Châu Á: Bộ não mới của thế giới

HOÀNG HÀ| 18/12/2009 08:35

Tổ chức Corporate Invention Board phối hợp với nhật báo kinh tế Les Echos công bố một bảng xếp hạng về số lượng bằng sáng chế của 2.000 công ty đa quốc gia, theo đó, các nước châu Á đứng đầu thế giới về số phát minh, sáng chế.

Châu Á: Bộ não mới của thế giới

Tổ chức Corporate Invention Board phối hợp với nhật báo kinh tế Les Echos công bố một bảng xếp hạng về số lượng bằng sáng chế của 2.000 công ty đa quốc gia, theo đó, các nước châu Á đứng đầu thế giới về số phát minh, sáng chế.

Nếu lâu nay mọi người vẫn đặt câu hỏi về sức mạnh kỹ nghệ hàng đầu của Á châu, thì bảng xếp hạng của Corporate Invention Board đã đưa ra một câu trả lời cụ thể. Sức phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực kỹ nghệ qua các bằng sáng chế đã vượt qua các đối thủ Hoa Kỳ và châu Âu. Hai quốc gia châu Á này đã chiếm 3/4 con số các bằng phát minh; trong lúc Hoa Kỳ và châu Âu cùng chia nhau 1/3 còn lại với tỷ lệ 14% và 11%.

Các công ty của Nhật Bản dẫn đầu về số lượng phát minh

Các tập đoàn châu Á chiếm 15 vị trí đầu bảng của thời kỳ 1996-2005, trong đó, hãng Hitachi của Nhật Bản chiếm kỷ lục với 137.036 bằng sáng chế trong tất cả các mặt hàng. Thành tích này đưa Hitachi lọt vào hàng đầu trong số 10 tập đoàn kỹ nghệ đầu bảng thế giới. Hàn Quốc đứng nhì bảng với tập đoàn LG có 40.000 bằng sáng chế. Những tên tuổi lớn của hai quốc gia Bắc Á này như Samsung Electronics và Canon cũng khẳng định được vị trí hàng đầu trong phát minh.

Trên bảng vàng bằng sáng chế thế giới, Sony của Nhật Bản đứng đầu trong lĩnh vực nghe nhìn với 22.829 bằng. Về liên lạc viễn thông, LG của Hàn Quốc đứng đầu. Hitachi của Nhật Bản quán quân trong lĩnh vực tin học cũng như Canon về quang học. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, ưu thế phát minh vẫn thuộc về các nền kinh tế phát triển như Nhật và Hàn Quốc, chứ không phải châu Á nói chung hay các nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nước châu Á đang bù lại thời gian đã mất bằng những nỗ lực ươm mầm tài năng có hiệu quả cũng như đầu tư nhiều tiền của cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Châu Á giờ đây đang đi đầu trong đầu tư R&D gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vậy, không nhiều quốc gia thành công trong việc trở thành trung tâm phát minh của thế giới. Mặc dù châu Á đang dồn tiền vào lĩnh vực giáo dục ở cấp cao hơn, song các trường đại học vẫn chưa thể trở thành các trung tâm hàng đầu thế giới về đào tạo và nghiên cứu trong thời gian tới. Không một trường nào trong số 10 trường đại học đứng đầu thế giới nằm ở châu Á.

Cứ một iPod bán ra với giá 200USD, có lẽ khoảng 5USD là ở lại Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc rất đúng khi nói họ không muốn chỉ là công xưởng, nơi đẻ ra ô nhiễm và bất ổn lao động. Một thập niên qua, Trung Quốc nộp hơn 800.000 bằng sáng chế và được cấp chứng nhận gần 200.000. Vấn đề là rất ít sáng chế nào trong đó mang tính chất đột phá. Trung Quốc bỏ nhiều tỷ USD để thành lập các đặc khu nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa có một thành tựu to lớn đến mức những ai bên ngoài nước này cũng háo hức muốn sử dụng.

Một loạt hạn chế đã được chỉ ra: Chính phủ bỏ nhiều tiền vào các khu khoa học, các nhà nghiên cứu được lệnh phải sáng tạo theo thời biểu, phải nộp đơn sáng chế, viết bài khoa học nếu muốn nhận tiền tài trợ. Điều đó dẫn tới số lượng, nhưng không đi theo chất lượng. Một vấn đề nữa là các phòng thí nghiệm của chính phủ không theo kịp nhu cầu khách hàng. Thêm nữa, một số cố gắng của chính phủ lại đi theo khẩu hiệu “Sáng tạo Trung Quốc cho Trung Quốc” nên họ không có những phát minh có ứng dụng toàn cầu..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Bộ não mới của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO