Các nền kinh tế mới nổi châu Á trỗi dậy nhanh

31/01/2010 08:58

Các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang trỗi dậy nhanh hơn dự đoán, đang thoát khỏi tình trạng không ổn định của thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên, vẫn còn mối quan ngại về lạm phát.

Các nền kinh tế mới nổi châu Á trỗi dậy nhanh

Các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang trỗi dậy nhanh hơn dự đoán, đang thoát khỏi tình trạng không ổn định của thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên, vẫn còn mối quan ngại về lạm phát.

Đây là nội dung báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với nhận định chung rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang đón chờ viễn cảnh tốt đẹp hơn trong năm 2010.

Theo báo cáo, tiến trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt, tăng trưởng của những nền kinh tế đang trỗi dậy tại châu Á nhanh hơn mong đợi. Tình hình tài chính của châu Á vững mạnh hơn so với Mỹ hay châu Âu.

IMF dự đoán mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 4% trong năm nay với sự đóng góp phần lớn của Trung Quốc và Ấn Độ.

Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần sẵn sàng can thiệp để nâng đòn bẩy tài chính, làm sao để áp lực giá cả và nguy cơ lạm phát không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nhận định về kinh tế Trung Quốc, ông John O’Connor, chuyên gia kinh tế châu Á của Ngân hàng Quốc gia Australia cho rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ không đạt 10% như dự báo của IMF vì lạm phát là mối đe dọa chính đến quá trình phát triển kinh tế của nước này.

Tháng 12/2009, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc là 2% và con số này có thể tăng lên 5% vào cuối năm 2010.

Bên cạnh đó, giá bất động sản tăng cao và nguy cơ bong bóng bất động sản cũng là điều đáng lo ngại.

Cuối tháng 12/2009, giá bất động sản tại 70 thành phố của Trung Quốc đã tăng 8% so với một năm trước. Tại Thượng Hải, một căn hộ cao cấp được bán với giá gấp đôi so với một năm trước đó.

Trong khi đó, ông Jorg Decression, một chuyên gia của IMF, lại không cho rằng việc vay tín dụng dễ dàng là một vấn đề lớn tại thời điểm này đối với Trung Quốc.

Hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng lãi suất trước tháng 6.

Về hình thình kinh tế Ấn Độ, báo cáo của IMF cho rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cần phải hành động mau chóng hơn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, vì giá thực phẩm đang tăng chóng mặt tại Ấn Độ trong vòng bốn thập kỷ qua, đặc biệt là những mặt hàng chính yếu như gạo, đường và rau.

IMF dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ đạt 7,7% trong năm nay và lạm phát có thể khống chế được.

Tuy nhiên, ông Adit Jain, Chủ tịch Tổ chức IMA-India lại cho rằng lạm phát có thể chạm mức 10% trước tháng 3/2010 và nếu vậy, việc siết chặt tiền tệ có thể sẽ khó khăn hơn so với dự tính.

Ông dự báo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ nâng lãi suất lên 3,75% vào trước thời điểm giữa tháng 6. Đây là biện pháp cân bằng chính sách hiệu quả để không cản trở quá trình phục hồi mong manh của nước này.

Hạn ngạch xuất khẩu cũng như nhu cầu nội địa ở Ấn Độ hiện có xu hướng tăng ở cả hai khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, điều này sẽ giúp kinh tế Ấn Độ phục hồi.

Các nhà phân tích cùng chung quan điểm rằng Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ đạt được chỉ tiêu đầy lạc quan của IMF nếu hai nước này duy trì được mức chi phí đối với nguyên liệu thô và không để giá thực phẩm tăng đột biến.

Hai ngày trước, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của IMF, ông Olivier Blanchard cũng nhận định rằng kinh tế thế giới đang trong giai đoạn hồi phục, có thể đạt tốc độ tăng trưởng 4,3% trong năm 2011.

Nước có mức tăng trưởng cao nhất là Trung Quốc 10%, kinh tế Mỹ có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 2,7%, trong khi kinh tế châu Âu vẫn "ì ạch" ở mức 1%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các nền kinh tế mới nổi châu Á trỗi dậy nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO