Căng thẳng mới tại Trung Đông

LÊ PHAN| 02/04/2019 08:26

Tình hình tại khu vực Trung Đông một lần nữa lại dậy sóng, lần này đến từ những tranh chấp cao nguyên Golan, mà mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố chủ quyền vùng đất này thuộc về Irsael.

Căng thẳng mới tại Trung Đông

Vùng đất chiến lược
Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại làm cộng đồng quốc tế hoang mang khi ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Đây được xem là hành động chính thức sau tuyên bố của ông Trump vài ngày trước đó cho rằng sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan.
Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã có những tuyên bố và chính sách tỏ rõ sự ủng hộ đối với đồng minh thân cận Irsael, nhưng ngược lại làm thất vọng và thổi bùng ngọn lửa giận dữ nơi cộng đồng Ả Rập. Trước đó, vào cuối năm 2017, ông Trump cũng đã công nhận Jerusalem - vùng đất được xem là thánh địa vẫn trong tình trạng tranh chấp quyết liệt giữa các tôn giáo, là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến đó. Quyết định đó gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới Ả Rập.
Về cao nguyên Golan, đây là vùng đất thuộc về Syria từ năm 1944 nhưng sau đó đã rơi vào tay Irsael từ năm 1967 sau cuộc chiến 6 ngày với các nước Ả Rập. Năm 1981, Irsael đã sáp nhập lãnh thổ này dù bị chỉ trích gay gắt từ các tổ chức quốc tế cho đến tận ngày nay. Năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành một nghị quyết kêu gọi Irsael chấm dứt chiếm đóng cao nguyên Golan. Quyết định của ông Trump cũng đi ngược lại với Nghị quyết 242 quy định lãnh thổ chiếm bằng chiến tranh không được công nhận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, với vị trí đặc thù về chiến lược trong khu vực, Irsael chưa bao giờ từ bỏ ý định rút khỏi cao nguyên này. Chính Tổng thống Trump cũng thừa nhận cao nguyên Golan có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và an ninh đối với nhà nước Irsael cũng như ổn định khu vực.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua Nhà nước Irsael luôn tích cực vận động hành lang để được công nhận chủ quyền đối với cao nguyên Golan, nhưng luôn vấp phải thất bại khi Mỹ không chấp nhận yêu sách chủ quyền trên của Israel, nhưng giờ đây họ đã đạt được thành công dưới triều đại Tổng thống Trump.
Có lẽ Irsael nhận ra rằng với một vị tổng thống có những quyết định khó lường và sẵn sàng phá vỡ những nguyên tắc ngoại giao thông thường, cũng như không ngần ngại hành động đơn phương rút khỏi các thỏa thuận, hiệp định đã ký kết, thì không còn ai có thể tốt hơn ông Trump để giúp Israel đạt được tham vọng ấp ủ từ bấy lâu nay.

Phản ứng của quốc tế

Cũng không loại trừ khả năng Mỹ muốn làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là những tranh chấp giữa Irsael và Syria nhằm làm phân tán sự tập trung của Nga khỏi sự bất ổn đang diễn ra tại Venezuela.

Quyết định mới nhất của Tổng thống Trump không chỉ vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của cộng đồng Ả Rập, mà còn nhận lấy sự phản đối kịch liệt từ các đồng minh lâu đời là Anh và Pháp, khi các nước này vẫn giữ quan điểm coi Irsael đang chiếm đóng Golan chứ không có chủ quyền hợp pháp.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra vào hôm 27/3, Anh cho rằng quyết định của Tổng thống Trump vi phạm Nghị quyết 497 mà Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1981, tuyên bố việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan là vô nghĩa và không có giá trị. Pháp cũng cảnh báo bất kỳ động thái nào đi ngược lại luật pháp quốc tế sẽ hứng chịu thất bại.
Trong khi đó, cả Trung Quốc lẫn Nga cũng lên tiếng phản đối và kêu gọi chính phủ các nước bác bỏ quyết định của Mỹ. Cần biết rằng vào tháng 8/2018, quân cảnh Nga cũng đã triển khai lực lượng Liên Hiệp Quốc bảo đảm an ninh vùng đệm giữa Israel và Syria tại cao nguyên Golan.
Cũng không loại trừ khả năng Mỹ muốn làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là những tranh chấp giữa Irsael và Syria nhằm làm phân tán sự tập trung của Nga khỏi sự bất ổn đang diễn ra tại Venezuela. Ngày 22/3, một nhóm quân nhân  Nga đã có mặt tại sân bay quốc tế Maiquetia của Venezuela và hiện vẫn duy trì lực lượng này đến nay. Về phía Nhà Trắng, ngày 29/3 đã cảnh báo Nga và các quốc gia ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về việc điều quân đội và thiết bị quân sự tới Venezuela, nói rằng Mỹ sẽ xem những hành động đó là mối đe dọa trực tiếp với an ninh khu vực.
Về phần mình, Syria đã lên tiếng đe dọa sẽ dùng đến vũ lực để giành lại cao nguyên Golan từ Irsael nếu cần thiết, khi cho rằng Trump không có thẩm quyền công nhận sự xâm lược của Irsael đối với cao nguyên Golan của Syria.
Theo giới quan sát, quyết định trên cũng khiến Mỹ gặp khó khăn nếu muốn tiếp tục phản đối Nga sáp nhập Crimea từ Ukraina.
Bất chấp sự phản ứng từ cộng đồng quốc tế, kể cả những quốc gia đồng minh lâu đời, chính quyền Trump cho đến lúc này vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn của mình. Ngay cả việc Hội đòng Bảo an Liên Hiệp Quốc phản đối cũng dường như không tác động đến khả năng thay đổi quyết định từ phía Mỹ, khi mà ông Trump từ lúc cầm quyền đến nay thường không xem trọng những hiệp ước, tổ chức quốc tế và sẵn sàng rút lui nếu thấy bất lợi cho nước Mỹ. Dù vậy, những sự kiện này chỉ càng khiến nước Mỹ rơi vào thế bị cô lập nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Căng thẳng mới tại Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO