CEO Uber rời nhóm cố vấn kinh tế của Trump: Vết rạn giữa Nhà Trắng và Silicon Valley

P.V (Tổng hợp)| 05/02/2017 06:16

Việc CEO Uber rời khỏi nhóm cố vấn kinh tế của ông Trump báo hiệu sự rạn nứt giữa Nhà Trắng và các công ty công nghệ như Facebook, Google...

CEO Uber rời nhóm cố vấn kinh tế của Trump: Vết rạn giữa Nhà Trắng và Silicon Valley

CEO Uber Travis Kalanick tuyên bố rời khỏi nhóm cố vấn kinh tế của tân Tổng thống Donald Trump.

Nguyên nhân của cuộc rút lui này, theo Reuters, là ông Travis gặp phải áp lực do những nhân viên Uber và các nhà hoạt động phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Trump. Trong đó, nhiều tài xế Uber là người nhập cư.

Căng thẳng được đẩy lên cao độ tại Uber vì trước ngày 2/2, CEO Kalanick chính là một trong những người trong giới công nghệ ủng hộ tân Tổng thống mạnh nhất. Không chỉ chịu áp lực từ nội bộ, Uber còn gặp khó khăn khi đã có hơn 200.000 khách hàng xóa tài khoản.

Thêm vào đó, các đối thủ Uber cũng tận dụng cơ hội để tấn công công ty và củng cố kinh doanh. Hiệp hội tài xế taxi New York đã gửi email cho báo chí kêu gọi chú ý đến mối liên kết của Uber với ông Trump, tổ chức cuộc biểu tình tại văn phòng New York. Lyft, dịch vụ cạnh tranh với Uber, cam kết đóng góp 1 triệu USD cho American Civil Liberties Union và chứng kiến ứng dụng nhảy vọt trên bảng xếp hạng lượt tải.

Jim Conigliaro Jr., nhà sáng lập tổ chức bảo vệ cho gần 50.000 tài xế Uber tại New York, cho rằng nếu không có người nhập cư, không có Uber. Dịch vụ đã mở quỹ phòng vệ pháp lý 3 triệu USD để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống.

“Tham gia vào nhóm cố vấn không đồng nghĩa với ủng hộ Tổng thống hay chương trình nghị sự của ông ấy, nhưng không may điều đó đã bị hiểu lầm thành như vậy”, Reuters dẫn lời của CEO Uber trong một email gửi nhân viên. Phát ngôn viên Uber Chelsea Kohler đã xác nhận việc ông Kalanick ra khỏi nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ra sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia có phần đông dân số là người theo đạo Hồi.

Kalanick nói ông đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ về sắc lệnh trên và “những vấn đề mà sắc lệnh gây ra đối với cộng đồng của chúng tôi”. Ông cũng nói với Tổng thống về việc ra khỏi nhóm cố vấn kinh tế.

Có nhiều cách mà chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng để ủng hộ sự thay đổi công bằng trong chính sách nhập cư. Tuy nhiên, việc ở lại trong hội đồng cố vấn sẽ cản trở điều đó. Sắc lệnh của Tổng thống làm tổn thương nhiều người trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ”, ông Kalanick viết trong e-mail gửi nhân viên. “Các gia đình bị chia cắt, nhiều người bị mắc kẹt ngoài biển, và có một nỗi lo sợ ngày càng gia tăng rằng nước Mỹ không còn là một quốc gia chào đón người nhập cư”.

Động thái của sếp Uber có thể gia tăng áp lực lên nhóm giám đốc doanh nghiệp dự kiến sẽ tham dự một cuộc gặp với ông Trump vào ngày 3/2. Trong số những nhân vật tham dự cuộc gặp này có các giám đốc điều hành của hãng xe GM, ngân hàng JPMorgan Chase, quỹ đầu tư Blackstone, hãng công nghệ IBM, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart…

Ngoài ra, hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump còn có giám đốc các hãng xe điện Tesla, hãng đồ uống Pepsi, công ty tư vấn Boston Consulting Group…

Việc ông Kalanick thôi cố vấn cho Trump có thể là tín hiệu cho sự rạn nứt gia tăng trong mối quan hệ giữa các công nghệ với Washington.
“Đang có một cuộc chiến manh nha”, ông Neejar Agrawal đến từ quỹ Batter Ventures nhận xét. “Chính quyền Trump rõ ràng không đề cao những hoạt động kinh tế mà công nghệ tạo ra”.

Nhiều công ty công nghệ lớn gồm Microsoft, Alphabet, và Amazon đều phản đối sắc lệnh của Trump, nói rằng họ đều phải dựa vào lao động từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong khi đó, Amazon và Expedia đã có động thái pháp lý ủng hộ đơn kiện của chưởng lý bang Washington nhằm vào sắc lệnh của Trump.
cho đến nay, sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump bị nhiều người làm trong ngành công nghệ đả kích. Nhiều người trong số họ là người nhập cư và ủng hộ toàn cầu hóa. Họ đang gây áp lực lên các ông chủ.

Chẳng hạn, nhân viên Facebook cũng lên tiếng phẫn nộ khi Peter Thiel, một nhà đầu tư tỷ phú và cố vấn cho Tổng thống Trump, vẫn có ghế trong ban quản trị mạng xã hội. Tại Google, nhân viên tiến hành các cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm nhập cảnh. Tại thủ phủ Twitter, vài người nói họ không thoải mái khi ông Trump vẫn phụ thuộc mạnh mẽ vào dịch vụ này để gửi đi các thông điệp gây chia rẽ.

>>Sau cuộc gặp Donald Trump - CEOs Silicon Valley: Vẫn còn nhiều dấu hỏi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO Uber rời nhóm cố vấn kinh tế của Trump: Vết rạn giữa Nhà Trắng và Silicon Valley
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO