Châu Á: Cuộc cách mạng an sinh

THỤY KHA| 13/09/2012 05:59

Các quốc gia châu Á đang tìm kiếm mô hình xã hội an sinh với những học hỏi từ những sai lầm của phương Tây.

Châu Á: Cuộc cách mạng an sinh

Các quốc gia châu Á đang tìm kiếm mô hình xã hội an sinh với những học hỏi từ những sai lầm của phương Tây.

Đọc E-paper

Lao động nghỉ trưa tại một công trình ở thành phố New Delhi - Ấn Độ

Kinh tế châu Á sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục đã kéo số người dân thoát nghèo nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Khi trở nên giàu có hơn, người dân đòi hỏi chính phủ nhiều hơn, tạo nên áp lực ngày càng tăng về lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp...

Áp lực này buộc các nền kinh tế sôi động nhất của thế giới đang đi từ xây dựng xã hội giàu có đơn giản hướng tới xây dựng một nhà nước phúc lợi.

Tháng 10 năm ngoái, Chính phủ của Indonesia công bố chương trình cấp bảo hiểm y tế cho tất cả người dân vào năm 2014. Chỉ trong hai năm, Trung Quốc đã mở rộng bảo hiểm hưu trí cho 240 triệu người dân nông thôn.

Đây là một bước nhảy vọt vì mới vài năm trước, khoảng 80% người dân ở nông thôn Trung Quốc không có bảo hiểm y tế. Tại Ấn Độ, 40 triệu hộ gia đình được hưởng lợi từ một chương trình của chính phủ để nhận 100 ngày “làm việc với mức lương tối thiểu”, và nhà nước đã mở rộng bảo hiểm y tế cho 110 triệu người nghèo...

Châu Âu mất hơn nửa thế kỷ để hình thành nên mô hình quốc gia thịnh vượng. Vì thế, một số quốc gia châu Á sẽ xây dựng hệ thống phúc lợi trong một thập kỷ được gọi là “cuộc cách mạng” khi tiến một bước nhảy dài so với phương Tây.

Cho đến nay, hệ thống an sinh tại phần lớn các nước lớn của châu Á chỉ ở mức tối thiểu: bảo hiểm y tế cơ bản và lương hưu thay thế một phần nhỏ thu nhập trước đây của người lao động.

Hiện nay, chi tiêu xã hội so với kích thước của các nền kinh tế chỉ khoảng 30% mức trung bình của các nước giàu và thấp hơn so với bất kỳ phần nào của thế giới mới nổi, ngoại trừ khu vực châu Phi cận Sahara.

Châu Á cũng phải đối mặt với một số vấn đề đặc thù khó khăn. Một là về nhân khẩu học. Mặc dù một số nước, đặc biệt là Ấn Độ, dân số tương đối trẻ, nhưng đang có xu hướng lão hóa.

Hiện nay, Trung Quốc có tỷ lệ cưu mang 5 lao động nuôi 1 người già, nhưng vào năm 2035, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2/1. Ở Mỹ, sau 1/4 thế kỷ vẫn duy trì tỷ lệ 3/1. Một vấn đề khác là kích thước dân số làm cho quyết tâm mở rộng mạng lưới phúc lợi xã hội đặc biệt khó khăn.

Ba nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia có sự chênh lệch thu nhập rất lớn. Xây dựng một nhà nước phúc lợi tại những quốc gia này tương đương với việc tạo ra một nhà nước phúc lợi duy nhất trên toàn Liên minh Châu Âu.

Vấn đề cuối cùng là nhiều lao động tại các quốc gia châu Á chủ yếu làm việc trong nền kinh tế “phi chính thức”, khiến việc xác minh thu nhập trở nên rất khó khăn.

Những thách thức này cần phải được khắc phục như thế nào? Không có giải pháp duy nhất để áp dụng chung. Các quốc gia nên thử nghiệm với các mô hình phúc lợi xã hội khác nhau, nhưng có 3 nguyên tắc chung mà tất cả các chính phủ châu Á cần phải lưu ý.

Đầu tiên là phải chú ý nhiều hơn tới khả năng chi trả. Quy mô của hầu hết quỹ hưu trí tại châu Á là rất khiêm tốn nhưng người dân lại nhận lương hưu từ rất sớm.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hệ thống lương hưu ở 8 nước Châu Á gồm: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam chỉ đảm bảo chi trả cho khoảng 13,2-58% lực lượng lao động đã nghỉ hưu, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là khoảng 90%.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc, phụ nữ nghỉ hưu lúc 55 tuổi; tại Thái Lan, tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60 nhưng nhiều người có thể nhận lương hưu khi mới 55 tuổi. Xu hướng này tạo nên sự bất ổn định lâu dài. Do đó, cần phải nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp với xu hướng tăng tuổi thọ.

Thứ hai, cần phải đặt mục tiêu chi tiêu xã hội thận trọng hơn. Trợ cấp xã hội cần phải là công cụ bảo vệ người nghèo chứ không phải hỗ trợ người giàu.

Đặc biệt, trong xã hội có xu hướng lão hóa nhanh, lương hưu của người già không thể trở thành gánh nặng cản trở đầu tư cho người trẻ ở độ tuổi lao động. Nhiều chính phủ vẫn lãng phí tiền công vào các khoản hỗ trợ đại trà.

Chẳng hạn, Indonesia đã tăng trợ cấp xăng dầu lên 9 lần và số tiền này thực sự chỉ có lợi cho dân thành thị hoặc những người tiêu thụ nhiều xăng dầu.

Thứ ba, các nhà cải cách cần vừa linh hoạt, vừa sáng tạo. Đừng làm hại thị trường lao động bằng các quy định cứng nhắc về mức lương tối thiểu, mà đảm bảo lương hưu linh hoạt giữa công việc và khu vực.

Cuối cùng, thành công của châu Á trong việc hướng tới hệ thống phúc lợi xã hội cần phải có quyết tâm chính trị và cải cách kinh tế mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Cuộc cách mạng an sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO