Cao thịt bò, miến giả và còn gì nữa?

24/04/2011 00:40

Miến - món ăn hằng ngày của người dân Trung Quốc đang bị đe dọa, bất chấp những cảnh báo liên tục từ chính quyền thời gian gần đây. Lòng tham và luật pháp lỏng lẻo đã góp tay cho hiện tượng đáng lo ngại đó.

Cao thịt bò, miến giả và còn gì nữa?

Miến - món ăn hằng ngày của người dân Trung Quốc đang bị đe dọa, bất chấp những cảnh báo liên tục từ chính quyền thời gian gần đây. Lòng tham và luật pháp lỏng lẻo đã góp tay cho hiện tượng đáng lo ngại đó.

Sợi miến làm từ bột bắp ngâm qua hỗn hợp nước có mực in và các phẩm màu độc hại khác để biến thành miến khoai lang - Ảnh: nddaily.com

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại căng thẳng như hiện nay. Ngày 22/4, thêm 40 tấn miến sợi giả nhiễm mực in và nhựa công nghiệp bị phát hiện ở thành phố Trung Sơn (tỉnh Quảng Đông). Vụ việc được phát hiện gần như ngay sau khi các nhân vật cấp cao trong Chính phủ Trung Quốc kêu gọi trừng trị những thành phần bất lương dùng các chất không thể ăn được để đưa vào thực phẩm.

Miến khoai lang bằng... bột bắp và mực in

Chỉ hai ngày sau cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về sự suy đồi đạo đức và không lương thiện trong bối cảnh hàng loạt vụ bê bối thực phẩm vừa xảy ra thì tại thôn Phô Cẩm, thị trấn Cảng Khẩu, thành phố Trung Sơn lại phát hiện nhiều tấn sợi miến sản xuất theo “công nghệ” ngâm bột bắp vào mực in và sáp công nghiệp.

Từ tin báo của người dân, ngày 21/4 Sở Giám sát chất lượng Trung Sơn cử người đến xưởng sản xuất của Công ty TNHH thực phẩm Tường Minh. Tại hiện trường, đội kiểm tra bắt gặp một công nhân đang đưa loại bột màu trắng (được cho là bột bắp) vào bể chứa hỗn hợp nước có màu đen nhờ nhờ vẩn đục để chuẩn bị công đoạn nhào bột nguyên liệu.

"Chúng tôi vẫn phải ăn hằng ngày, bây giờ cũng không biết thực phẩm an toàn ở đâu "

Bà Lý Mẫn - một người tiêu dùng ở Quảng Đông -a thán

Trong gian chính của xưởng sản xuất ngổn ngang các loại “nguyên liệu” như mực đen, hóa chất màu vàng và đen mà theo điều tra ban đầu, chúng được dùng để pha thành nước nhuộm bột bắp thành bột có màu như khoai lang. Sau khi bột được nhào sẽ đưa vào máy cán, máy cắt sợi rồi đem phơi khô đóng bao bì với nhãn mác “miến khoai lang nguyên chất” rất được thị trường ưa chuộng. “Công nghệ sản xuất loại miến này khiến người ta kinh hoàng” - báo Đô Thị Phương Nam dẫn lời một thành viên trong đoàn kiểm tra mô tả. Chỉ trong ngày 21/4, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 5 tấn miến giả đang được chuẩn bị tung ra thị trường.

Theo báo Đô Thị Phương Nam, cơ quan chức năng đang thẩm vấn giám đốc công ty - một thanh niên họ La. Giám đốc mới 22 tuổi này cho biết có khoảng 45 tấn miến độc hại đã được tung ra thị trường thành phố Trung Sơn dù La mới vào nghề từ tháng 2/2011. La khẳng định học nghề từ các xưởng miến khoai lang giả ở thành phố Đông Quản (tỉnh Quảng Đông) - nơi có 20-30 xưởng sản xuất miến giả này và “họ đều sử dụng mực đen để nhuộm màu cọng miến, tôi học kỹ thuật này từ họ” - La thành thật khai báo.

Lòng tham và luật lỏng lẻo

Chậm ban hành quy định

Có vẻ đến nay Chính phủ Trung Quốc chỉ đang tập trung vào vấn đề siết chặt chuyện sử dụng phụ gia trong thực phẩm, trong khi thực phẩm độc không ngừng được tuôn ra thị trường. Các quy định lỏng lẻo và việc sửa luật chậm cũng là nguyên do khiến những kẻ bất lương không còn e dè.

Tân Hoa xã cho biết sau gần ba năm (từ năm 2008) xảy ra vụ bê bối sữa có melamine làm sáu trẻ thiệt mạng và 300.000 trẻ khác nhiễm bệnh, ngày 20/4/2011 Bộ Y tế Trung Quốc mới chính thức ban hành quy định về liều lượng melamine trong thực phẩm: thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh nếu có lượng melamine cao hơn 1mg/kg sẽ bị cấm bán trên thị trường của nước này, lượng melamine cho phép trong các loại thực phẩm khác là 2,5mg/kg. Trong thời gian chờ quy định này được ban hành, sữa độc hại đã đôi lần tái xuất hiện trên thị trường Trung Quốc.

Mỗi khi xảy ra vụ bê bối thực phẩm mới, cơ quan chức năng đều có mặt để thẩm định và kiểm tra nhưng người dân Trung Quốc chưa dám chắc cơ quan chức năng có thật sự vào cuộc hay không. Báo điện tử Trung Sơn cho rằng có lúc nhân viên chấp pháp lúng túng khi gặp phải những trường hợp phức tạp.

Như trong vụ bê bối kể trên, cuối năm 2010 La mới nộp đơn xin thành lập doanh nghiệp ở Sở Công thương Trung Sơn nhưng chỉ một tháng sau đã nhận được giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh thực phẩm dưới tên Công ty TNHH thực phẩm Tường Minh. Giấy phép được cấp nhanh một cách khó hiểu bởi ở Trung Sơn đang siết chặt việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh thực phẩm. Và cơ quan chức năng chỉ trả lời đơn giản “thật đáng tiếc” khi được hỏi vì sao cấp phép nhanh chóng đến thế.

Đáng nói hơn, vụ miến giả xảy ra chỉ một ngày sau khi Phó thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng cảnh báo thực phẩm bẩn đang làm tổn hại xã hội Trung Quốc và ra lệnh trừng trị thật nghiêm khắc những thành phần sản xuất, tiêu thụ thực phẩm độc và bẩn. “Các doanh nghiệp có xu hướng sử dụng chất phụ gia trái phép thì doanh nghiệp nên bị đóng cửa và người liên quan nên bị cấm tham gia ngành công nghiệp thực phẩm” - Phó thủ tướng Lý nói.

Những người đứng đầu quốc gia đã lần lượt lên tiếng cảnh báo, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao các vụ thực phẩm độc hại cứ xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn. “Đó là do lòng tham và luật pháp chưa nghiêm, chưa xử lý triệt để những kẻ không có lương tâm này” - một người dân ở thôn Phô Cẩm bức xúc chỉ rõ.

Lòng tham, theo báo mạng Trung Sơn, đã khiến con người mờ mắt. Như trong vụ miến khoai lang giả, chỉ để kiếm lời thêm 2.000 nhân dân tệ/tấn miến mà giám đốc họ La không ngần ngại dùng đến công nghệ bẩn.

Luật pháp chưa nghiêm cũng là lý do mà người dân tỉnh Quảng Đông, nơi gần đây xuất hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn như vụ “cao biến thịt heo thành thịt bò”, cho rằng đã khiến “những người sản xuất thực phẩm bẩn dám treo đầu dê bán thịt chó, cơ quan chức năng bắt họ như bắt cóc bỏ đĩa”.

Các bạn nghĩ gì khi đọc bài viết nói trên? Mời các bạn tham gia gửi ý kiến phản hồi ở phần dưới đây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cao thịt bò, miến giả và còn gì nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO