: “Ở đây mọi thứ đều năng động hơn rất nhiều. Tại Luân Đôn, hiện không có nhiều công việc cần đến PR hay quảng cáo. Còn ở đây, mọi người đang mở rộng đầu tư vào các hoạt động tiếp thị. Điều đó khiến cho công việc của tôi có hiệu quả hơn rất nhiều”.

Theo ước tính của công ty tuyển dụng Ambition, số sơ yếu lý lịch gửi từ Mỹ và châu Âu đến Hong Kong tăng 20 – 30% so với năm 2008. Matthew Hill, giám đốc điều hành của Ambition tại Hong Kong, cho biết Mỹ và châu Âu chiếm đến 2/3 trong số 600 hồ sơ xin việc mà văn phòng Hong Kong tiếp nhận hàng tháng. Tương tự, theo George McFerran, giám đốc châu Á – Thái Bình Dương của công ty dịch vụ việc làm eFinancialCareers, số ứng viên cho các công việc tại Singapore và Hong Kong tăng gần 50% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, để tìm được một công việc ngon lành ở châu Á nói chung, ứng viên cần phải có kinh nghiệm làm việc trước đây trong khu vực, sử dụng thông thạo ngôn ngữ của nước sở tại, và quen thuộc với văn hoá địa phương cũng như môi trường kinh doanh và pháp luật. Ngoài ra, giới chủ còn muốn ứng viên phải có khả năng mang về cho họ khách hàng và các mối quan hệ cần thiết.

Kết quả là, các ứng viên là người địa phương hoặc những người châu Á khác lớn lên ở nước ngoài thường có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Chẳng hạn như trường hợp của Lauren Kwan, một phụ nữ lớn lên ở Mỹ nhưng thông thạo hai thứ tiếng Quan Thoại và Quảng Đông. Năm ngoái, Lauren từ San Francisco (Mỹ) sang Hong Kong để nhận việc ở hãng Burson-Marsteller. Bà Kwan nói: “Tại Mỹ, tôi nhìn thấy sự “đóng băng” trên thị trường lao động cùng sự sa thải diễn ra quanh tôi. Vì thế, tôi quyết định đi xa tìm cơ hội”.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 9,5%, ở Anh là gần 8%, và ở Tây Ban Nha là 19,9%. Trong khi đó, tại Hong Kong, tỷ lệ thất nghiệp là 4,6%, và tại Singapore – trung tâm của các hoạt động ngân hàng, pháp luật và những công việc văn phòng khác – tỷ lệ này chỉ là 2,2%. Tại Úc, đội quân thất nghiệp cũng đã giảm xuống còn 5,1% trong tháng 6, mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi trước đó. Ông McFerran, thuộc eFinancialCareers, phát biểu: “Tốc độ hồi phục ở châu Á đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Thị trường lao động ở đây đang khởi sắc với nhiều cơ hội việc làm mới”.

Nghiên cứu của Hudson cho thấy trong cuối tháng 6, tỷ lệ các công ty ở Hong Kong có kế hoạch tuyển thêm công nhân đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1998. Hai phần ba số công ty được khảo sát ở Hong Kong và Trung Quốc trong tháng 5 cho biết họ dự định tuyển thêm lao động trong quý 3 năm nay. Tại Singapore, tỷ lệ này là 57%, mức cao nhất từ năm 2001.

Việc tăng cường tuyển dụng diễn ra mạnh nhất trong hai ngành tài chính và dịch vụ pháp luật, nhưng nhìn chung, hầu hết mọi lĩnh vực đều có nhu cầu tuyển thêm lao động. Hầu như ngày nào cũng có tin tức về việc mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất hàng đắt tiền và dịch vụ nhà hàng – khách sạn, vì nhiều công ty đang tìm cách khai thác nhu cầu đang bùng nổ ở Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Pradeep Pant, giám đốc công ty Kraft Foods ở châu Á – Thái Bình Dương, nói: “Các doanh nghiệp phải tăng cường nhân sự ngay để sẵn sàng cho kế hoạch hoạt động trong năm năm tới”.

Jeffrey A. Joerres, giám đốc tuyển dụng của Manpower ở Milwaukee, thành phố lớn nhất trong bang Wisconsin (Mỹ): “Chúng tôi đang chứng kiến một xu hướng mới ở châu Á. Trước tình hình kinh tế hồi phục chậm ở Mỹ, người ta đang xem xét nhiều sự chọn lựa khác nhau để quyết định về việc nên tìm việc làm mới ở đâu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Nơi “tị nạn” thất nghiệp của người Âu, Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO